Bài 4: Khi liệt sỹ oằn lưng “cõng” quan xã hàng chục năm

Câu chuyện tại ấp Rau Dừa cũng chỉ là một trường hợp không hề hiếm gặp tại tỉnh Cà Mau khi một nhóm những cán bộ xã đã “phù phép” giấy tờ để ăn trên xương máu của nhiều liệt sỹ tại Hưng Mỹ.
Bài 4: Khi liệt sỹ oằn lưng “cõng” quan xã hàng chục năm ảnh 1Quan xã vẫn điềm nhiên ăn chặn tiền thương binh liệt sỹ mặc cho gia cảnh khốn khó của chị Lê Thị Lụm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2012, trong khi đi đổi bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Huỳnh Văn Thương, chị Lê Thị Lụm (ngụ tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) tiện miệng thắc mắc về việc gia đình mình không nhận được tiền hỗ trợ chính sách.

Cũng bắt đầu từ đây, một loạt bằng chứng từ Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Cà Mau trả về đã hé lộ sự thật: Một nhóm cán bộ đã và đang ăn trên xương máu của nhiều liệt sỹ khác tại Hưng Mỹ.

Câu chuyện tại ấp Rau Dừa cũng chỉ là một trường hợp không hề hiếm gặp tại tỉnh Cà Mau khi chính những cán bộ xã “phù phép” để tư túi tiền tri ân thương binh, liệt sỹ.

Một liệt sỹ “gánh” vài quan xã

Như VietnamPlus đã phản ánh tại Bài 3: "Ăn chặn tiền xương máu của gia đình liệt sỹ," trong thời gian nhiều năm, một nhóm cán bộ của xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước đã sử dụng nhiều thủ thuật để chiếm đoạt số tiền Nhà nước hỗ trợ cho các gia đình có công với cách mạng.

Ròng rã hàng chục năm trời, mỗi liệt sỹ nằm xuống đã phải gánh thêm vài vị quan xã, trong khi gia đình họ vẫn phải sống trong cảnh bần hàn.

Điển hình, gia đình liệt sỹ Huỳnh Văn Thương chỉ nhận được tiền trợ cấp trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1994.

Gia đình liệt sỹ Trần Văn Quanh thậm chí còn thảm hơn khi không hề nhận được bất kỳ khoản chi trả nào suốt từ năm 1995 đến nay.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có đến 10 hộ gia đình có liệt sỹ tại Hưng Mỹ đã đứng ra tố cáo hành vi ăn chặn, tham nhũng của các ông Nguyễn Minh Phụng và Trần Quốc Thoảng, thời điểm đó vẫn đang giữ nhiệm vụ phụ trách mảng Lao động, thương binh và xã hội của xã.

[Những “mẩu chuyện” đau lòng về chính sách ở mũi đất Cà Mau]

Giữa năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về kết quả giải quyết đơn tố cáo liên quan đến vụ việc trong đó làm rõ hành vi ăn chặn tiền xương máu của hai cá nhân ông Phụng và ông Thoàng cùng một số cán bộ phụ trách thương binh, xã hội khác.

Theo đó, từ trước thời điểm tháng 8/2002, ông Nguyễn Minh Phụng giữ nhiệm vụ phụ trách Lao động thương binh và xã hội của xã Hưng Mỹ. Còn ông Trần Quốc Thoàng nối tiếp nhiệm kỳ ngay sau đó.

Từ năm 1994 đến tháng 3/2004, ông Thoàng, trên cương vị của mình đã thông báo với gia đình liệt sỹ Huỳnh Văn Thương về việc ngừng chi trả trợ cấp do người nhận trợ cấp cũng là cha đẻ liệt sỹ đã mất năm 1994. Tuy nhiên, vụ cán bộ này lại không thông báo đến Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện để cắt giảm mà vẫn giữ nguyên danh sách lập dự toán rút kinh phí.

Nghĩa là, một cách mặc nhiên, ông Thoàng không cho cha đẻ liệt sỹ Huỳnh Văn Thương được “chết” mà giữ cụ sống thêm khoảng 10 năm nữa.

Trong quãng thời gian này, ông Thoàng đã giả mạo chữ ký cha đẻ liệt sỹ, ký nhận với số tiền là 7,7 triệu đồng.

Đến năm 2004, ông Thoàng tiếp tục lập khống hồ sơ xin hỗ trợ tiền mai táng phí cho cụ Huỳnh Văn Sen, người đã mồ yên mả đẹp cả thập niên trước đó. Với chiêu thức này, ông Thoàng tiếp tục tư túi số tiền là 1,5 triệu đồng.

Bài 4: Khi liệt sỹ oằn lưng “cõng” quan xã hàng chục năm ảnh 2Chị Lê Thị Lụm vẫn khắc khoải chờ hai chữ 'công lý' sẽ đến với gia đình mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng với thủ đoạn tương tự, ông Thoàng cũng đã giả mạo chữ ký, chiếm đoạt tiền trợ cấp tuất liệt sỹ của thân nhân liệt sỹ Trần Văn Quanh từ tháng 8/2002 đến hết tháng 7/2004. Vị cựu cán bộ này cũng dùng cách thức “khai tử chậm” cho cha liệt sỹ Quanh trong 7 năm để chiếm dụng tài sản. Tổng số tiền trong trường hợp này là 13,2 triệu đồng.

Riêng với ông Nguyễn Minh Phụng, các báo cáo, quyết định của các cấp, ngành của tỉnh Cà Mau cũng chỉ rõ hành vi gian dối.

Cụ thể, ông Nguyễn Minh Phụng đã lập khống hồ sơ, ký nhận tiền trợ cấp tuất của liệt sỹ Ngô Văn Sơn là 6,6 triệu đồng.

Với liệt sỹ Quanh, sau khi hồ sơ liệt sỹ được công nhận, ông Phụng đã không thông báo với gia đình; không chi trả chế độ mà giả mạo chữ ký nhận và chiếm đoạt toàn bộ số tiền từ năm 1995 đến 2002. Tổng số tiền ông Phụng chiếm đoạt lên tới 18,6 triệu đồng. Ngoài ra, vị cựu cán bộ này còn kịp tư túi thêm 600.000 đồng tiền quà lễ cho gia đình liệt sỹ Quanh.

Ngoài hai nhân vật kể trên, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng phát hiện trường hợp của một cựu cán bộ khác của xã Hưng Mỹ là bà Dương Thị Bé Ngoan khi giả mạo chữ ký nhận tiền trợ cấp của liệt sỹ Trần Văn Quang vào cuối năm 2007 với số tiền 940.000 đồng. Ông Nguyễn Trường Giang, cũng ở vị trí tương tự đã không thông báo chi trả cho gia đình liệt sỹ, giả mạo chữ ký chiếm đoạt số tiền 8,4 triệu đồng cùng 350.000 tiền quà lễ của gia đình liệt sỹ Quanh.

Cơ quan chức năng yêu cầu các cá nhân trên phải hoàn trả số tiền đã tham ô, cắt xén lại để xử lý sau.

Riêng hai ông Thoàng và Phụng, Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước đã chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra huyện để tiến hành điều tra.

Khắc khoải chờ công lý

Theo các văn bản, quyết định về vụ việc phóng viên có trong tay, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau đã yêu cầu những cá nhân tham ô tài sản nộp toàn bộ số tiền sai phạm về tài khoản có tên “Tạm giữ chờ xử lý” của Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau.

Bài 4: Khi liệt sỹ oằn lưng “cõng” quan xã hàng chục năm ảnh 3Gia đình 8 người thân của liệt sỹ Trần Văn Quanh cũng đang sống chung trong căn nhà ọp ẹp được quây tạm bằng lá dừa và vải vụn. Nền nhà lổn nhổn những đất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính đến thời điểm hiện tại, các cấp, ngành của tỉnh cũng mới chỉ làm rõ được hành vi tham ô ở hai trường hợp liệt sỹ Huỳnh Văn Thương và Trần Văn Quanh. Số tiền thu hồi cũng đang nằm ở dạng “chờ xử lý” trong khi từng ngày, từng giờ, hai gia đình liệt sỹ Thương và Quanh đang sống trong cảnh hết sức bi đát.

Chị Trần Thị Lụm, thân nhân liệt sỹ Thương nhiều năm nay vẫn phải sống trong căn nhà lợp bằng lá dừa nước lúp xúp, tuyềnh toàng không có đồ đạc gì giá trị. Ngay trái nhà, ngôi mộ của bố chồng chị, cụ Huỳnh Văn Sen, người bị các cựu cán bộ xã Hưng Mỹ nhẫn tâm “bắt sống thêm 10 năm” trên giấy tờ, nằm lặng lẽ trong nắng cuối chiều.

[Bài 2: Số phận những ngôi mộ nằm ngoài rìa nghĩa trang liệt sỹ]

 

Chị bảo, gần chục năm theo kiện, đến lúc sự việc dần hé ra ánh sáng thì chị cũng kiệt quệ tài chính. Trong suốt buổi nói chuyện, con trai chị Lụm cứ khóc nấc lên xin mẹ tiền mua sữa uống mà chị cũng không có nổi.

“Khổ lắm rồi chú ạ. Tiền tuất chúng tôi không được nhận lại, gia đình lúc nào cũng trong cảnh chạy ăn,” người phụ nữ tiều tụy khóc nấc bên phần mộ cha chồng.

Cách đó không xa, đại gia đình 8 người thân của liệt sỹ Trần Văn Quanh cũng đang sống chung trong căn nhà ọp ẹp được quây tạm bằng cơ man lá dừa và vải vụn. Nền nhà lổn nhổn những đất. Mỗi lần gió lớn, cả căn nhà lại rùng mình, rung lên kèn kẹt.

Mẹ liệt sỹ Quanh, cụ Nguyễn Thị Thạnh, từ mấy năm nay đã mất hoàn toàn trí nhớ, ngày ngày ngồi im, nhìn lên bàn thờ con trai rỉ rỉ khóc.

Ông Trần Văn Tuấn, em liệt sỹ Quanh cay đắng nói: “Giờ cả nhà tôi chỉ trông vào sức lao động của đứa con trai đang theo tàu cá ngoài biển. Tôi chỉ mong, Nhà nước xử đúng người, đúng tội và trả lại những gì chúng tôi xứng đáng được nhận.”

Điều khiến những người dân khốn cùng này bức xúc hơn là sau khi xem xét vụ việc, cơ quan công an huyện Cái Nước đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Minh Phụng và ông Trần Quốc Thoàng.

Công an huyện cho hay: Ông Phụng phạm tội tham ô tài sản nhưng đã quá 10 năm nên hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với ông Thoàng, cảnh sát xác định ông này đã chiếm dụng tiền nhiều lần nhưng mỗi lần chiếm dụng dưới 2 triệu đồng nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

“Ăn trên xương máu cha, anh chúng tôi rồi bồi hoàn nguyên khoản tiền họ chiếm dụng từ chục năm về trước, bất kể sự chênh lệch thời giá, thế là họ thoát tội. Đau nhất cuối cùng vẫn chỉ chúng tôi, và anh linh những người đã ngã xuống,” ông Tuấn cay đắng nói trong khói thuốc mịt mù.

Bài 4: Khi liệt sỹ oằn lưng “cõng” quan xã hàng chục năm ảnh 4Mẹ liệt sỹ Quanh, cụ Nguyễn Thị Thạnh, từ mấy năm nay đã mất hoàn toàn trí nhớ, ngày ngày ngồi im, nhìn lên bàn thờ con trai ri rỉ khóc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch xã Hưng Mỹ cho hay: ​Số tiền các cựu cán bộ xã “tham ô” trên xương máu hai liệt sỹ Quanh và Thương đã được bồi hoàn lại ngân sách. Phía chính quyền xã cũng sẽ tiến hành hướng dẫn các gia đình liệt sỹ làm hồ sơ để được nhận lại những khoản tiền bị ăn chặn này.

Ông Khánh cũng cho biết thêm: Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cá nhân có liên quan đã bị cắt chức và khai trừ khỏi Đảng.

Riêng đối với việc cơ quan công an không tiến hành khởi tố vụ án hình sự, ông Khánh khá bức xúc: “Không thể có chuyện làm hồ sơ khống bao giờ vỡ lở chuyện ra mang tiền đem trả được. Phải xử chứ.”

Bản thân vị Phó Chủ tịch này cũng cho rằng cần phải khởi tố vụ án, trả lại công bằng cho những người bị thiệt hại.

Nhưng cuối cùng, những người dân như chị Lụm, ông Tuấn… vẫn cứ phải đợi sự chuyển mình từ công lý.

Ăn chặn, chuyện không riêng Hưng Mỹ

Câu chuyện các cán bộ có thẩm quyền ăn chặn tiền xương máu các liệt sỹ thực ra không hoàn toàn mới tại Cà Mau. Trước đó, tháng 12/2014, Công an huyện Trần Văn Thời đã khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Toán, nguyên cán bộ xã Khánh Bình về hành vi tham ô tài sản.

Được giao phụ trách chi trả tiền ưu đãi cho người có công từ năm 2010 đến 2013, Toán đã lợi dụng nhiệm vụ để chiếm đoạt hơn 350 triệu đồng của 90 người thuộc diện chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, cảnh sát cũng bắt giữ thêm hai cán bộ khác của các xã Lợi An và Khánh Hưng về tội danh tương tự.

Năm 2010, tại một số xã huyện Đầm Dơi, tình trạng lợi dụng chức vị để tham ô, ăn chặn trên xương máu liệt sỹ cũng đã xảy ra.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục