Bằng chứng mới về nước trên Mặt trăng Europa của Sao Mộc

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 26/9 thông báo đã tìm thấy thêm bằng chứng về việc tồn tại nước trên "Mặt trăng" Europa - một vệ tinh của Sao Mộc.
Bằng chứng mới về nước trên Mặt trăng Europa của Sao Mộc ảnh 1Mặt trăng Europa. (Nguồn: theguardian.com)

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 26/9 thông báo đã tìm thấy thêm bằng chứng về việc tồn tại nước trên "Mặt trăng" Europa - một vệ tinh của Sao Mộc.

Thông báo với báo giới ngày 26/9, ông William Sparks, nhà nghiên cứu thiên văn học của Viện nghiên cứu kính thiên văn không gian tại Baltimore, cho biết Kính viễn vọng không gian Hubble đã ghi lại hình ảnh cực tím của các cột hơi nước xuất hiện ở rìa phía Nam Mặt trăng Europa. 

Công bố này củng cố phát hiện của sứ mệnh thám hiểm Sao Mộc kéo dài 15 tháng hồi năm 2014 khi các nhà khoa học 3 lần quan sát thấy hiện tượng này khi Europa đi qua Sao Mộc. Trong 10 lần Europa đi qua Sao Mộc thì có 3 lần xuất hiện của các dòng chảy này.

Đáng chú ý, các hiện tượng này đều xuất hiện tại phạm vi rìa phía Nam Europa. Đây cũng là khu vực vào năm 2012, một nhóm khoa học khác đã tìm thấy dấu vết về hơi nước bốc cao 160 km.

Theo ông Paul Hertz, Giám đốc bộ phận vật lý học thiên thể của NASA, nếu được xác nhận, thông tin này sẽ củng cố niềm tin của giới khoa học về sự tồn tại của nước và các vật chất khác trong đại dương khổng lồ ẩn dưới lớp băng siêu dày của Europa.

Bên cạnh đó mở ra phương án nghiên cứu sâu hơn đại dương này mà không cần phải khoan xuống bề mặt băng của Europa.

Mặt trăng Europa, một trong hơn 50 vệ tinh xoay quanh Sao Mộc, là một "ứng cử viên hàng đầu" trong Hệ Mặt Trời về khả năng tồn tại sự sống do giới khoa học nghi vấn hành tinh này sở hữu một đại dương lớn dưới lớp vỏ băng giá với diện tích gấp đôi đại dương của Trái Đất.

Năm 2015, NASA thông báo kế hoạch phóng tàu thăm dò tự hành lên Europa vào năm 2020. Mục tiêu của sứ mệnh này là nhằm đo đạc các điều kiện giúp duy trì sự sống của Europa. 

Hồi năm ngoái, dữ liệu từ Kính thiên văn Hubble xác nhận Mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc là Ganymede có một đại dương ngầm lớn hơn đại dương trên Trái Đất. Trước đó, chỉ có 1 Mặt trăng khác trong Hệ Mặt Trời từng được phát hiện có hiện tượng phun nước là Mặt trăng Enceladus của Sao Thổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục