Bằng cả trái tim

Murayama: Chụp ảnh bằng cả trái tim đồng cảm

Bằng cả trái tim đồng cảm, 11 năm qua nhà nhiếp ảnh Murayama đã đi khắp Việt Nam để chụp ảnh về các nạn nhân chất độc da cam.

Ngày 10/8, nhà nhiếp ảnh Nhật Bản Yasafumi Murayama  tổ chức một triển lãm ảnh riêng về nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Nhà Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh.


Với 52 bức ảnh, nhà nhiếp ảnh Yasafumi Murayama muốn gửi gắm một thông điệp rằng: Nỗi đau do chiến tranh đem lại là điều không thể lãng quên! Phải làm một điều gì đó để chia sẻ, giúp đỡ những con người bất hạnh ấy vượt qua số phận.

Gặp nhà nhiếp ảnh Yasafumi Murayama khi anh đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh gặp gỡ các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm, mái ấm ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh cho biết: Cách đây 11 năm do cơ duyên quen biết với nhà nhiếp ảnh lão thành Nhật Bản Ishikawa Bunyo - người chuyên chụp những hình ảnh về chiến tranh và đất nước con người Việt Nam, anh có dịp biết nhiều hơn về Việt Nam.

Lần đầu tiên theo ông Bunyo đến Việt Nam, anh hiểu ra rằng Việt Nam không chỉ là một đất nước đẹp, mà còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh. Không ít những người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Vậy là suốt 11 năm, mỗi năm Yasafumi Murayama sang Việt Nam hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và vào dịp hè để đi khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam chụp ảnh - chụp ảnh bằng cả trái tim, sự đồng cảm và chia sẻ.

Anh chia sẻ: "Để hiểu hơn về Việt Nam, tôi phải trải nghiệm chụp ảnh để ghi lại những bức hình truyền tải những gì thực tế nhất về Việt Nam. Thế hệ trẻ ở Nhật Bản như chúng tôi biết rất ít về Việt Nam (anh sinh năm 1968). Một số biết Việt Nam đã trải qua chiến tranh, song không phải ai cũng biết rằng chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm, để lại những nỗi đau thực sự cho những nạn nhân, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin".

Đi đến những thành phố hay làng quê Việt Nam, Yasafumi Murayama luôn chú ý đến những nét mặt của từng con người Việt Nam. Qua nét mặt, anh hiểu được phần nào hoàn cảnh của họ qua những ánh mắt buồn vui.

Cách đây ba năm, anh đã gặp em Đỗ Thùy Dương, nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Sóc Trăng. Nhìn những vết thương trên cơ thể em, anh đã không cầm được nước mắt. Rồi chính bằng những tấm hình chụp em, về Nhật Bản anh đã quyên góp được hơn 30.000 USD để đưa Dương sang Nhật phẫu thuật. Song theo các bác sĩ Nhật, ca phẫu thuật ấy chỉ thành công khoảng 30 - 40%, cơ thể em vẫn phải chịu đựng những nỗi đau hàng ngày.

Suốt 11 năm qua, anh Yasafumi Murayama đã chụp hơn 100.000 bức ảnh về đất nước, con người Việt Nam, trong đó có hơn 1.000 bức ảnh về nạn nhân chất độc da cam.

Tại Nhật, anh đã tổ chức hơn 100 triển lãm tại khắp các thành phố của Nhật. Cảm nhận chung của người dân Nhật là: "Thật đau đớn khi xem những bức hình này". Và họ hiểu rằng, chiến tranh ở Việt Nam chưa kết thúc, di chứng của nó vẫn còn rất nặng nề.

Nhà nhiếp ảnh Yasafumi Murayama đã thực sự yêu mến đất nước, con người Việt Nam. Anh tâm sự rằng, bạn bè của anh ở Việt Nam còn nhiều hơn ở Nhật. Chính vì thế, sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời anh là tổ chức đám cưới với một nữ kiến trúc sư người Nhật cũng được cử hành tại Việt Nam, trong một nhà hàng bình dị trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục