Bàn kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam và tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.
Sáng 20/7, mở đầu phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ bảy và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2011) và tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.

Tiếp tục cải tiến cách thức tổ chức, tiến hành kỳ họp

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, dự kiến trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận các báo cáo: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Các báo cáo về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình hình quốc phòng-an ninh... sẽ được gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp.

Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng...

Đánh giá kết quả kỳ họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu lên một số vấn đề cần quan tâm như chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chuẩn bị dự án, đề án khi không thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản pháp luật liên quan; cương quyết đưa ra khỏi chương trình những nội dung chưa được chuẩn bị kỹ, không đảm bảo chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục đổi mới và khắc phục một số hạn chế trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; chủ động đôn đốc, theo dõi việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.

Cách thức tổ chức, tiến hành kỳ họp cũng cần tiếp tục cải tiến, chú trọng tranh luận, phản biện...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định đây là kỳ họp có chất lượng cao, nhiều nội dung quan trọng, toàn diện, để lại ấn tượng sâu sắc với không khí thật sự dân chủ, sôi nổi, tinh thần trách nhiệm và tính xây dựng cao...

Tổng kết lý luận và thực tiễn hoạt động của Quốc hội

Theo Tờ trình về kế hoạch và nội dung tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, việc tổng kết nhiệm kỳ nhằm đánh giá những kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ; kiến nghị, đề xuất về việc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động.

Dự kiến, nội dung tổng kết tập trung vào các vấn đề chủ yếu như:

Thứ nhất là phân tích, đánh giá kết quả đạt được trong hoạt động của Quốc hội, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng; hoạt động đối ngoại; về hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; về phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác và điều kiện bảo đảm.

Thứ hai là đánh giá về mô hình tổ chức, vị trí pháp lý, số lượng, cơ cấu thành viên, phương thức làm việc, cơ chế, cách thức, quan hệ công tác; phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; về cơ cấu đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở kết quả đánh giá sẽ rút ra những nhận xét và kiến nghị chung về từng vấn đề cụ thể, góp phần làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các khóa Quốc hội sau.

Theo kế hoạch, dự thảo báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (dự kiến 3/2011).

Trong sáng 20/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc chuẩn bị và tổ chức kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2010).

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, đây là dịp tổng kết thực tiễn, đánh giá những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong 65 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam; kiến nghị, đề xuất tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Tờ trình cũng nêu rõ các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm phải thiết thực, an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức; có chiều sâu và bề rộng từ Trung ương đến địa phương; tạo được không khí phấn khởi, thi đua chào mừng kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam.

Dự kiến, trong dịp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức các cuộc gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội; hội thảo với chủ đề “Quốc hội Việt Nam-65 năm hình thành và phát triển” nhằm tổng kết lý luận và thực tiễn hoạt động của Quốc hội, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức đợt tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về 65 năm Quốc hội Việt Nam...

Góp ý kiến vào hai nội dung trên, các vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ksor Phước, Nguyễn Văn Thuận, Lê Thị Thu Ba, Trần Thế Vượng... đều cho rằng cần nhấn mạnh việc tổng kết nhiệm kỳ và kỷ niệm 65 năm Quốc hội không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Quốc hội mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả đất nước và dân tộc; tổng kết hoạt động của Quốc hội thực chất là tổng kết toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, việc tổng kết và kỷ niệm cần đi sâu tập trung đánh giá hoạt động của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ luật định; đánh giá những đóng góp của Quốc hội cho sự phát triển và nền dân chủ của đất nước, từ đó đề xuất những đổi mới; không nên rườm rà, phô trương, nặng về hình thức, lãng phí thời gian và công sức.

Việc tổng kết nhiệm kỳ về tổ chức bộ máy, rút kinh nghiệm hoạt động các cơ quan của Quốc hội cần tính toán thế nào để đáp ứng cho việc chuẩn bị nhiệm kỳ mới, làm tốt vai trò, tăng cường năng lực hoạt động cho Quốc hội./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục