Bàn giải pháp triển khai vụ Đông Xuân trong thời tiết ấm

Nông dân nên kiên quyết loại bỏ mạ già quá 6 lá, thay thế bằng nhóm giống lúa ngắn ngày, Xuân muộn, gieo mạ nền hoặc gieo sạ bởi trà lúa Xuân muộn thời vụ còn rất rộng.
Bàn giải pháp triển khai vụ Đông Xuân trong thời tiết ấm ảnh 1Bà con nông dân chuẩn bị mạ để cấy lúa. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Tại hội nghị bàn giải pháp triển khai sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 trong điều kiện thời tiết ấm tại các tỉnh phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 21/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định đối với trà lúa Xuân sớm, gieo mạ sớm đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập các đoàn cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình mạ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân kiên quyết loại bỏ mạ già quá 6 lá, thay thế bằng nhóm giống lúa ngắn ngày.

Số liệu của Cục Trồng trọt về tiến độ sản xuất từ các địa phương cho thấy một số tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, nông dân đã và đang gieo cấy các giống Xuân sớm như Xi23, X21 mạ đã có 5-6 lá.

Một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, nông dân gieo mạ các giống Xuân sớm và Xuân trung từ trung tuần tháng 12/2015, mạ đã được 5-6 lá, đến khi cấy sẽ có 6-7 lá. Với nền nhiệt ấm, mạ sinh trưởng mạnh, lúa cấy sẽ bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh sớm sẽ phân hóa, trổ bông vào tháng Ba nguy cơ làm giảm trầm trọng năng suất là rất cao.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, nông dân nên kiên quyết loại bỏ mạ già quá 6 lá, thay thế bằng nhóm giống lúa ngắn ngày, Xuân muộn, gieo mạ nền hoặc gieo sạ bởi trà lúa Xuân muộn thời vụ còn rất rộng.

Là địa phương đã có những tuyên truyền, thông báo khá sớm trước tình hình sẽ phải đối mặt với vụ Đông Xuân ấm và hạn, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, cho biết tất cả các vùng của tỉnh đều chưa triển khai cấy. Ngành đã chỉ đạo tập trung cấy từ 5-11/2, đồng thời tăng cường khuyến cáo nông dân nếu có mạ trên 6,5 lá nên thay ngay bằng các giống lúa ngắn ngày. Vụ này, Hải Dương cũng phấn đấu tăng diện tích gieo vãi lên trên 30%.

Vụ Đông Xuân ngày càng ấm rõ rệt, song các tỉnh phía Bắc đã có sự chuyển dịch rất tích cực về cơ cấu giống lúa cũng như thời vụ. Giống dài ngày chỉ còn gieo cấy tỷ lệ rất thấp, bởi nhóm giống này nếu gặp ấm sẽ có mức sụt giảm năng suất khá cao. Tỷ lệ gieo cấy trà Xuân muộn khá cao (khoảng 84%). Trà Xuân muộn gieo cấy nhóm giống ngắn ngày ít bị chịu tác động của điều kiện thời tiết ấm so với nhóm dài ngày.

Vụ Đông Xuân 2015-2016, Cục Trồng trọt cũng chỉ đạo địa phương tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các giống lúa lai, lúa thuần, lúa Japonica ngắn ngày (thời gian sinh trưởng dưới 135 ngày), năng suất, chất lượng cho trà Xuân muộn. Thời vụ gieo cấy phù hợp với mạ nền, mạ khay (cấy máy) là xung quanh tiết Lập Xuân, vùng thuận lợi gieo sau Lập Xuân, cấy trong tháng Hai để lúa trỗ từ 1-20/5 (trỗ tập trung từ 5-15/5). Các địa phương cần mở rộng tối đa diện tích lúa gieo thẳng với thời vụ gieo 10-20/2 (sau Tết Nguyên đán).

Vụ Đông Xuân 2015-2016, vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ cũng sẽ đối mặt với tình hình hạn. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng các địa phương cũng cần theo sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân lấy nước, tích tích trữ nước và sử dụng nước hiệu quả nhất. Trong điều kiện ngày càng khó khăn về nguồn nước, các địa phương cần quán triệt phương châm sử dụng nước hết sức hợp lý và tiết kiệm.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 trên phạm vi các tỉnh miền Bắc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. Như vậy, các tỉnh miền Bắc tiếp tục có vụ Đông Xuân ấm, có khả năng bị khô hạn và thiếu nước cục bộ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Thực tế cho thấy những năm thời tiết vụ Đông Xuân ấm ngay từ đầu vụ đã làm cho mạ gieo sớm bị già, khi cấy lúa sẽ đẻ nhánh kém, trỗ sớm và có nguy cơ gặp rét cao khi lúa phân hóa đòng và trỗ, làm tăng tỷ lệ hạt lép, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Tổng diện tích gieo cấy toàn miền kế hoạch đạt khoảng 1,13 triệu ha, giảm 33.000ha so với vụ Đông Xuân 2014-2015. Diện tích gieo cấy lúa giảm do các địa phương đã chủ động chuyển đổi một số diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các loại cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; trong đó, vùng trung du miền núi phía Bắc giảm 8.000 ha, vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 7.000ha, vùng Bắc Trung bộ giảm 18.000ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục