Bản chất “không tưởng” về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, trước hết là chủ nghĩa xã hội của người Trung Quốc phải dành cho người Trung Quốc...
Bản chất “không tưởng” về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ảnh 1Giáo sư Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: documentary)

Đài BBC đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với BBC tiếng Việt bên lề một hội thảo mới đây tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, giáo sư Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chủ nghĩa xã hội dân tộc, điều mà Trung Quốc đề cao hiện nay, chưa bao giờ có trong lý luận hay được chính phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thừa nhận trong lịch sử.

Trong thực tế chính trị, tất cả những hiện tượng lý luận mang màu sắc dân tộc, khi mà hệ thống xã hội chủ nghĩa còn tồn tại, đều nhất loạt “bị phê bình, bị tẩy chay”…

Về “đặc sắc” trong Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, giáo sư Trần Ngọc Vương nêu quan điểm cho rằng: cái đặc sắc Trung Quốc ấy, trước hết là chủ nghĩa xã hội của người Trung Quốc phải dành cho người Trung Quốc...

Theo ông, hiện nay Trung Quốc đang sử dụng hai học thuyết.

Một là tư tưởng đại đồng trong Nho giáo, mô tả về một xã hội phong vị uyển chuyển thời thái cổ: “Vua thì sáng, tôi thì hiền, đất nước thì hòa mục, dân thì đồng thuận rồi thì trật tự mới ổn định.”

Và một xã hội từ trên xuống dưới thấm nhuần và thống nhất gọi đó là xã hội đại đồng. Tuy nhiên, nhiều nhà lý luận của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, đó là một chủ nghĩa xã hội không tưởng và đồng thời không phân biệt rõ lắm.

Lý luận thứ hai họ khai thác trong những văn kiện hiện nay là lý luận của Mặc Tử. Tinh thần của Mặc Tử là tinh thần kiêm ái.

Các nhà nghiên cứu đã từng gọi lý thuyết của Mặc Tử là chủ nghĩa cộng sản “không tưởng” vì nó dành cho tầng lớp dưới bao gồm thợ thủ công, công nhân, những người thấp kém.

Vì thế, trong lý thuyết của nhà tư tưởng này có rất nhiều yếu tố mang màu sắc kiêm ái, mang màu sắc hòa đồng, muốn xây dựng một lý tưởng công bằng vì bản thân họ đại diện cho tầng lớp dưới.

[Báo chí Hong Kong: Một số tỉnh của Trung Quốc thay lãnh đạo]

Do đó, việc đòi công bằng cũng là hợp lý. Nhưng đấy là những cái không tưởng của chủ nghĩa cộng sản của Mặc Tử.

Vì trong quá trình xây dựng nên các đế chế, các chế độ chuyên chế theo mô hình của Nho giáo, Mặc Tử “bị trục xuất ra khỏi phạm vi quan tâm.”

Tất cả tinh thần của học thuyết Mạc Gia biến mất khỏi lịch sử. Từ thời Tần, Hán, Cơ không còn gì, chỉ còn lại những yếu tố có tính chất tri thức và kỹ thuật...

Theo giáo sư Trần Ngọc Vương, hiện Trung Quốc muốn khai thác lại các tư tưởng trong lịch sử và khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc rồi tinh thần văn hóa, sự tự tin văn hóa trong lý luận mới nên họ lại lần lượt phục hồi những giá trị đó.

Trong thời đại cách mạng văn hóa vô sản, Khổng Tử là đối tượng bị phê phán “một cách cùng cực,” họ đã đưa Khổng Tử ra thành một cái chân dung biếm họa và tiêu hủy tất cả những gì họ gọi là tàn dư “thối tha” của tư tưởng phong kiến, nhưng bây giờ những thuộc tính mà người ta vẫn gắn cho Khổng Tử một lần nữa sống lại và Khổng Tử lại được truyền bá khi có đến 600-700 học viện được xây dựng trên khắp thế giới truyền bá tư tưởng Khổng Tử.

Giáo sư Trần Ngọc Vương cho rằng tất cả điều đó phục vụ cho ông vua Trung Quốc, người cầm quyền Trung Quốc, dân thượng lưu Trung Quốc, những người có quan hệ thân tộc, rồi mới đến đại chúng…

Có nghĩa, cái thứ chủ nghĩa ấy không thể có bình đẳng đối với mọi con người được. Cho nên họ mới đặt ra hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất gọi là xây dựng một xã hội Tiểu Khác, hài hóa tương đối, sung túc tương đối, cũng giống như ngày xưa người ta nói rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội với tư cách là giai đoạn đầu của Chủ nghĩa Cộng sản.

Còn xã hội kia làm sống lại khái niệm Đại đồng hoặc Cộng sản. Có diễn đạt như vậy mới thấy được cái chủ nghĩa xã hội ấy là của Trung Quốc và cho Trung Quốc và không dành cho người bên ngoài ở Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu này kết luận, lý luận mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang khai thác và sử dụng trong điều được cho là “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” thực ra là khai thác lý luận còn sót lại từ thời phong kiến cổ xưa và rõ ràng mang màu sắc “không tưởng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục