Bài 4: "Lạm phát” thủy điện: Lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn

“Lạm phát” từ các dự án thủy điện đang dần “giết chết” những con sông vốn là nguồn sinh kế của người dân, thậm chí có thủy điện ở còn “hút kiệt” nguồn nước nội đồng, ít nhiều ảnh hưởng đến du lịch.
Bài 4: "Lạm phát” thủy điện: Lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn ảnh 1Nhà máy thủy điện Bản Rạ, tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Lạm phát” từ các dự án thủy điện đã và đang dần “giết chết” những con sông vốn là nguồn sinh kế của người dân miền núi. Thậm chí, có thủy điện ở còn “hút kiệt” nguồn nước nội đồng, chậm đền bù thiệt hại, chây ì phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, và gây ảnh hưởng đến du lịch...


Gây ảnh hưởng, nhưng chậm đền bù

Với bất kỳ ai thích khám phá, khi đến Cao Bằng đều tấm tắc khen Thác Bản Giốc rất đẹp, với những dòng nước chảy êm đềm tung bọt trắng xóa qua từng khe đá mọc đầy rêu xanh. Vậy nhưng, những năm gần đây, thác có lúc đã bị khô cạn, phơi mình giữa lòng “Mẹ thiên nhiên.”

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, từ đầu năm 2008, Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc bắt đầu thi công công trình Nhà máy thủy điện Bản Rạ, với công suất lắp máy là 18MW, tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trước khi thi công, phía doanh nghiệp đã có giấy cam kết không làm ảnh hưởng đến tưới tiêu khu vực lân cận.

“Nếu bị ảnh hưởng, công ty có trách nhiệm đền bù sản lượng cho những hộ đó mỗi năm một vụ lúa với năng suất cao nhất trong vùng,” cam kết do ông Ngôn Trung Tuyến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc, ký ngày 23/1/2008 nêu rõ.

Vậy nhưng, theo phản ánh của nhân dân xã Đàm Thủy, thì từ khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy từ năm 2011, cuộc sống của bà con trên địa bàn xã đã bị ảnh hượng nặng nề do thủy điện đào kênh dẫn sâu “hút” hết nước. Trong khi, hạn hán xảy ra với thời gian kéo dài hơn, thường xuyên hơn.

[Bài 1: Tỉnh nghèo cuốn theo “cơn lốc” phát triển thủy điện nhỏ]

Trong câu chuyện với phóng viên, ông Nông Đình Lai (81 tuổi) ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy cho biết: “Gia đình tôi là một trong những hộ bị ảnh hưởng không có nước sản xuất nông nghiệp và được xã xác nhận, có tên trong danh sách được đền bù thiệt hại 2012 - 2014 nhưng tới nay mới chỉ nhận được một phần tiền đền bù năm 2012.”

Cùng là “nạn nhân” của thủy điện, bà Mạc Thị Biếc, Bản Mom cho hay, từ ngày thủy điện đi vào vận hành, 80% diện tích đất nông nghiệp của gia đình bà đã không đủ nước sản xuất. Không chỉ riêng gia đình bà, xóm Bản Mom còn 11 hộ gia đình ​cũng chịu chung hoàn cảnh. Ngoài ra, nước sinh hoạt của người dân Bản Mon cũng không đủ do hoạt động của Thủy điện.

“Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo huyện, yêu cầu phía công ty đền bù cho dân và họ cũng đã có phương án dự toán đền bù cho dân giá trị thiệt hại hoa màu từ năm 2012-2014 là gần 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện phía công ty mới chỉ trả 444 triệu đồng cho 198 hộ dân của 6 xóm,” ông Nông Đình Trực, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đàm Thủy nói.

Trước bức xúc trên, ngày 5/4/2017, người dân các xóm Lũng Phiắc, Nà Đeng-Lũng Nội, Bản Mon (xã Đàm Thủy) đã có đơn thư khiếu nại. Qua đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Văn bản số 1077/UBND-CN gửi Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh và Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc yêu cầu xử lý đơn khiếu nạị; đồng thời khắc phục thiệt hại do Nhà máy thủy điện Bản Rạ gây ra.

Theo văn bản, bà Nguyễn Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh và Công ty Cổ phần Đông Bắc thống nhất phương án giải quyết đền bù thiệt hại cho bà con và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 18/4/2017.

Vậy nhưng, đến thời điểm cuối tháng 4/2017, khi phóng viên VietnamPlus tìm hiểu về công trình thủy điện Bản Rạ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Đàm Thủy và người dân đều khẳng định phía công ty vẫn chưa chịu đền bù cho bà con.

[Bài 2: Thủy điện chồng lấn mốc giới, gây tranh chấp gần 10 năm]

Bài 4: "Lạm phát” thủy điện: Lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn ảnh 2Ông Nông Đình Lai ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy bức xúc về việc chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Rạ chậm đền bù thiệt hại cho dân. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Từ góc độ chính quyền cơ sở, ông Mông Văn Lục - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh khẳng định, Nhà máy thủy điện Bản Rạ trong những năm qua có đóng góp kinh tế cho tỉnh. Tuy nhiên, khi thi công và vận hành, thủy điện này đã gây ra nhiều bức xúc về môi trường, gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu hoa màu của người dân.

“Ngoài ra, việc thi công Nhà máy thủy điện Bản Rạ còn phá dỡ một cây cầu dài 12m đoạn qua Bản Mon thuộc tuyến đường liên xã Đình Phong-Chí Viễn-Đàm Thủy. Đặc biệt, trong quá trình vận hành, thủy điện này có làm ‘giãn đoạn’ nguồn nước đến khu vực Thác Bản Giốc, gây ảnh hưởng đến du lịch,” ông Lục nói.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, bà Trịnh Huyền Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc cho rằng: “Thủy điện của chúng tôi không uống nước, không có hồ chứa. Ở đây, nước qua thủy điện rồi mới đến Thác Bản Giốc, vấn đề là nước đến sớm hay đến muộn thôi. Thế thì bây giờ chỉ có chúng tôi không phát điện nữa thì thác lúc nào cũng có nước thôi.”

Trong việc này, “nói thẳng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh trình độ quá kém, không hiểu gì về chuyên môn, nên phát biểu vớ vẩn. Bây giờ bảo thủy điện chúng tôi hút nước, chặn nước thì chặn ở đâu? Thủy điện của chúng tôi có vòi rồng nào để hút nước không?” bà Trang nói, và khẳng định tất cả là do biến đổi khí khậu gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

Về việc đền bù thiệt hại cho người dân, bà Trang thừa nhận, trước khi xây dựng thủy điện, lãnh đạo công ty có hứa sẽ xây dựng cho bà con 8 tuyến kênh dẫn nước, đến nay đã xây dựng được 6 tuyến, còn 2 tuyến do chưa có được sự thống nhất với bà con nên chưa xây, vật liệu đã tập kết ở nhà máy.

“Nếu được sự đồng thuận thì trong năm 2017 phía công ty sẽ đầu tư xây dựng nốt hai tuyến kênh đồng thời xây dựng lại cây cầu. Còn tiền đền bù cho bà con sẽ chi trả trong năm 2018. Lý do là, công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, các cổ đông không thống nhất, cũng như đang phải vay tiền ngân hàng nên chưa chi trả hết cho dân được,” bà Trang nói.

Thẳng thắn thừa nhận thực trạng nêu trên, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho rằng, thủy điện Bản Rạ đang có vấn đề, nếu tích hết nước thì sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Đặc biệt chủ đầu tư chưa thực hiện cam kết đầu tư một số hạ tầng ở địa phương, chưa thực hiện chi trả đền bù, hỗ trợ cho người dân. Hiện tỉnh đã giao các ngành phối hợp giải quyết nhanh các việc đang tồn đọng.

“Ngoài Nhà máy thủy điện Bản Rạ, tỉnh còn có Nhà máy thủy điện Bản Hoàng công suất 0,75 MW, được xây dựng tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Vào mùa khô thủy điện tích nước dẫn đến bà con thiếu nước sinh hoạt, và thủy điện này cũng không thực hiện một số cam kết làm đường đã hứa với địa phương. Do đó, tỉnh cũng sẽ có ý kiến,” ông Ánh nói thêm.

Chây ì, coi thường chính quyền sở tại?

Không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nước canh tác nông nghiệp, chậm đền bù thiệt cho người dân, cũng như gây ảnh hưởng đến khu du lịch Thác Bản Giốc, hiện nay Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng, khiến người dân và cơ quan chức năng địa phương không khỏi bức xúc.

Theo Nghị định số 99/2010/NÐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, khi xây dựng và phát triển thủy điện, ngoài nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Rạ phải đóng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này sẽ được trả cho những người dân mất đất rừng, đất sản xuất… thuộc lưu vực nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp này vẫn chây ì không chịu nộp.

Bài 4: "Lạm phát” thủy điện: Lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn ảnh 3Thác Bản Giốc tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus vào ngày 21/4/2017, ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến hết năm 2015, số tiền mà Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc còn nợ phí dịch vụ môi trường rừng lên đến hơn 2,7 tỷ đồng.

“Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã ba lần gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng đến nay Sở vẫn chưa nhận được báo cáo và văn bản liên quan nào,” ông Tiến thông tin.

Gần đây nhất, ngày 14/4/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng gửi Công văn số 435/SNN-KHTC về việc đôn đốc báo cáo tình hình thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo về Sở trước ngày 25/4/2017.

“Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa phản hồi thông tin. Việc này cần phải có giải pháp mạnh chứ không cứ kiểu ‘thả gà ra đuổi’ thế này sẽ rất khó khăn,” ông Tiến giọng buồn rầu nói.

Là người trực tiếp ký công văn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền phí dịch vụ môi trường rừng, ông Đặng Hùng Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: “Theo quy định, sau 3 lần thông báo, nếu doanh nghiệp không chấp hành, chúng tôi sẽ mời các bên liên quan trực tiếp làm việc với doanh nghiệp.”

“Sau buồi làm việc này, nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành, chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Bộ có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đề nghị Sở Công Thương kiên quyết không cho doanh nghiệp này phát điện nữa,” ông Chương nhấn mạnh.

[Bài 3: Ngổn ngang công trình ánh sáng chậm tiến độ, bỏ hoang giữa rừng]

Về phía doanh nghiệp, bà Trịnh Huyền Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc lại cho rằng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thể hiện thái độ rất “ích kỷ” mang tính “thù vặt,” không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trực tiếp thuê đơn vị đo đạc, xác định diện tích bị ảnh hưởng để chi trả tiền phí dịch vụ môi trường rừng.

“Vì thế, chúng tôi cũng không làm việc với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, mà chỉ báo cáo trực tiếp với Ủy ban Nhân dân tỉnh (?). Còn việc cơ quan chức năng không hài lòng về công ty là bởi bọn chị đi làm kinh tế cũng quá mệt mỏi ròi. Nếu bây giờ cứ suốt ngày chạy đi ‘quan hệ’ bác này bác kia thì bọn chị cũng mệt lắm!,” bà Trang phân bua.

Còn tại tỉnh Hà Giang, theo lãnh đạo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số tiền hiện nay mà các doanh nghiệp thủy điện nợ phí dịch vụ môi trường rừng đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Lý do các doanh nghiệp thủy điện chậm nộp tiền đưa ra là họ đang tập trung trả những nguồn vốn vay cho các ngân hàng.

Ðể đôn đốc các doanh nghiệp trả tiền đúng hạn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, nếu các doanh nghiệp không chịu trả, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ có văn bản báo cáo Bộ Công thương đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động./.

"Lạm phát” thủy điện. (Video: Hùng Võ/Vietnam+)

Việc Bộ Công Thương quyết định loại bỏ hàng trăm dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch trong vài năm gần đây cho thấy việc quy hoạch rất “có vấn đề.” Vậy việc quy hoạch ồ ạt này lỗi do ai? Và, các địa phương cần phải có giải pháp như thế nào để có thể “gỡ” được hậu quả từ việc đầu tư thủy điện tràn lan, tàn phá môi trường, đời sống người dân hiện nay?

Bài 5: Đừng đánh đổi tài nguyên lấy thủy điện vì lợi ích một số người

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục