Bài phát biểu của Thủ tướng đã gây ấn tượng mạnh

Bài phát biểu của Thủ tướng ở Viện Quan hệ Quốc tế Pháp đã tiếp tục nhấn mạnh thông điệp về hợp tác, hòa bình và tình hữu nghị.
Như một sự tiếp nối từ bài phát biểu ở Đối thoại Shangri-La 2013, Singapore ở đầu cầu châu Á và hôm nay tại châu Âu, với nhan đề bài phát biểu “Đối tác chiến lược Việt-Pháp: Xây dựng lòng tin chiến lược vì hoà bình, hợp tác và thịnh vượng” cùng những chia sẻ chân thành, thẳng thắn trước những câu hỏi của các học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp tục nhấn mạnh thông điệp về hợp tác, hòa bình và tình hữu nghị.

Các cụm từ: xây dựng lòng tin chiến lược, đối tác chiến lược, hòa bình, hợp tác, phát triển, hữu nghị,... được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sử dụng khá nhiều tại Ifri khi phát biểu, chia sẻ, đề cập đến quan hệ Việt-Pháp, quan điểm về niềm tin chiến lược, về những vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu, mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Pháp cũng như quan hệ giữa hai châu lục Á-Âu.

Đặc biệt, thông điệp về hợp tác, hòa bình và tình hữu nghị được khá sâu sắc qua nhận định và quan điểm của Thủ tướng trong đoạn cuối của bài phát biểu tại IFRI khi nhấn mạnh: bên cạnh xu thế phát triển tích cực của quan hệ hợp tác Á-Âu, chúng ta cũng cảm nhận được “sức nóng” của sự cạnh tranh về lợi ích chiến lược, nhất là giữa các nước lớn, sự cọ xát bởi những khác biệt về giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn… cần được cân bằng thỏa đáng.

Hợp tác, cùng tùy thuộc vào nhau phải lấn át, thay thế chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Trong quá trình khó khăn đầy thách thức này, rất cần phải xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia đối tác. Phải chăng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp trên nền tảng của sự tin cậy, của những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc riêng có, cần phải được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa để góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trên 2 châu lục Á, Âu. Qua đó, hai nước chúng ta cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng; ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền. Tất cả vì hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên thế giới.

Với chất giọng truyền cảm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi, chia sẻ, trả lời hết sức chân thành và thẳng thắn hàng chục câu hỏi của các học giả về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, về lòng tin chiến lược, về hòa bình, về hợp tác, phát triển tại Ifri ...

Trước câu hỏi của Chủ tịch Hiệp hội công chức quốc tế Pháp liên quan đến quan điểm về niềm tin chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn chia sẻ: "Mọi bất hạnh trên thế giới này có lẽ từ chỗ chưa hiểu nhau, chưa có lòng tin với nhau, muốn bảo đảm được hòa bình, hợp tác phát triển cùng thịnh vượng, ngăn ngừa chiến tranh thì trước hết thì phải có lòng tin chiến lược chân thành giữa các quốc gia. Nhưng lòng tin đó phải được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đó là điều tiên quyết. Hai là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của mọi quốc gia, không thể lấy chuẩn mực của quốc gia này áp đặt cho dân tộc khác. Tôi cho rằng lòng tin chiến lược sẽ ngăn ngừa được chiến tranh, gìn giữ được hòa bình. Muốn có lòng tin thì phải có 2 điều hết sức quan trọng, đó là tôn trọng luật pháp quốc tế, và tôn trọng độc lập chủ quyền, quyền tự quyết của các quốc gia, các dân tộc thì chúng ta có một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển và cùng thắng."

Trả lời câu hỏi của ông Thierry De Montbrial, Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng Tranh chấp thì có thể giảm nhiệt được, nhưng liệu thế giới này, chúng ta có thể xóa bỏ được tranh chấp hay không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Thế giới đang biến đổi rất nhanh với những biến động phức tạp, khó lường, nhưng có một điều mà tôi nghĩ rằng các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi là trong cái vận động, biến đổi nhanh, phức tạp đó thì cái xu thế, mong muốn của thế giới này là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, cùng thịnh vượng, cùng thắng. Còn tranh chấp, xung đột vẫn còn tiếp tục xảy ra. Nhưng nếu cộng đồng quốc tế không chung tay, chung sức hợp tác để cùng nhau ủng hộ thúc đẩy cái xu thế chung tất yếu, đồng thời hợp tác cùng nhau ngăn chặn xung đột, ngăn chặn các hành động áp đặt đơn phương, hành động gây chiến tranh thì cũng không loại trừ xảy ra."

Bài phát biểu và những chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây được ấn tượng mạnh đối với các học giả Pháp.

Trong trả lời phỏng vấn báo chí tại IFRI, ông Dominique David, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu quốc tế Pháp đặc biệt ấn tượng về ý tưởng chủ đạo ‘‘lòng tin chiến lược’’ trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; cho rằng Thủ tướng đã trình bày rất rõ ràng về lòng tin chiến lược; tin tưởng lòng tin đó ngày càng được củng cố khi cả Việt Nam và Pháp nhận thức được lợi ích chung khi nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược.

Ông Gregoire Postel-Vinay, trưởng bộ phận chiến lược, thuộc Bộ Phục hồi kinh tế Pháp chia sẻ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về xu thế và mong muốn tất yếu của nhân loại: "Ngài Thủ tướng Việt Nam đã có phát biểu rất rõ ràng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam và nêu chi tiết nhiều lĩnh vực, kế hoạch hợp tác và phát triển một cách cân bằng. Ông cũng nhắc đến mối quan hệ lịch sử, tương đồng văn hóa giữa hai quốc gia như một nền tảng quan trọng, đồng thời cũng nêu lên những triển vọng trong hợp tác kinh tế, đặc biệt trong thúc đẩy hợp tác vì hòa bình vì đây cũng là mục tiêu và nguyện vọng của tất cả nhân loại".

Ông Pierre Journoud, Chuyên gia về lịch sử chính trị- quân sự Pháp bày tỏ: "Lần đầu tiên, tôi tham dự cuộc nói chuyện của người đứng đầu Chính phủ. Ấn tượng lớn nhất với tôi là phong thái của ngài Thủ tướng, tạo một hình ảnh mới mẻ của Việt Nam với đông đảo giới học giả, nhà nghiên cứu của Pháp và số lượng lớn công chúng tham dự. Đặc biệt là việc ông có những câu trả lời chân thành, cởi mở với tất cả các câu hỏi trực tiếp được đặt ra"./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục