'Bài học Tokyo' đối với một số nền kinh tế trên thế giới

"Bài học Tokyo" có thể sẽ rất hữu ích với những nước dễ rơi vào tình trạng trì trệ kinh niên với gánh nặng nợ nần kéo dài mà giới hoạch định chính sách không thể gỡ rối được.
'Bài học Tokyo' đối với một số nền kinh tế trên thế giới ảnh 1Một tuyến đường cao tốc ở thành phố Tokyo nhìn từ trên cao. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Forbes.com, có một câu hỏi được đặt ra là những nước nào dễ rơi vào tình trạng trì trệ kinh niên với gánh nặng nợ nần kéo dài mà giới hoạch định chính sách không thể gỡ rối được? Câu trả lời là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh và Mỹ.

Trung Quốc

Trong năm 2017, GDP của Trung Quốc tăng từ 12,2 nghìn tỷ USD lên 13,6 nghìn tỷ USD. Chính phủ Trung Quốc vẫn tạo ra một nền kinh tế có quy mô ngang ngửa với Australia. Vấn đề là sự đảo chiều bất ngờ trong các ưu tiên phát triển kinh tế của Bắc Kinh.

Cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos quan tâm đến việc Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp kích thích kinh tế ở mức độ nào trước nhu cầu đang "nguội lạnh" trên thế giới.

Bên cạnh đó, còn một mối lo lắng, đó là động lực cải cách - vốn rất cần thiết ở Trung Quốc - đang bị đẩy lùi ở mức độ nào.

Tuyên bố sai lầm nhất mà Tokyo đưa ra sau khi xảy ra tình trạng bong bóng kinh tế trong những năm 1980 và cũng là tuyên bố mà Bắc Kinh đang đưa ra chỉ giúp chữa các triệu chứng của việc mất cân bằng tài chính, chứ không giải quyết những nguyên nhân nội tại gây ra tình trạng này.

Hàn Quốc

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5/2017, Tổng thống Moon Jae-in có một gánh nặng là cải tổ nền kinh tế thiếu tính cạnh tranh của đất nước. Cũng vì trọng trách này mà ông đã xoay sang Triều Tiên. Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu hết sức cao cả. Tuy nhiên, ông Moon Jae-in thiếu các kỹ năng xử lý nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Điều này khiến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á rơi vào tình thế bất lợi khi các đòn trừng phạt thuế quan của Trump làm tổn thương chuỗi cung ứng khu vực.

Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc ở mức 1,2% hồi tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm ngoái là một lời cảnh tỉnh cho ông Moon Jae-in: Hãy hành động cẩn trọng.

Khi tăng trưởng chậm lại, ông Moon Jae-in cân nhắc hạ bớt mức tăng lương tối thiểu của năm 2019. Thay vì ngăn chặn cách làm ăn độc quyền của những tập đoàn gia tộc hay còn gọi là “chaebol,” ông lại dựa vào họ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cách làm giống như hai người tiền nhiệm.

[Nhật chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài nhất sau chiến tranh]

Khi các nhà tài phiệt gia tộc này “hút” hết sinh khí của nền kinh tế thì hiện tượng bùng nổ các công ty khởi nghiệp sẽ không còn nữa. Cũng không còn các biện pháp giảm tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, cắt giảm tình trạng nợ nần của hộ gia đình ở mức cao kỷ lục và gạt bỏ chính sách học theo Tokyo của Seoul để kích thích sự thay đổi mang tính cấu trúc. Thiệt hại của của việc không hành động gì sẽ được cảm nhận trong nhiều năm tới đây.

Thái Lan

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha “vay mượn” chính sách phát triển kinh tế của Thaksin, hay còn gọi là “Thaksinomics,” để dẫn dắt những nỗ lực cải cách. Và giờ, khi cuộc bầu cử tới gần, ông Prayuth lại mượn kế sách của Thaksin để mua chuộc tầng lớp cử tri nghèo đói đi bỏ phiếu mà không phục vụ gì những lợi ích của họ. Tất nhiên, ông Thaksin không sáng tạo ra chủ nghĩa dân túy. Thế nhưng, những nhà lịch sử kinh tế có thể suy luận và “đọc” được lối diễn thuyết “mật ngọt” của ông và hiểu được cách thức mà các lãnh đạo từ Trump đến Rodrigo Duterte của Philippines đến Jair Bolsonaro ở Brazil chiếm được lòng cử tri.

Anh

Các thời chính phủ kể từ cuối những năm 1980 đã bám theo ý tưởng cho rằng “cách làm của Nhật Bản” về phát triển và kinh doanh có thể làm quá trình toàn cầu hóa trường tồn. Thế nhưng, khi nền kinh tế không hồi sinh, dù áp dụng biện pháp bơm tiền vào thị trường và các biện pháp khác, ông Abe đã phải mở cửa đất nước để chào đón nhiều người nhập cư hơn. Có một thông điệp ẩn trong đó mà Anh cần học hỏi.

Mỹ

Việc ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phát động cuộc đua thuế quan với Trung Quốc và yêu cầu Tokyo đàm phán lại thỏa thuận thương mại song phương đã đẩy chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào bờ vực thẳm.

Điều ít được đánh giá là việc chủ nghĩa bảo hộ đang tạo ra hiệu ứng “boomerang” như thế nào đối với nền kinh tế Mỹ. Nếu ông Trump nghiên cứu chính sách kinh tế của ông Abe thì ông đã có thể hiểu được chính sách kinh tế khuếch tán lợi ích không phát huy tác dụng vào thời điểm này.

Mệnh lệnh kích thích tăng trưởng hơn là cải cách như Tokyo đã làm mà Trump đang thực hiện lại không giúp ích gì trong việc làm sống lại tinh thần sáng tạo của Thung lũng Silicon. Mệnh lệnh này cũng không giúp vực dậy năng suất, giảm thiểu bất bình đẳng hoặc tăng cường mạng lưới an sinh xã hội. Nó cũng không giải quyết tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp của Mỹ, không giúp ổn định thị trường chăm sóc y tế hoặc sẵn sàng cung ứng lực lượng lao động cho lĩnh vực tự động hóa và trí tuệ nhân tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục