Bàn giải pháp quản lý, tránh làm biến dạng di tích

Hà Nội bàn giải pháp quản lý, tránh làm biến dạng di tích

Các cơ quan quản lý văn hóa ở Hà Nội thống nhất cần nâng cao trách nhiệm quản lý để giữ gìn, tránh làm biến dạng di tích.
Hà Nội bàn giải pháp quản lý, tránh làm biến dạng di tích ảnh 1Vụ việc Chùa Trăm Gian bị đập đi làm mới gây xôn xao dư luận. (Nguồn: Thể thao & Văn hóa)

Ngày 21/3, tại Hội nghị giao ban về công tác quản lý di tích giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội với 29 quận, huyện trên địa bàn thành phố, các cơ quan quản lý văn hóa đều thống nhất cần nâng cao trách nhiệm quản lý để giữ gìn, tránh làm biến dạng di tích.

Công việc trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các quy chế để nâng cao hiệu quả quản lý di tích trên địa bàn, trong đó có quy chế tiếp nhận đồ công đức bằng hiện vật và quy chế hỗ trợ cho người trông coi di tích.

Trong khi chờ quy chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội yêu cầu các địa phương không tiếp nhận hiện vật mới khi chưa biết hiện vật đó có phù hợp với di tích hay không, địa phương nào cố tình vi phạm sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Sở cũng phối hợp với các quận, huyện, thị xã kiểm kê, xác nhận từng di tích về hiện trạng, đồ thờ tự để cố gắng giữ lại yếu tố gốc.

Công tác tuyên truyền Luật Di sản Văn hóa cho các cấp cơ sở, cộng đồng dân cư, người trông coi di tích sẽ được tăng cường để họ hiểu rõ hơn nghĩa vụ của mình; đồng thời vận động người dân tham gia vào bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Sở cũng đề nghị các cấp chính quyền, ban quản lý di tích kiện toàn lại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động

Ý kiến từ những người tham gia quản lý di tích cho thấy sự hiểu biết chưa đầy đủ của những người quản lý di tích; việc thiếu quy chế tiếp nhận hiện vật công đức là nguyên nhân cơ bản khiến một số di tích bị méo mó trong thời gian qua.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định Sở cũng có phần trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc xâm phạm di tích. Khâu tham mưu của ngành với các cơ quan quản lý cao hơn chưa kịp thời và công tác thanh tra, kiểm tra di tích chưa thường xuyên, liên tục.

Đồng tình với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, cho rằng mặc dù những vụ việc nêu trên không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng điều đó cho thấy công tác quản lý di tích của ngành văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở còn bất cập, hạn chế.

Trong những năm qua, thành phố có nhiều chương trình, nội dung quan tâm chỉ đạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trung bình mỗi năm, Hà Nội huy động từ ngân sách và xã hội hóa khoảng 1.000 tỷ đồng tu bổ di tích. Tuy nhiên, số lượng di tích xuống cấp rất nhiều nên thành phố đang nỗ lực kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, cá nhân.

Cùng với tu bổ di tích thì việc bảo tồn các giá trị gốc của di tích cũng đang được tăng cường bởi thời gian gần đây, việc xâm phạm di tích như tự ý đưa hiện vật lạ vào di tích, dỡ đình bán gỗ quý... liên tiếp xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục