"Bán dạo… cũng là tham gia tiếp thị văn hóa"

Những người bán dạo, anh đạp xích lô, những cửa hàng dịch vụ thực ra đều đang tham gia làm văn hóa, nhưng chưa ai nói cho họ hiểu.
Ngày nay, người ta nhắc nhiều đến ngoại giao bóng đá, ngoại giao âm nhạc… và nhất là ngoại giao văn hóa đang nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ. Cũng bởi, có ngoại giao văn hóa là có tăng cường hiểu biết thông qua du lịch văn hoá và tăng niềm tin đầu tư, nhờ đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển…

Để mọi người hiểu và cùng làm một cách hiệu quả nhất sự kết hợp giữa văn hóa và ngoại giao để nâng tầm nó lên thành ngoại giao văn hóa thì tất cả các lực lượng làm đối ngoại của Việt Nam phải chung sức, cả ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân cùng làm.

Ngoại giao văn hoá đã được đưa lên là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam, ngang tầm với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Trong ngoại giao văn hoá, ngoại giao nhân dân có thể làm được rất nhiều việc, vì trong thời buổi hội nhập, hơn ai hết chính người dân sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động quan hệ giao lưu quốc tế ở nhiều cấp độ khác nhau.

Vậy làm thế nào để nhân dân tham gia vào hoạt động ngoại giao văn hoá có hiệu quả nhất? Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng – cơ quan đối ngoại nhân dân, một trong ba “chân kiềng” của ngoại giao Nhà nước về vấn đề này.

Câu chuyện ngoại giao văn hóa được ông Vũ Xuân Hồng nêu lên bằng chính trải nghiệm cá nhân, là những ví dụ giản dị rất gần gũi, đời thường mà đôi khi trong cuộc sống nhiều người trong chúng ta chưa để ý.

Bán dạo… cũng là kênh tiếp thị văn hóa

Nhân dân cùng làm ngoại giao văn hóa, đó là câu chuyện đồng tâm nhất trí mà mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi tập thể, đơn vị… đều phải có suy nghĩ cho mình, làm cho mình. Tôi ví dụ, những người bán dạo, anh đạp xích lô, những cửa hàng dịch vụ…, công việc hết sức bình thường nhưng thực ra đều đang tham gia làm văn hóa, chỉ có điều chưa ai nói cho họ biết, họ hiểu và tập hợp lại để nâng tầm công việc đó lên.

Họ có nhiệt tâm và thêm những giá trị sẵn có của người Việt, ta cần khuyến khích, tổ chức cho họ hướng tới nâng vị trí người Việt, tầm của người Việt trong nền văn hóa Việt Nam. Tuyên truyền, giáo dục nhận thức và tổ chức tốt hơn cho từ cậu bé đánh giày, người bán báo… vì chính kế sinh nhai của họ cũng là một kênh tiếp thị văn hóa.

Tôi không muốn nói đến câu chuyện lớn lao mà muốn nói những chuyện thường nhật. Chúng ta làm thế nào giúp người dân có thông tin hơn, hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài, những cái mạnh của ta mới hy vọng khi ra ngoài họ có thể quảng bá được văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Hôm nay, làm ngoại giao văn hóa không còn là độc quyền của bất cứ ai nữa mà người dân phải được tiếp cận để cùng tham gia.

Ngoài phân công công việc cho nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cho nhà đối ngoại tầm vĩ mô trên chính sách, ta cũng cần đầu tư hỗ trợ cho những nhà ngoại giao “trên mặt đất” làm gì, cơ sở thì làm gì chứ không thể chung chung là phải văn minh, lịch sự. Đầu tư cho ngoại giao văn hóa thực sự như một ngành kinh tế mũi nhọn, nếu chỉ nói “đạo lý” và hô hào chung chung sẽ rất khó thực hiện.

Người dân - nhà văn hóa tuyệt vời của ngoại giao


Trước đây, ông cha ta cũng dùng văn hóa làm ngoại giao, như việc cử những người xuất sắc làm người lái đò, cô bán nước… để tiếp sứ giả các nước. Họ bằng những lời nói, câu chuyện ngụ ngôn, những bài thơ… khiến thiên hạ phải ngưỡng mộ dân tộc mình.

Chúng ta vẫn luôn lấy văn hóa của người Việt ra ứng xử với bên ngoài, thế nhưng để tổng kết, hun đúc và nâng tầm nó trở thành vừa kinh điển, hàn lâm vừa đại chúng thì chúng ta đang làm chưa “đến tầm”. Vì thế những người làm công tác đối ngoại như chúng tôi đôi khi vẫn lúng túng.

Bởi ngoại giao văn hóa ấy dường như luôn ở trong mình rồi nhưng thực tế hiểu ra sao, làm ngoại giao văn hoá là làm những gì và nâng tầm nó lên thế nào chứ không đơn thuần là chuyện đưa văn nghệ, ca múa nhạc Việt Nam và cao hơn là đưa phim, nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài giao lưu.

Tôi đã dẫn nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ đến thăm những gia đình liệt sĩ mất 3 - 4 người con. Các cựu binh Mỹ có thể mang đầy mặc cảm tội lỗi, lo sợ và chính họ lại khép kín còn bố mẹ, vợ, con… của những liệt sĩ thì sẵn sàng trải lòng.

Không quên quá khứ, rằng những con người này đã cướp đi sinh mạng con, chồng, cha, anh… của họ, nhưng họ sẵn sàng gạt quá khứ sang một bên, để đón những người hôm nay đến đây với nguyện vọng thân thiện, hòa bình.

Họ có thể vượt qua nỗi đau cá nhân vì lòng vị tha, hòa hiếu dân tộc được hun đúc suốt bao năm và hơn hết là lợi ích quốc gia. Họ sẵn sàng có những cử chỉ thân thiện, khiến đối phương không hiểu, không thể lý giải nổi tại sao được nhận thái độ thân tình như thế từ những người từng ở bên kia chiến tuyến. Đó mới là những suy nghĩ sâu lắng trong tấm lòng, tâm hồn người Việt.

Xưa “O du kích nhỏ dương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu” (Thơ Tố Hữu), nay khi người lính Mỹ đó quay trở lại, vẫn người phụ nữ gầy gò, nghèo khó ấy nhưng vô cùng thân thiện: “Anh về nhé, về nhé. Chiến tranh qua rồi, bây giờ chúng ta hãy nói với nhau những điều tốt đẹp, đừng day dứt chuyện quá khứ, tất cả đã qua rồi, hãy sống thanh thản với tương lai”.

"Thằng Mỹ lênh khênh" ngày nào ngỡ ngàng biết bao đã phải thốt lên rằng: “Lần này trước khi qua Việt Nam, tôi đã không ngủ được, nhưng về mang theo câu nói đó tôi đã ngủ rất ngon”.

Tôi tiếp xúc với những câu chuyện như thế, đó thực sự là câu chuyện văn hoá. Và chính những con người bình dị ấy mới là những người làm văn hoá tuyệt vời của ngoại giao, không ai có thể làm thay họ, bởi đó mới là những giá trị sâu lắng, vững bền./.

Mai Anh ghi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục