Ban hành Luật về hội nhằm bảo đảm quyền lập hội của công dân

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 22, cho ý kiến về các nội dung dự án Luật về hội và thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015.
Ban hành Luật về hội nhằm bảo đảm quyền lập hội của công dân ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Ngày 30/9 tại Thừa Thiên-Huế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 22, cho ý kiến về các nội dung dự án Luật về hội và thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015.

Tại phiên họp, báo cáo thẩm tra Luật về hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức nhấn mạnh: Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận quyền lập hội của công dân.

Trong những năm qua, các tổ chức xã hội, quần chúng (gọi chung là các hội) đã có sự phát triển nhanh chóng với quy mô, phạm vi, tính chất hoạt động rất phong phú, đa dạng. Đây là biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật về hội nhằm bảo đảm quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội và tăng cường quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Luật về hội cần thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp, của bộ, ngành về lĩnh vực hoạt động của hội, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; cũng như tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội; hạn chế tối đa sự bao cấp của nhà nước.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015, báo cáo của ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Luật tiếp công dân, tình hình khiếu nại tố cáo trong năm 2015 tiếp tục giảm cả về số vụ việc và số đoàn đông người. Công tác tiếp công dân đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống ban tiếp công dân được kiện toàn, củng cố và từng bước đi vào hoạt động.

Đáng chú ý, việc tiếp công dân định kỳ của Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương được quan tâm thực hiện, góp phần giảm số lượng công dân lên Trung ương khiếu kiện, nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nhiều ý kiến cho rằng, tuy giảm số lượng khiếu nại tố cáo, nhưng ở một số lĩnh vực như khiếu nại về đất đai vẫn còn cao, không thay đổi nhiều so với trước. Đặc biệt, trong khi số đơn, thư ở các bộ, ngành giảm nhiều, thì các địa phương lại giảm rất ít.

Hiện tượng đơn, thư vượt cấp lên Trung ương đã có chuyển biến tích cực, giảm nhiều so với năm 2014; tuy nhiên vẫn còn một số địa phương, đơn vị xử lý đơn thư chậm trễ, vi phạm về trình tự, thủ tục.

Thời gian tới, chủ trương của Chính phủ là các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo và chủ động, kịp thời giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để diễn biến phức tạp, đông người ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội; lấy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của người đứng đầu.

Các bộ, ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh tiến độ ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Phiên họp toàn thể lần thứ 22 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục làm việc đến hết ngày 3/10 để thẩm tra dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và thẩm tra dự án Luật Tiếp cận thông tin.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục