Bàn giải pháp phát triển cây hồ tiêu các tỉnh phía Nam

Cây hồ tiêu được trồng chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, tập trung ở 6 tỉnh gồm Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk.

Ngày 30/6, tại thị xã Đồng Xoài, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp phát triển cây hồ tiêu các tỉnh phía Nam.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, cho biết, niên vụ 2009 - 2010, tổng diện tích trồng hồ tiêu tại các tỉnh phía Nam là hơn 48.000ha, tập trung chủ yếu ở 6 tỉnh gồm Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk; tăng 411ha so với niên vụ 2008 - 2009.

Hiện cả nước có 13 nhà máy chế biến tiêu sạch, tiệt trùng, đạt tiêu chuẩn Mỹ (ASTA), công suất khoảng 60.000 tấn/năm. Sản phẩm hàng hoá xuất khẩu khá đa dạng tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột. Trong quí 1/2009, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 27.000 tấn, giá trị 258 triệu USD, tiêu trắng đạt 3.900 tấn, tiêu đen đạt 23.000 tấn.

Hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, sự phát triển vượt bậc của cây hồ tiêu Việt Nam là một câu chuyện kỳ diệu rất đáng ngạc nhiên.

Năm 2009, do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng sản lượng tiêu Việt Nam vẫn đạt mức kỷ lục ước trên 100.000 tấn và xuất khẩu sẽ có khả năng đạt 100.000 tấn. Chất lượng hồ tiêu từng bước được chú trọng và nâng cao. Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu quan trọng của Việt Nam là Hoa Kỳ, Đức và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

Tuy nhiên, cho đến nay việc phát triển diện tích hồ tiêu vẫn chưa thực sự theo quy hoạch và kế hoạch; vẫn còn xảy ra tình trạng sản xuất manh mún, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế; đất trồng chưa có sự đồng đều, một số diện tích đất có thành phần dinh dưỡng nghèo, thiếu dinh dưỡng, nước tưới khó khăn.

Đa số diện tích trồng tiêu được trồng bằng các giống cũ, năng suất, chất lượng chưa cao, một số giống đã thoái hoá, tập quán canh tác và tình trạng thiếu vốn sản xuất của nông dân khiến việc đầu tư chăm sóc còn thấp so với nhu cầu thâm canh, làm cho cây trồng bị suy kiệt, năng suất thấp, sâu bệnh nhiều nên hiệu quả sản xuất chưa thực sự cao.

Việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu còn chậm, thị trường giá cả thu mua không ổn định, các doanh nghiệp thu mua hạt tiêu chủ yếu thông qua thương lái là chính. Do đó, giá của người sản xuất chưa thực sự cao và sát thực tế. Chưa có qui hoạch chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến, doanh nghiệp chưa chú ý đầu tư cho vùng nguyên liệu. Sự phối hợp, thống nhất giữa các doanh nghiệp chưa cao, tạo nên sự canh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến giá cả, chất lượng sản phẩm.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, để phát triển hồ tiêu bền vững, hiệu quả, một trong những cách tốt nhất là “học tập từ những nông dân điển hình”, tổ chức tham quan, hội thảo đầu bờ giữa nông dân trong vùng, giữa các địa phương với các nhà khoa học và các nhà quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, cần chọn những vùng đất phù hợp cho cây hồ tiêu phát triển, khả năng thoát nước tốt, trồng giống hồ tiêu có năng suất, chống chịu với sâu bệnh tốt, phù hợp với vùng sinh thái. Sản xuất phải áp dụng theo đúng quy trình canh tác, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm (GAP), áp dụng IPM vào phòng trừ dịch hại, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng khẳng định thấy được giá trị quan trọng của cây hồ tiêu nên ngay từ năm 2006, Bộ đã phê duyệt đề án thâm canh cây công nghiệp lâu năm đến năm 2010, trong đó cây hồ tiêu sẽ có diện tích trồng đạt 52.000ha, xuất khẩu 140.000 tấn, quy hoạch vùng thâm canh trọng điểm 20.000ha, vốn trồng mới và thay thế 2.550 tỷ đồng, vốn đầu tư vật tư thâm canh 31.744 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục