"Bản địa hóa" sách dịch, cuộc tranh cãi chưa hồi kết

Theo dịch giả Lương Việt Dũng, yếu tố quan trọng hàng đầu của việc dịch thuật là truyền tải giá trị thông điệp gốc trong nguyên tác.
Khi chuyển ngữ một tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt, dịch giả nên tôn trọng đúng nguyên tác hay thêm vào những diễn giải riêng cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của độc giả trong nước?

Đây là câu hỏi được nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu đặt ra, thảo luận trong buổi tọa đàm “Dịch thuật trong thực tế xuất bản” được tổ chức sáng nay (8/5) tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Giới hạn "bản địa hóa"

Theo dịch giả Trịnh Lữ, hiện nay, dịch thuật văn học ở Việt Nam đang có xu hướng chuyển từ việc “Việt Nam hóa” tác phẩm để người đọc dễ tiếp cận hơn sang việc cố gắng tôn trọng tối đa nguyên bản, mang những yếu tố “ngoại lai” đến giới thiệu với công chúng Việt.

“Điều này thể hiện ngay từ những chi tiết nhỏ như cách gọi tên. Nếu như trong các dịch phẩm trước đây, dịch giả phải ‘bản địa hóa’ cả tên riêng của nhân vật, gọi họ bằng một cái tên Việt Nam để phù hợp hơn với văn hóa Việt, giúp độc giả dễ tiếp cận hơn thì hiện nay, người ta hoàn toàn có thể giữ nguyên tên nhân vật,” dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ.

Thế nhưng, khi nguyên tác được giữ đúng thì “một bộ phận độc giả lại cho rằng, bản dịch không phù hợp với quy phạm văn hóa Việt,” ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nêu ý kiến.

Thực tế là, thời gian gần đây, nhiều ý kiến tranh luận về một số câu dịch trong tác phẩm “Những thứ họ mang” của nhà văn Tim O’Brien (bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng do Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam liên kết cùng Nhà xuất bản Văn học ấn hành) cũng như một số tác phẩm văn học dịch khác như “Bản đồ và vùng đất”, “Hạt cơ bản”,… liên tục được đưa ra.

[Tác phẩm Lolita tiếng Việt- nỗi buồn dịch thuật]

Những ý kiến đồng thuận thì cho rằng, dịch như vậy là tôn trọng tác giả và nguyên tác. Bên cạnh đó, những ý kiến trái chiều lại cho rằng, những câu dịch với những từ ngữ mang sắc thái tục tĩu như vậy là không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” của Việt Nam.

Từ góc độ của một dịch giả đã dịch thành công nhiều tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt, ông Lương Việt Dũng cho rằng: “Vấn đề là, chúng ta phải đặt những từ ngữ, câu văn đó trong toàn bộ ngữ cảnh, bối cảnh câu chuyện để xem xét. Có thể, khi đứng độc lập, nó là một từ tục. Tuy nhiên, trong nguyên bản, nếu những từ đó thể hiện sắc thái cảm xúc, tâm lý của tác giả, nhân vật thì bản dịch, chúng ta buộc phải giữ lại những từ ngữ như vậy. Nếu không, người dịch sẽ phá hỏng nguyên tác và ý đồ người viết.”

“Yếu tố quan trọng hàng đầu của dịch thuật là truyền tải giá trị thông điệp gốc trong nguyên tác,” dịch giả Lương Việt Dũng nhấn mạnh.

“Phóng tác” và “sáng tạo”

Cùng với đó, dịch giả Lương Việt Dũng cũng cho rằng, trong một số trường hợp, “người dịch cũng phải thêm vào những đoạn phóng tác."

“Tôi nhấn mạnh rằng, đó chỉ là những đoạn ‘phóng tác,’ đi chệch ra khỏi nguyên tác một chút để tường giải cho nội dung câu chuyện chứ không phải là ‘sáng tạo.’ Bởi, nếu là ‘sáng tạo’ thì phải tạo ra một cái mới,” ông Dũng nói.

“Ví dụ, các nhà văn Nhật Bản rất hay sử dụng các từ ngữ mang sắc thái ‘chỉ thị’ như ‘ấy, đó, kia...’ Nếu để trong mạch văn mà độc giả hiểu được nội dung của những từ ‘ấy, đó, kia...’ là gì thì đương nhiên là nên giữ nguyên. Ngược lại, xét trong tổng thể cấu trúc dịch phẩm, nếu người đọc không thể hiểu được thì buộc người dịch phải thêm vào những đoạn phóng tác để giải nghĩa cho chúng,” dịch giả Lương Việt Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm với dịch giả Lương Việt Dũng, dịch giả Trịnh Lữ phân tích: "Công việc dịch thuật tác phẩm văn học trước hết là một nghệ thuật rồi mới bàn tới độ chính xác. Nếu đặt ra yêu cầu dịch chính xác ngôn ngữ theo lối cơ học thì đó là cách dịch các văn bản hành chính. Còn với các tác phẩm văn học, mỗi dịch giả sẽ có cách dịch khác nhau (khác nhau về giọng điệu, ngôn ngữ...).”

Chia sẻ về vấn đề này, dịch giả Trần Lê Thùy Linh cũng cho rằng: "Bản nguyên tác chứa đựng cái tôi của tác giả và bản dịch cũng thể hiện cái tôi của dịch giả. Chúng ta cần tôn trọng điều đó và không thể đòi hỏi một cái chuẩn tuyệt đối."

Đứng xét góc độ của một nhà nghiên cứu-phê bình, ông Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng: “Bản thân việc dịch thuật thể hiện sự tiếp biến và thương lượng giữa hai nền văn hóa. Người dịch cần tôn trọng nguyên tác nhưng cũng cần có sự linh hoạt để độc giả dễ tiếp cận với văn bản. Khi dịch, người dịch cần đặt các chi tiết, ngôn từ trong một tổng thể thống nhất của ngữ cảnh để chuyển nghĩa. Nói khác đi, chúng ta cần dung hòa giữa việc hướng nguồn (tôn trọng nguyên tác) và hướng đích (chú ý tâm lý tiếp nhận của độc giả)"./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục