"Còi to, cho vượt"?

Bấm còi xe cũng là văn hóa giao thông

Sử dụng còi xe như thế nào, âm lượng ra sao… là nét văn hóa giao thông mà không phải người tham gia giao thông nào cũng có.
Còi xe là một trong những quy định bắt buộc với các phương tiện đang giao thông trên đường. Bởi còi xe được dùng để báo hiệu cho sự có mặt của phương tiện ấy… bằng âm thanh.

Tuy nhiên, sử dụng còi như thế nào, âm lượng ra sao, âm thanh nào phù hợp… lại là một nét văn hóa giao thông mà không phải người tham gia giao thông nào cũng có thể có…

"Còi to, cho vượt"?

Có một mặt hàng trên phố Huế (Hà Nội) luôn khá đông khách. Đó là còi khuyếch đại âm thanh. Giá một chiếc còi công suất lớn không phải quá cao, từ 80.000 - 140.000 đồng/chiếc. Và với hơn 200.000 đồng, khách sẽ có một cặp còi xe tương đương với xe tải hạng nặng.

Theo một chủ cửa hàng trên phố, ít nhất một ngày cửa hàng cũng bán được chục chiếc còi xe như vậy. Người mua, tất nhiên toàn là những thanh niên, trong máu đang tràn đầy nhiệt huyết "phải khác người".

Khác người nên mới có chuyện dở khóc dở cười của chị Thanh Xuân khi mượn xe của cậu em họ để đi. Từ nhà cậu em ra tới đường là con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, bé tẹo; người đi lại thì khá nhộn nhịp, nên chị Xuân luôn phải lăm lăm cái còi để… xin đường.

Thế nhưng, thật "đau lòng" cho chị, vì chiếc còi đã được cậu em thay thế bằng còi khuyếch đại, bấm một cái thật nhẹ thôi thì cũng kêu váng lên như còi cấp cứu, khiến mọi người giật mình quay lại. Tất nhiên, ai cũng khó chịu với tiếng còi chói tai, nhức óc, nên những khuôn mặt mà chị Xuân phải gặp đều nhìn chị hằm hằm. Chị Xuân đành ra sức xin lỗi, chỉ mong nhanh chóng thoát khỏi cái xe "kinh hoàng" của thằng em.

Không riêng cái xe của cậu em thế hệ 8X đời cuối này có tiếng còi đặc biệt, giờ đây ra đường, những tiếng còi xe nghe như còi cấp cứu, còi xe dẹp đường… khá phổ biến. Rồi những tiếng còi giống như một bài hát ngân dài mãi không thôi, xe ở tận đầu kia của phố, khói xe cũng chẳng còn thấy, nhưng tiếng còi thì vẫn ngân vang tận đây…

Chỉ cần dành vài phút cho một ngã tư là sẽ thấy đủ những "cám cảnh" còi như vậy. Đó là nỗi niềm khi đèn tín hiệu vẫn đang vàng, nhưng một số người đã tự cho phép mình "được vượt" vì vắng bóng công an.

Trong hoàn cảnh ấy, những người nghiêm túc dừng lại sẽ chính là… kẻ chắn đường. Và thế là những người đứng sau đang "khát" đi bèn bấm còi liên thanh, bấm như "nã" đại bác, cả ôtô, cả xe máy, cả xe taxi cùng bấm theo nhau để… đòi đường khiến cả góc phố trở nên huyên náo.

Cũng có khi, là cảnh ở ngã tư Nguyễn Thái Học-Lê Duẩn, ngã tư Trần Hưng Đạo-Bà Triệu, những điểm "Đèn đỏ được phép rẽ phải". Một số người do thiếu ý thức, dù đi thẳng nhưng lại dừng lấn vào phần đường để rẽ phải của những người muốn rẽ.

Và thế là thay vì bảo nhau một câu, còi bắt đầu được bấm inh ỏi, liên tục không dứt để đòi quyền được đi. Đôi khi, cũng chỉ còn vài giây là xanh, là phần đường đi thẳng, đi rẽ đều được giải phóng; nhưng sự tức khí này vẫn khiến còi xe đòi đường không thể ngừng lại chờ.

Có những người phụ nữ yếu tay lái, trong cảnh dở khóc, dở cười, tiến không được, lùi không xong, còi thì thúc sau nên loạng choạng đổ kềnh cả xe. Và thế là thay vì nhanh, lại chậm thêm cả nửa tiếng để giải quyết…

"Cũng có những người đi cách người phía trước mình đến cả vài mét đã ấn còi inh ỏi, có người thì lại sát sàn sạt người phía trước rồi mới vội vã ấn còi và quay lại... chửi. Thật không thể hiểu nổi", anh Quang Anh, nhân viên IT phố Thái Hà cho biết.

Xe to, còi to?

Còi xe máy đã là một cực hình. Nhưng xe tải, xe buýt, ôtô mới thật sự là nỗi kinh hoàng đường phố.

Trong khi đang dừng đèn đỏ ở đoạn ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, chị Minh Ngọc choáng váng vì một tràng còi hơi gào lên nghe như muốn thủng màng nhĩ vang lên ở ngay bên cạnh. Cô con gái nhỏ 2 tuổi đang thiu thiu ngủ choàng tỉnh dậy, khóc ngằn ngặt. Cái đầu của "gái đẻ" cũng rung rinh.

Ngó xung quanh không thấy gì lạ, ngước nhìn đèn đường thì vẫn đỏ chót, đồng hồ đếm ngược mới đến giây thứ 5, thứ 6. Hóa ra, chỉ là anh chàng lái xe tải bên cạnh, đứng chờ đèn đỏ hơi lâu, bấm còi cho… đỡ buồn.

Rồi khi đèn đã xanh, dòng người xe bắt đầu đi, thì cũng là lúc mẹ con chị Ngọc "thưởng thức" thêm một tràng còi nữa từ người lái xe trẻ măng, cởi trần trùng trục, vừa hút thuốc vừa luôn tay bấm còi trên vôlăng với một vẻ… thỏa mãn không thể giải thích nổi!

Những "lỗi văn hóa còi" của xe tải ngoài đường có lẽ cực kỳ phổ biến. Không biết có phải vì nghĩ là lái xe tải rồi, có gì phải giữ, nên những người lái xe tải cứ ra sức mà bấm còi, vượt ẩu, phóng nhanh… gây sự phản cảm, thiếu văn hóa trên đường phố.

Hay như trên con phố Trần Phú, khi mọi người đang giao thông, bỗng tiếng "bíp bíp" ngân dài, hàng chục người vội vã lái xe nhao vào lề đường nhưng không thấy xe nào vượt qua, còn tiếng còi vẫn ngân dài phía sau.

Không hiểu chuyện gì đang diễn ra, quay lại, thì hóa ra là một nhóm 3 bác tài điều khiển ba chiếc xe ba bánh, lắp còi khuyếch đại chở hàng cồng kềnh đang cố tìm cách nhoi lên, bấm còi để dẹp đường. Trước ánh mắt khó chịu của mọi người, một bác tài cao tuổi còn hất hàm bảo hai bác kia: "Cứ vượt đi, công an không bắt đâu mà sợ?!"

"Kinh khủng nữa là đi xe khách. Tôi có việc thường xuyên phải về Hải Phòng hàng tuần, cứ lên tới xe là khốn khổ vì bị tra tấn bởi còi xe. Không biết các bác tài muốn nhanh, muốn vượt đến thế nào, nhưng cứ như thể tay họ không thể rời khỏi còi xe vậy. Đúng là tra tấn khách" - anh Hữu Nam, phố Đông Các tâm sự…

Đúng là mỗi người một nỗi cám cảnh, nhưng rõ ràng sự thiếu văn hóa trong việc sử dụng còi xe đang trở thành một nỗi bức xúc không của riêng ai trên đường phố./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục