Bám đường mưu sinh

Bám đường mưu sinh trên quốc lộ 5

Trên quốc lộ, hàng chục người, từ muôn nẻo vùng quê, hàng ngày vẫn bền bỉ bám đường để mưu sinh, với nghề bán bánh mì, đồ chơi...
Trên quốc lộ số 5 - trục giao thông quan trọng nối liền hai trung tâm kinh tế Hà Nội-Hải Phòng, có hàng vạn người xe qua lại mỗi ngày. Cũng trên mặt đường đó, có hàng chục người, từ muôn nẻo vùng quê, hàng ngày vẫn bền bỉ bám đường để mưu sinh.

Những người bám đường

Chị Mai làm nghề bán nước ở chân cầu vượt (thuộc địa phận quận Long Biên) bắc qua quốc lộ 5 đã được hơn một năm trời. "Cơ ngơi" của chị là một cái bàn nhỏ, một khay cốc, một thùng đá và vài cái ghế nhựa.

"Vốn liếng chỉ có vài trăm nghìn thôi chú ạ!"- chị Mai vui vẻ nói. Dưới cái nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường nhựa, chị chủ quán vẫn đon đả kể chuyện: "Bán hàng ở đây thất thường lắm. Suốt từ sáng đến tối, trung bình mỗi ngày chỉ được khoảng năm, sáu chục nghìn. Ngày nhiều được hơn trăm nghìn". "Mỗi tháng ngồi bán nước được khoảng 1,5 triệu đồng, nghe nhẹ nhàng nhưng thật ra cực nhọc lắm. Tôi dọn hàng từ 6 rưỡi sáng tới 6 rưỡi tối thu hàng. Trưa có cháu mang cơm ra. Ngoài vài ngày mùa vụ về quê gặt lúa, làm đồng, còn lại tôi ngồi ở bên con đường này cả năm không nghỉ" - chị tiếp tục nói trong tiếng ầm ầm đinh tai khi đoàn tàu hỏa đi qua.

Dừng lại ít lâu để rót nước cho khách, xong chị lại quay sang tôi: "Tôi chỉ mong sao cho trời nắng hay mưa thật to. Những hôm trời nóng, khách đường dài nghỉ lại uống nước đông. Hôm mưa to, họ cũng trú ở cái chân cầu này nhiều. Mình cũng có nóng, có ướt người thật nhưng bán được hàng. Mát trời, dễ chịu thì lại khó kiếm tiền hơn chú ạ".

Trưa nay không quá nắng nhưng trời oi bức, khó chịu. Cũng vì thế quán hàng của chị trở nên tấp nập. Khách của quán đủ mọi thành phần, song chủ yếu là khách đường dài dừng xe nghỉ ngơi. Khách đông càng làm cái quán nhỏ thêm chật hẹp. Không muốn làm phiền chị thêm nữa, tôi chào chị rồi tiếp tục lên đường.

Đoạn đầu quốc lộ số 5, người ta bắt gặp những hàng người trùm mặt kín mít luôn tay vẫy khách bộ hành. Đó là những người bán bánh mì nóng. Qua lớp khẩu trang dày kịt, bác Phi, một người bán bánh mì có "thâm niên" trên tuyến đường 5 cho hay: 'Tập đoàn bánh mỳ nóng chạy dài trước mắt đây đều từ một lò bánh cả'

Sau một hồi tỉ tê tâm sự, tôi được biết, lò bánh cách chỗ bán chừng hơn 1 cây số. 5h sáng mọi người dẫn nhau đội những thúng bánh ra đường. Đến 20h, tất cả lại cùng nhau mang những thúng không về lò. Họ ăn uống, nghỉ ngơi tại lò, công việc hôm sau lại lặp lại như vậy. Theo những người bán bánh mỳ, số tiền dư ra mỗi ngày cũng chẳng là bao. Trung bình mỗi người bán được một trăm chiếc bánh. Trừ vốn bỏ ra, mỗi ngày lãi được khoảng 50.000 - 60.000 đồng. Đấy là chưa kể tiền ăn uống sinh hoạt, thành ra "mẹ bán bánh mà con vẫn đói"- bác Phi ngao ngán.

"Đàn ông mà ngày ngày phải nịnh trẻ con; lúc nào cũng chịu cảnh "thập diện mai phục": trên đầu là nắng, dưới chân đường nhựa rát bỏng, trước mặt là bụi ôtô, sau lưng tiếng tàu chát chúa, cũng cơ cực lắm chú ạ"- một người bán đồ chơi ven đường 5 than thở. "Gian hàng" bán đồ chơi của anh là một tấm vải bạt nhỏ nằm nép ven đường. Trên đó, những món đồ chơi trẻ em được xếp đặt ngay ngắn. Không biển quảng cáo, không đứng vẫy khách, những người bán đồ chơi có một cách "chào mời" độc đáo: Họ cho các đồ chơi chạy bằng pin của mình làm trò ngay trên đường. Con hải cẩu thì quay tròn trên mặt đường, chiếc xe đạp và búp bê trên xe tự đạp quay vòng vòng… Trẻ em đi đường thì không chịu rời mắt khỏi những món đồ chơi hấp dẫn đó.

Người đàn ông bán đồ chơi mà tôi gặp tên Liêm, tâm sự: Cái nghề này khác với nghề bán nước hay bán bánh. Vì đối tượng bán hàng là trẻ em thường đi cùng bố mẹ, nên địa điểm ngồi bán phải thay đổi liên tục mới "may ra" bán được hàng. Khi được hỏi đến chuyện thu nhập, mặt anh nặng trĩu: "Mỗi món hàng lãi 5.000 -10.000 đồng. Hôm nào bán được hàng thì kiếm được vài chục nghìn. Còn hôm nào hàng ế, hoặc không may có hàng lỗi thì lỗ vốn".

Dưới cái nóng ngột ngạt của trưa hè Hà Nội, tôi cố ngồi với người đàn ông bán đồ chơi một lúc đợi xem anh "nịnh" trẻ con ra sao. Nhưng hai tiếng đồng hồ trôi qua, vẫn không có một vị khách nào đoái hoài đến "quán hàng" nhỏ của anh. Không đủ kiên nhẫn, tôi ra về khi trong lòng còn chưa thỏa mãn.

"Hết đường nên phải… ra đường"

"Đã phải bám đường để sống thì chú còn hỏi nghề nghiệp làm gì. Hết đường mới phải ra đường thôi chú ạ", chị Mai phân trần việc phải ra đường bán nước. Theo tìm hiểu những người buôn bán trên đường 5, đa phần đều "bươn chải" qua nhiều nghề, nhưng rồi không nghề nào trụ được nên mới ra đường kiếm sống.

Chị bán hàng nước tâm sự: "Trước, tôi làm ruộng, lúc nông nhàn thì vào Đại học nông nghiệp I trồng cây giống thuê. Nhưng rồi ruộng bị thu hồi hơn một nửa. Trồng cây giống thuê cũng chẳng kiếm được như trước nữa. Tôi đành phải ra đường kiếm tiền nuôi các cháu ăn học".

"Tôi quê ở Thái Bình, cách đây hơn trăm cây số, nhưng ba, bốn tháng mới về nhà một lần. Tôi không đi lại nhiều để còn tiết kiệm tiền gửi ông bà nuôi các cháu!" - người bán bánh mỳ bộc bạch.

Còn anh Liêm bán đồ chơi quê tận Thanh Hóa, nhà làm ruộng nhưng không đủ nuôi các con ăn học, anh chị rủ nhau ra Hà Nội làm ăn. Anh than thở: Hai vợ chồng ngược xuôi kiếm sống, chi tiêu hà tiện mà cả năm mới đủ tiền về quê thăm con được một lần".

Ngoài những người bán nước, bán bánh, bán đồ chơi, còn rất nhiều người kiếm kế sinh nhai trên quốc lộ số 5 như: người bán mũ, kính, người lái xe ôm, người bán cây cảnh, cá cảnh rong… Tạm biệt ra về, anh Liêm chỉ cho tôi những hàng dài người bán bánh mỳ trên đường và nói: "Đường 5 không còn là đường "tử thần" nữa đâu nhé. Giờ nó còn là con đường của muôn nẻo mưu sinh nữa đấy"./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục