Bầm tím vì... chăm già

Dở khóc, dở cười nghề chăm sóc người cao tuổi

Nhiều người ở nhà dưỡng lão bị hoang tưởng nên các điều dưỡng viên thường bị các cụ cho... "ăn đủ thứ," thậm chí bị đánh, cắn...
“Nhiều người già ở đây bị hoang tưởng, có lúc đi tắm cho các cụ, không cẩn thận là bị 'ăn đòn', hoặc 'ăn đủ các thứ'. Bởi thế, điều dưỡng viên phải biết cách trò chuyện, nhẹ nhàng, coi họ như người nhà thì mới vượt qua được”, chị Nguyễn Thị Hương, điều dưỡng viên tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe cao tuổi Từ Liêm (Hà Nội) tâm sự… Vừa "được"  ăn đủ thứ vừa bị đòn Ngày nào cũng thế, cứ 7 giờ sáng là chị Hương đã lại lọc cọc dắt xe vào cổng cơ quan. Trên môi luôn nở nụ cười, chị nhanh chóng thay đồ rồi về chỗ làm việc. Có thâm niên làm 7 năm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chị Hương thấu hiểu nỗi cực nhọc của những điều dưỡng viên, y tế nơi đây. 7 năm về trước, ngoài việc ăn, ngủ, nghỉ ngay tại trung tâm, đồng lương của chị chỉ dừng lại ở 200.000đ/tháng. Số tiền ấy chỉ đủ mua những vật dụng hằng ngày của một cô gái đang thì xuân sắc, lấy đâu ra thừa để tích cóp để gửi về cho bố mẹ ở huyện Mê Linh... Vất vả kinh tế đã đành, đằng này ở trung tâm dưỡng lão, chỉ có khoảng 8-15% các cụ còn tỉnh táo và tự làm việc của mình. Số còn lại, phải đến 50% là bị bệnh hoang tưởng hoặc có vấn đề về thần kinh, gần 35-45% các cụ trong tình trạng minh mẫn nhưng ốm yếu, bệnh tật. Bởi thế, những câu chuyện dở khóc dở cười luôn xảy ra. Có lần, khi chị Hương đưa các cụ bị bệnh liên quan tới thần kinh đi tắm hay xoa bóp, vì không cẩn thận và thiếu kinh nghiệm, chị bị “ăn đòn” với những đồ vật các cụ có thể cầm, nắm được. Thậm chí, có cụ còn cắn tím tay, tím má hoặc luôn miệng “cho ăn đủ thứ”. “Tủi thân lắm em ạ, lúc về nhà, bố mẹ chị hỏi, chị toàn phải trả lời là do không cẩn thận mình bị va vào cánh cửa. Nếu nói thật, bố mẹ chị đã cấm làm nghề…,” chị kể. Chia sẻ, chị Đào Thanh Nhàn (30 tuổi), điều dưỡng viên tại Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) nói, việc bị các cụ hoang tưởng chửi rủa là chuyện “thường ngày ở huyện.” Nhiều lúc buồn bực, chị tâm sự cùng người thân để nhận được sự động viên cần thiết rồi trở lại công việc chăm sóc miếng cơm, giấc ngủ cho các cụ. “Nhiều lúc cũng ngượng lắm anh ạ, có cụ ông ‘có vấn đề’ còn nắm tay, bảo: cháu ơi, cho ông… thơm một cái”, điều dưỡng viên trẻ Bùi Thị Dương (sinh năm 1985 quê ở Hòa Bình) thêm vào. Đã nhiều lần, cô điều dưỡng viên trẻ tuổi muốn nghỉ việc. Đồng lương thì còm cõi, lại phải làm những việc như tắm táp, rửa ráy bộ phận sinh dục của các cụ ông khiến cô không khỏi ái ngại. Có nhiều đồng nghiệp của cô xin nghỉ chỉ sau vài tuần... Còn có những trường hợp tủi thân hơn nữa là chuyện các cụ ở trạng thái không tỉnh táo xô xát với nhau, động một chút là tím tái. Đến lúc người nhà thăm nom, cứ xơi xơi mắng không biết chăm sóc hoặc nghĩ các điều dưỡng viên đánh bố mẹ họ. Chỉ tình người mới níu được nghề... Song, vì yêu nghề, lại cảm thông với nhiều cụ hay mang những chuyện thầm kín ra tâm sự, lại nghĩ, “một già một trẻ như nhau” các điều dưỡng viên lại gắng ở lại làm việc. Làm riết rồi cũng quen, rút ra cho mình nhiều bài học cảnh giác nên “sự cố” dần dần bớt đi, công việc đi vào nền nếp. Chị Nhàn bảo, nhiều lúc nghĩ thấy thương các cụ lắm. Có nhiều người, con cháu do làm ăn xa, hoặc đi nước ngoài nên gửi các cụ vào đây, hoặc đưa các cụ vào rồi “năm thì mười họa” mới ló mặt đến thăm nom... Nhiều câu chuyện kể của các cụ khiến Nhàn rơi nước mắt, chị lại nhớ đến người nhà mình… Còn chị Hương, sau 7 năm làm đã trở thành y tá trưởng, lương lậu cũng cao hơn. Chị bảo ở chỗ làm, nhiều cụ còn tỉnh sống rất tình cảm, họ thường sẻ chia với chị và các điều dưỡng viên những câu chuyện thầm kín, hay cách đối nhân xử thế... Bởi thế, có nhiều khi con cái cho quà, các cụ lại gọi cô điều dưỡng viên lên cùng ăn và rôm rả trò chuyện đến giờ đi ngủ. Chị Hương đã tìm thấy nửa còn lại của cuộc đời mình tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe cao tuổi Từ Liêm. Chồng chị là một người làm bếp tại đây (giờ đã nghỉ làm, xin ra ngoài làm tự do) và họ đã có hai mặt con. Anh chị cũng thuê nhà quanh khu vực này để chị Hương thuận bề làm việc. Hai đứa con của họ đều gửi học bán trú để chị Hương có thể an tâm làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Điều dưỡng viên Bùi Thị Dương cũng cho rằng, nếu không thực sự hòa vào các cụ, nhiều khi “giả già” hoặc “giả hoang tưởng” như các cụ thì khó mà chăm sóc. Và, một khi đã biết cách rồi thì chỉ thấy thương chứ không còn giận các cụ mỗi khi các cụ trái tính, trái nết nữa. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên môi những điều dưỡng viên lúc nào cũng tươi cười và gọi các cụ là thầy, u xưng con. Họ bảo, phải “nền tính” hơn thì mới chiều được các cụ, và tếu táo nói mai sau chăm sóc bố mẹ chồng chắc sẽ tốt lắm… Vẫn biết, chuyện ấy đa phần là bởi tính đặc thù của công việc, vì miếng cơm manh áo. Song, ẩn sau nó là câu chuyện ấm áp tình người…
Thiếu hụt nhân lực

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe cao tuổi Từ Liêm thừa nhận, tình trạng thiếu hụt nhân lực chăm sóc người cao tuổi đang gây khó khăn cho nhiều trung tâm.

“Đã có nhiều người đến thử việc, rồi không chịu được lại bỏ đi. Và, trong tương lai còn rất nhiều người sẽ đến và sẽ đi như vậy,” ông Ngọc thở dài.

Giải thích lý do, ông nói ở Việt Nam, chưa quan niệm đây là một thứ nghề. Do đó, người điều dưỡng không được trang bị về tâm lý, kỹ năng tiếp cận, chăm sóc người già.

Ông Ngọc cũng cho rằng, các trường đào tạo cần trang bị thêm những kiến thức cho sinh viên theo học ngành điều dưỡng bởi nhu cầu của xã hội về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày một trở nên bức thiết.

Trên thực tế, hầu hết trung tâm chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự là nhà dưỡng lão vì thiếu thốn cơ sở vật chất cũng như nhu cầu của người dân. Dư luận đặt câu hỏi, vậy đó là nơi "trông già" hay nhà dưỡng lão?
Bài tiếp: "Trông già" hay nhà dưỡng lão?
Trung Hiền – Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục