Bản chất kế hoạch hạ nhiệt 'Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025'

Trung Quốc dường như đã giảm nhẹ cường độ thúc đẩy chính sách công nghiệp công nghệ cao “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” vốn từ lâu đã là "cái gai" trong mắt Mỹ.
Bản chất kế hoạch hạ nhiệt 'Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo Wall Street Journal/Reuters/bloomberg, Trung Quốc dường như đã giảm nhẹ cường độ thúc đẩy chính sách công nghiệp công nghệ cao “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” vốn từ lâu đã là "cái gai" trong mắt Washington và là một trong những mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực làm giảm căng thẳng thương mại.

Trong một bản hướng dẫn mới gửi đến các chính quyền cơ sở, Bắc Kinh đã bỏ cụm từ “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”- một sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và đã được giới chức Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi sáng kiến này được đưa ra hồi năm 2015.

Chiến lược này đóng vai trò then chốt trong mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050 và có khả năng cạnh tranh cao hơn trong những lĩnh vực như tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch.

Tuy nhiên, những nỗ lực công khai của Bắc Kinh trong việc sử dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các nước đã phát triển khiến phương Tây cảnh giác và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Mỹ.

Trong bản hướng dẫn các chính quyền cơ sở năm 2016, Quốc Vụ viện nói rằng nên ưu tiên hỗ trợ những chính quyền địa phương thúc đẩy thực hiện chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” trong khi vẫn khuyến khích tăng trưởng công nghiệp và nâng cấp khả năng sản xuất.

Trong bản hướng dẫn mới nhất do truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải ngày 12/12, cụm từ “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” đã bị bỏ. Thay vào đó, Quốc Vụ viện cũng kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

[“Thỏa thuận đình chiến thương mại” - cú hãm phanh kịp thời]

Tờ Wall Street Journal ngày 12/12 đưa tin Bắc Kinh đang soạn thảo một chính sách công nghiệp mới để thay thế bản kế hoạch chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” với nội dung chủ đạo là giảm bớt vai trò chủ đạo của nhà nước cũng như tham vọng của Bắc Kinh muốn chiếm thế thượng phong trong ngành sản xuất, có thái độ cởi mở hơn đối với sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường trong nước và tạo nhiều cơ hội hơn cho các công ty nước ngoài vào thị trường Trung Quốc.

Cũng theo báo này, kế hoạch sẽ được thực thi vào đầu năm tới.

Trong bản hướng dẫn mới này, Bắc Kinh cũng thay đổi các thứ tự ưu tiên để tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ tập trung vào xây dựng đường sắt và đường bộ mới. Quốc Vụ viện sẽ dành nhiều hỗ trợ hơn cho các thành phố, nhất là các thành phố dựa vào các ngành công nghiệp cơ bản, để cải thiện môi trường.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng rõ ràng Trung Quốc đã "hạ nhiệt" kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" để xoa dịu Mỹ và các nước khác, "song điều đó không có nghĩa là họ (Bắc Kinh) sẽ từ bỏ nó."

Ông nói: "Chúng tôi kịch liệt phản đối việc sử dụng các biện pháp không hợp lý và không đúng đắn, chẳng hạn như đánh cắp bí mật công nghệ, buộc phải chuyển giao công nghệ hoặc các biện pháp tương tự. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh và đối đầu với họ nếu đó là một sân chơi công bằng."

Cũng như ông Ross, nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch mới của Bắc Kinh, một số người cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò đánh lạc hướng của Trung Quốc. Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc của Hội kinh doanh Mỹ, bày tỏ hy vọng kế hoạch mới của Trung Quốc không chỉ là những lời nói sáo rỗng và mang tính truyền, mà là "những biện pháp điều chỉnh cụ thể, liên quan đến trợ cấp, đề ra tiêu chuẩn và thu mua."

Kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" bị Mỹ coi là "sát thủ" thách thức vị thế số 1 của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Và việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei của Trung Quốc - bà Mạnh Vãn Chu - được nhiều người cho rằng có mối liên quan nhất định đến kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025."

Những năm gần đây, Huawei phát triển rất nhanh, sản lượng điện thoại thông minh chỉ đứng sau Samsung, trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới.

Tại khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng thấy các quảng cáo của Huawei. Tại các nước như Ai Cập và Bắc Phi, toàn bộ hệ thống viễn thông - từ thiết bị máy trạm, cáp quang tới điện thoại, máy tính bảng - đều mang nhãn mác Huawei./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục