Cần giải pháp để hạ nhiệt

Bán đảo Triều Tiên cần một giải pháp để hạ nhiệt

Các cuộc tập trận liên tiếp, sự gia tăng liên minh quân sự khiến tình hình bán đảo Triều Tiên nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Bán đảo Triều Tiên trong những ngày cuối năm 2010 khá căng thẳng sau vụ đấu pháo ở khu vực đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, các cuộc tập trận liên tiếp của Seoul và sự gia tăng liên minh quân sự với Mỹ tại khu vực biên giới hai miền.

Những động thái trên khiến dư luận lo ngại nguy cơ chiến tranh đang cận kề.

Khi quân đội Hàn Quốc quyết định tập trận bắn đạn thật ngày 20/12 tại đảo Yeonpyeong, cách giới tuyến với Triều Tiên chỉ hơn 10m, bất chấp đe dọa trả đũa của Triều Tiên, Seoul đã trải qua một ngày căng thẳng.

Tổng thống Lee Myung-bak chỉ thị cho công chức sẵn sàng trong tư thế của tình trạng khẩn cấp. Các kênh truyền hình YTN, KBS, MBC liên tục phát các bản tin đặc biệt với các hình ảnh các giàn hỏa tiễn nhả đạn, tàu chiến di chuyển, binh sĩ xung phong...

Các động thái của Hàn Quốc được nhận định là hết sức mạo hiểm, có thể châm ngòi cho những bùng phát khó kiềm chế. Việc quân đội Hàn Quốc hành động bất chấp sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Nga, Trung Quốc, được cho là nhằm xoa dịu dư luận trong nước vốn chỉ trích quân đội phản ứng chậm trễ và không hiệu quả trước vụ đấu pháo với Triều Tiên hôm 23/11.

Cho dù Hàn Quốc đã chuẩn bị tiềm lực tối đa, với sự hậu thuẫn đặc biệt của Mỹ trong các cuộc tập trận liên tiếp, song người dân Hàn Quốc nói riêng và những ai ở Seoul những ngày này đều không tránh khỏi lo âu bởi nếu xung đột bùng phát, ngoài năm hòn đảo trên Hoàng Hải bị uy hiếp trực diện, thủ đô Seoul và sân bay quốc tế Incheon đều nằm trong tầm pháo cao xạ của Triều Tiên.

Lo ngại của người dân không phải không có cơ sở bởi sau khi hai miền Triều Tiên đấu pháo trên Hoàng Hải, Hàn Quốc đã cho diễn tập dân phòng trên toàn quốc theo chủ đề sơ tán, chống không kích.

Việc Hàn Quốc phối hợp với Mỹ và các đồng minh gia tăng cấm vận đã khiến nền kinh tế Triều Tiên càng khó khăn hơn, đồng thời đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình trạng đối đầu nguy hiểm. Sự gia tăng căng thẳng giữa hai miền trong thời gian qua cũng đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc nói chung và gây rối loạn trong bộ máy chính quyền nói riêng.

Sau cao trào căng thẳng giữa hai miền là sự ra đi của một loạt thành viên nội các, đặc biệt là bộ máy quân đội hầu như đã bị thay thế. Sự mất ổn định trong hệ thống chính trị đã tác động đến các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, xã hội. Cho dù Hàn Quốc chưa phải hứng chịu những hậu quả lớn do tác động của căng thẳng chính trị đến thị trường tài chính, chứng khoán, thương mại, song đây vẫn được xem là một trong những rủi ro lớn đối với đà phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Trong bối cảnh hiện nay, việc Triều Tiên vẫn duy trì hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong, cho thấy ngoài các lợi ích kinh tế, Bình Nhưỡng vấn muốn duy trì một kênh liên lạc với Seoul. Việc Triều Tiên không trả đũa Hàn Quốc bắn đạn thật ở Yeonpyeong đã "ghi điểm" cho Bình Nhưỡng, song gây tâm lý bất an cho Hàn Quốc vì sự im lặng có thể báo trước những điều khó lường.

Có thể nói vụ đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng Ba, vụ đấu pháo giữa hai miền trên đảo Yeonpyeong và các cuộc tập trận liên tiếp của Hàn Quốc trên Hoàng Hải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn khiến bán đảo Triều Tiên luôn nóng bỏng và dễ bùng nổ. Thứ nhất, mặc dù cuộc chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc năm 1953, nhưng do chưa ký được một thỏa thuận hòa bình mà mới chỉ đạt được hiệp định đình chiến, nên về nguyên tắc hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh và do đó, nguy cơ bất ổn luôn hiện hữu tại khu vực này.

Thứ hai, chính quyền đương nhiệm tại Hàn Quốc không còn mặn mà với chính sách hòa giải của chính quyền tiền nhiệm, mà thay vào đó theo đuổi chính sách cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Thứ ba, các nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa mang lại kết quả do các bên không chịu nhượng bộ nhau tại bàn thương lượng.

Ngoài ra, việc Mỹ tiếp tục duy trì chính sách thù địch đối với Triều Tiên cũng khiến quan hệ giữa hai bên luôn trong trạng thái căng thẳng, thiếu tin cậy lẫn nhau.

Việc chính quyền tiền nhiệm ở Hàn Quốc trong nhiều năm duy trì chính sách hòa giải, hòa hợp với Triều Tiên, giữ thế độc lập tương đối với đồng minh Mỹ trong giải quyết các bất đồng với miền Bắc khiến các bên dễ xích lại gần nhau hơn thay vì bị giằng kéo bởi nhiều thế lực và sự chia sẻ quyền lợi.

Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, song với những động thái gần đây tại khu vực này, giới quan sát nhận định ít có khả năng bùng nổ chiến tranh do các bên liên quan đều phản ứng hết sức thận trọng. Điều quan trọng là các bên phải kiềm chế và không có các hành động "ăn miếng, trả miếng."

Hơn bao giờ hết bán đảo Triều Tiên cần một giải pháp hạ nhiệt tức thời và liều thuốc đó chỉ có thể khi các bên ngồi vào đối thoại, thông qua hòa đàm để cân bằng các lợi ích, vì hòa bình và ổn định trong khu vực./.

Khánh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục