Bài toán khó dành cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ phải cẩn trọng khi cân bằng giữa việc “hâm nóng” quan hệ với Trung Quốc và duy trì quan hệ với Mỹ - đồng minh thân cận nhất của nước này.
Bài toán khó dành cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ muốn tận dụng chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để phô trương ảnh hưởng ngoại giao của mình, nhất là trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quan trọng ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, Abe sẽ phải cẩn trọng khi cân bằng giữa việc “hâm nóng” quan hệ với Trung Quốc và duy trì quan hệ với Mỹ - đồng minh thân cận nhất của nước này.

Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Bắc Kinh hôm 13/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono có sứ mệnh tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật-Trung, vốn đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây sau nhiều năm trong trạng thái thù địch do tranh chấp lãnh thổ và mâu thuẫn trong quan điểm về các vấn đề lịch sử.

Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ngoại trưởng Kono nói: “Quan hệ Nhật-Trung đã được bình thường hóa. Có rất nhiều vấn đề khó khăn mà chúng ta chưa giải quyết, nhưng chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết các vấn đề này trên quy mô toàn cầu.”

[Khi Thủ tướng Shinzo Abe cũng muốn 'Nhật Bản trước tiên'?]

Có vẻ như chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Kono đã thành công khi ông khẳng định với các phóng viên sau chuyến thăm này rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người chưa từng thăm Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, sẽ là một trong số các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 6/2019 tại Osaka.

Điều này sẽ mang lại cho Thủ tướng Abe, người đang tìm cách củng cố quyền lực trong những năm cuối của nhiệm kỳ, cơ hội để đón tiếp Tập Cận Bình. Jeff Kingston, Giám đốc phụ trách nghiên cứu về châu Á của trường Đại học Temple University, cho biết ông hy vọng Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạm gác các bất đồng và thể hiện hình ảnh đẹp trước giới truyền thông.

Tuy nhiên, quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc có thể mang lại các vấn đề đối với chính quyền Abe, nhất là khi theo một phụ tá của Thủ tướng Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có chuyến thăm Nhật Bản trong tháng 5/2019.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ là “cơ hội ghi điểm” quan trọng đối với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa Hè này, nhất là khi Thủ tướng Abe hầu như không đạt được tiến bộ nào trong nỗ lực hồi hương các công dân Nhật Bản đã bị Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980, cũng như trong các cuộc đàm phán nhằm đòi lại Vùng lãnh thổ phương Bắc gồm 4 hòn đảo mà Liên Xô vẫn quản lý sau Chiến tranh Thế giới 2.

Thời gian gần đây, nhiều tiếng nói trong cộng đồng quốc tế chỉ trích Chính phủ Trung Quốc vì thất bại trong việc siết chặt quy định pháp luật liên quan tới vấn đề bảo về quyền sở hữu trí tuệ hoặc thay đổi quy định ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ.

Ngoại trưởng Kono cho biết ông đã nêu vấn đề trên với các quan chức Trung Quốc tại cuộc đối thoại cấp cao Nhật-Trung về kinh tế trong chuyến thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kono từ chối tiết lộ câu trả lời mà ông nhận được từ phía Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ - nước mà Nhật Bản vẫn phải phụ thuộc nhiều về mặt quốc phòng - ngày càng chú trọng chống lại các nỗ lực gia tăng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực không gian và an ninh mạng.

Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây sẽ là nội dung chính trong cuộc đối thoại về an ninh cấp bộ trưởng giữa Nhật Bản và Mỹ vào cuối tuần này ở Washington.

Kazuo Yukawa, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học châu Á ở Tokyo, nói: “Chính quyền Abe coi ngoại giao như một công cụ để tăng mức độ tín nhiệm.

Có vẻ như họ hầu như không chú trọng tới vấn đề an ninh hay những gì mà phần còn lại của thế giới đang suy nghĩ.” “Tất nhiên, cải thiện quan hệ với Trung Quốc là quan trọng nhưng tôi hoài nghi về hiệu quả của chiến lược này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục