Bài 5: Bảy bí quyết tập Yoga đúng cách để không xảy ra chấn thương

Các chuyên gia cảnh báo cho những người tập Yoga một số động tác khá nguy hiểm cho hệ cơ xương khớp. Đó là sai tư thế hoặc những động tác ở trạng thái quá tầm.
Bài 5: Bảy bí quyết tập Yoga đúng cách để không xảy ra chấn thương ảnh 1Theo các chuyên gia, người tập Yoga cần tập đúng và không quá sức. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Từ khi du nhập và trở nên phổ biến tại Việt Nam, Yoga đã mang đến cho mọi người một phương pháp mới luyện thể chất, dưỡng tâm trí. Tuy nhiên, việc tập luyện và dạy Yoga không đúng cách có thể gây chấn thương, và hậu quả để lại vô cùng nặng nề.

Để hạn chế tối đa chấn thương do tập ​Yoga, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Gurdev Singh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga châu Á, và tiến sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến - Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

1. Áp dụng một cách đúng đắn

Tiến sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến chỉ rõ, về mặt khoa học, các nghiên cứu cho thấy rằng ở các bệnh nhân đau thắt lưng mạn tính thấp, đây là bệnh điều trị không phải đơn giản. ​Các chuyên gia đã chia ra các bài tập có hướng dẫn đầy đủ ​cho các nhóm tập theo bài tập Yoga. Nhưng bài Yoga của các nhóm này ở mức độ cơ bản, dễ áp dụng cho nhóm bệnh nhân đó.

Người ta so sánh một cách ngẫu nhiên đối chứng thì thấy rằng ở nhóm Yoga, mức độ hồi phục của bệnh nhân tốt hơn. Thực sự môn thể thao Yoga này mang lại lợi ích nếu như chúng ta áp dụng nó một cách đúng đắn.

2. Không tập quá sức

Theo Tiến sỹ Lê Bảo Tiến, có một số bệnh nhân đã vào viện và tâm sự đã đi tập rất hào hứng và tập với cường độ rất cao. Nhưng theo lời khuyên của chuyên gia này, khi họ chưa đạt được đến một thể lực nhất định để đáp ứng được và tập quá so với khả năng, năng lực của họ thì sẽ dẫn đến chấn thương. Đó là những chấn thương quá tải do tập quá sức, hoặc sai tư thế.

Bài 5: Bảy bí quyết tập Yoga đúng cách để không xảy ra chấn thương ảnh 2Rất nhiều nam giới tham gia tập Yoga. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

3. Cúi quá tầm: Trạng thái nguy cơ chấn thương nhất

Cảnh báo cho những người tập Yoga một số động tác khá nguy hiểm cho hệ cơ xương khớp, theo Viện trưởng Tiến, đó là sai tư thế hoặc những động tác ở trạng thái quá tầm.

Chẳng hạn những động tác hiện nay các bác sỹ rất hay khuyến cáo bệnh nhân, kể cả mổ cột sống rồi là không nên cúi quá tầm. Vì khi cúi, nếu như chẳng may người tập Yoga bị thoát vị thì nó sẽ thoát vị ra sau và chỉ ở phía sau mới có các cấu trúc thần kinh. Trường hợp này gây chèn ép thần kinh dẫn đến nguy hiểm.

"Chúng tôi khuyên bệnh nhân, nếu trong khi tập Yoga có động tác cúi, thì nên hạn chế động tác này và không cúi ra trước nhiều. Có động tác nào đó thì cố gắng lưng thẳng hoặc hơi ưỡn ra sau một chút thì nó sẽ bảo vệ tốt hơn cho hệ thống thần kinh của mình nếu có những vấn đề gì xảy ra,” tiến sỹ Tiến phân tích.

4. Tập luyện đều đặn

Tập luyện nên đều đặn chứ không phải tập hối hả rồi sau một thời gian lại bỏ bẵng đi. Việc xác định tập 15-20 phút hằng ngày nhưng tập đều đặn còn hơn bỏ ra cả một tiếng đồng hồ, rồi ba ngày mới tập một ngày.

Đã có trường hợp là thầy dạy Yoga chính thống, có bằng cấp dạy, học viên cũng không thể bắt chước theo họ hoàn toàn được 100% được mà phải áng theo với động tác đó dừng ở chỗ nào được là tốt và mỗi ngày mỗi ngày tăng dần biên độ lên để vẫn đạt được trạng thái thường xuyên tập luyện và tăng dần biên độ mới tốt.

5. Lắng nghe cơ thể

Ông Gurdev Singh nhắn nhủ, những học viên Yoga không nên tập luyện quá sức. Cố gắng tập luyện phù hợp với sức lực bản thân, và dần dần người học sẽ tiến bộ. Đừng đẩy nhanh quá trình vì mục đích tập luyện Yoga của tất cả, mà cụ thể ở đây là tập luyện các tư thế (asana) là để có sức khỏe tốt, không phải để thể hiện. Đừng tập quá sức, lắng nghe cơ thể. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh chấn thương.

Cùng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến dẫn chứng, có những cơ địa như chị em phụ nữ, người trẻ thường các khớp mềm dẻo hơn. Thậm chí có những hội chứng vận động quá tầm tức là những người uốn cong được tức là bản thân cấu trúc người của họ, cơ thể giải phẫu của người ta như vậy.

Vì vậy có những người tập động tác đó thì rất dễ nhưng có những người tập động tác đó rất khó, đặc biệt người càng nhiều tuổi tập động tác đó càng khó. Chính vì vậy, học viên phải tùy vào khả năng, giới hạn của mình đến đâu mới rèn luyện đến đó. Có người có thể tập luôn được nhưng có người phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được các động tác đó.

Bài 5: Bảy bí quyết tập Yoga đúng cách để không xảy ra chấn thương ảnh 3Ông Gurdev Singh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga châu Á. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

6. Chọn trung tâm có độ tin cậy cao

Để đảm bảo an toàn, người tập nên chọn được những trung tâm Yoga có độ tin cậy cao. Điều này rất khó bởi ở Việt Nam chưa có một hệ thống sàng lọc một cách chính thống, vì vậy người tập phải tự tiếp cận thông tin.

Và điều quan trọng nhất là khi vào học và luyện tập theo các bài, học viên phải đặt ra ngưỡng chịu đựng của mình, tự tìm hiểu ngưỡng của mình để tập luyện và nâng dần ngưỡng đó lên. Việc đặt khối lượng công việc lớn quá so với khả năng chịu đựng sẽ dẫn tới chấn thương.

7. Tập dưới sự giám sát của chuyên gia

Ông Gurdev Singh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga châu Á chỉ rõ: “Trước hết, cần nhấn mạnh chúng ta không bị chấn thương hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe khi thực hành Yoga. Nhưng thực hành các tư thế (asana) sai cách có thể khiến chúng ta bị chấn thương hoặc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.”

“Lời khuyên của tôi với mọi người là: trước hết luôn luôn tập dưới sự giám sát của chuyên gia. Tự tìm kiếm hoặc tham khảo ý kiến đánh giá của người khác về các trung tâm, giáo viên Yoga mà bạn định tập. Hãy chọn những giáo viên có trình độ tốt để giúp bạn tránh những chấn thương hoặc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục