Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 làm việc với Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị và Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cho phép thành phố trong thời gian tới thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình 3 cấp hành chính.
Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 làm việc với Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Văn Sơn/TTXVN)

Ngày 13/4, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6, do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng để khảo sát phục vụ xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp tại thành phố trong những năm qua; ý kiến trao đổi giữa các thành viên trong Đoàn và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng..., bà Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đà Nẵng việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước trong xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp.

Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, việc tổ chức bộ máy các cấp quận, huyện thời gian qua tại Đà Nẵng theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước của các cơ quan Trung ương, đặc biệt, tính chất chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là đậm nét nhất.

Bà Trương Thị Mai cũng giải thích rõ quan điểm của Đảng về những vấn đề liên quan đến phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng; ghi nhận những kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng để trình Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6.

Đảng bộ thành phố Đà Nẵng hiện nay có 19 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 7 đảng bộ quận, huyện. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn chú trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó hết sức quan tâm đến cấp quận, huyện.

[Xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả]

Trên cơ sở đường lối, chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, các quận ủy, huyện ủy nghiêm túc phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu.

Công tác triển khai các Nghị quyết, chủ trương của Trung ương, Thành ủy và cấp ủy các cấp đều thông qua hệ thống tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.

Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy cấp huyện cũng đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác xây dựng tổ chức đảng được chú trọng; đội ngũ đảng viên phát triển cả về chất lượng và số lượng. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được các cấp ủy quận, huyện quan tâm, chú trọng, bồi dưỡng nâng cao đội ngũ cấp ủy viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị cấp huyện ngày càng được củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu...

Nhiều năm qua, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố và cấp ủy các quận, huyện luôn nhận thức rõ sự cần thiết của việc xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Tổ chức bộ máy càng tinh gọn, đội ngũ cán bộ công chức càng chuyên nghiệp thì hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ sở trong hệ thống chính trị càng tăng.

Việc khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, sắp xếp lại bộ máy cho phù hợp với quy định và thực tiễn, chú trọng bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức hết sức quan trọng để hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Hệ thống tổ chức Đảng của Đảng bộ các quận, huyện được thành lập và hoạt động đúng Điều lệ Đảng, các quy định của Trung ương...

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị, đề xuất 7 vấn đề liên quan đến xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó kiến nghị Trung ương chỉ quản lý về biên chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh, thành phố trong việc thành lập một số các đơn vị đặc thù, phù hợp với nhu cầu của địa phương; Chính phủ giao quyền phê duyệt số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định mức hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương đối với các địa phương tự cân đối ngân sách để tạo tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị xem xét sáp nhập các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận huyện vào ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy để thống nhất về công tác quản lý và hoạt động chuyên môn.

Đề nghị Bộ Chính trị và Quốc hội trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu cho phép một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng được thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình 3 cấp hành chính: một cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp chính quyền thành phố, cấp huyện và cấp xã chỉ có ủy ban nhân dân, đồng thời, ban hành các quy định về cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền cụ thể để chính quyền đô thị hoạt động có hiệu quả, tránh những trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục