“Dung túng cho hàng giả là phá hoại thương hiệu quốc gia"

Bài 5: “Dung túng cho hàng giả là phá hoại thương hiệu quốc gia"

Hàng giả, hàng nhái ngang nhiên tồn tại trên thị trường, bên cạnh đó thái độ thờ ơ của một bộ phận người tiêu dùng cũng góp phần “chắp cánh” cho các hành vi trên.
Bài 5: “Dung túng cho hàng giả là phá hoại thương hiệu quốc gia" ảnh 1Xuất khẩu may mặc của Việt Nam đứng top 5 trong số 153 quốc gia toàn cầu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành dệt may đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu may mặc đứng top 5 trong số 153 quốc gia trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hàng may mặc xuất xứ trong nước cũng đang chiếm thế thượng phong trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, một thực trạng nhức nhối và tồn tại ngang nhiên trên thị trường nội địa là việc không ít nhà sản xuất, gia công nhỏ trong nước đang lạm dụng thương hiệu xuất xứ quốc gia, gắn mác “bừa bãi” lên sản phẩm hàng hóa. Thêm vào đó, thái độ thờ ơ của một bộ phận người tiêu dùng đã góp phần “chắp cánh” cho các hành vi trên.

Sức hấp dẫn từ hàng hiệu

Sở hữu một sản phẩm may mặc thời trang, ngoài chất lượng, kiểu dáng, giá cả… thì thương hiệu cũng là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định mua hàng. Nắm bắt tâm lý đó, các nhà sản xuất tham lợi nhuận “ăn sổi” đã không ngần ngại vi phạm các quyền sở trí tuệ.

Một chuyên gia hàng đầu về thương hiệu tại Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) cho biết quan điểm cá nhân của mình, mặc dù không có thái độ kỳ thị với nhân viên sử dụng hàng nhái, hàng giả. Nhưng nếu có điều kiện sẽ cố gắng làm cho họ hiểu về giá trị của việc sử dụng và ủng hộ hàng thật, chính hãng.

Trong thực tế, việc dùng hàng nhái các thương hiệu cao cấp (hàng fake) lại thường rất dễ nhận biết, do đó “niềm đam mê” này vô hình chung sẽ có tác dụng phản chủ, khi nó gián tiếp tố sự thiếu hiểu biết về tính đẳng cấp trong thương hiệu, về văn hóa tiêu dùng của người sử dụng hàng fake.

Bài 5: “Dung túng cho hàng giả là phá hoại thương hiệu quốc gia" ảnh 2Hàng nhái các thương hiệu cao cấp rất dễ nhận biết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thời trang, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh chia sẻ, “rất thật lòng mà nói rằng hàng hiệu và kể cả hàng fake có sức hấp dẫn cao vì xu hướng và mẫu mã rất đẹp, ngay cả hàng fake chất lượng cũng rất tốt.”

Bà Hạnh cho biết, đây là quy luật của thị trường thời trang tại một số nước lạc hậu. Một số người giàu tạo dựng phong cách cá nhân bằng cách lựa chọn những logo, những dòng chữ... của các thương hiệu lớn để chứng minh sự thành công của họ.

Tuy nhiên bà Hạnh thẳng thắn chỉ ra, “một thương hiệu lớn của nước ngoài đã có nhận định rằng mặc dù bán loại túi H. tại Việt Nam với doanh số cao nhất trên thế giới nhưng họ lại không thật sự vui mừng vì điều đó. Những nhận định này cần cho chúng ta suy nghĩ nhiều về sự văn minh...”


Không thể chần chừ

Việc người tiêu dùng sử dụng hàng nhái, hàng giả được lý giải  từ nhiều nguyên nhân, như  một bộ phận người tiêu dùng cho biết do điều kiện kinh tế không cho phép họ mua  hàng thật, hàng đúng hãng. Một số khác lại cho biết, họ không đề cao giá trị thương hiệu nên sử dụng các sản phẩm hàng nhái, hàng giả được bày bán công khai theo cách vô thức.

“Trong kinh doanh, người ta thường hay đề cập đến chữ tín,” bà Hạnh cảnh báo, "tình trạng trên không chỉ tổn hại đến uy tín của các nhà sáng tạo và nhà sản xuất chân chính mà chính là sự rủi ro lớn của thị trường thời trang Việt Nam."

“Điều này bộc lộ việc bảo hộ thương hiệu và kiểm soát thị trường không chặt chẽ. Nhưng điều đáng nói nhất đó chính là người tiêu dùng không nhìn thấy và không có thái độ ứng xử quyết liệt với những loại sản phẩm này."

"Đối với tôi, một nhà thiết kế thời trang để chống chọi với tình trạng trên, con đường duy nhất là luôn luôn sáng tạo mới và cái mới phải mang tính thời đại. Cái mới phải thay đổi rất nhanh, đó là phương pháp duy nhất để bảo vệ thị trường thời trang Việt Nam,” bà Hạnh kết luận.

Để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, ông Vinh khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp chế tài mạnh mẽ và quyết liệt đồng thời quy trách nhiệm thuộc về cơ quan thực thi chức năng. Ngoài ra về lâu dài, Chính phủ cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức đối với người tiêu dùng, điều này là rất quan trọng.

“Cá nhân tôi, ủng hộ giải pháp lâu dài, bền vững là xây dựng ý thức, tạo ra nét văn hóa trong hành vi tiêu dùng. Trong cuộc chiến chống hàng giả, không chỉ nhà sở hữu thương hiệu mới cần tự bảo vệ mình, mà các nhà sản xuất, gia công phải đặt đạo đức lên trên lợi ích ngắn hạn."

"Nếu chúng ta buông lỏng quản lý, xã hội không ‘nói không với hàng giả, hàng nhái’ thì đến một lúc nào đó, thế giới sẽ quay lưng lại với sản phẩm ‘Made in Vietnam’. Đó là cách nhanh nhất phá hoại thương hiệu quốc gia, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng cho thế hệ tương lai," ông Lê Quốc Vinh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục