Ngày 22/11, Bangladesh và Myanmar đã bắt đầu cuộc đàm phán về việc khởi động tiến trình hồi hương hàng nghìn người tị nạn Hồi giáo Rohingya.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, Bí thư đối ngoại Bangladesh M Shahidul Haque đã dẫn đầu phái đoàn nước này tham gia cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của hai nước.
Cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay này được bắt đầu với kỳ vọng sẽ có một bản ghi nhớ (MoU) được ký kết để tạo điều kiện cho hai nước bắt đầu tiến trình hồi hương tất cả người Rohingya từ Bangladesh trở về quê hương Myanmar.
Dự kiến, cuộc gặp cuối cùng giữa Ngoại trưởng Bangladesh AH Mahmood Ali và Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Daw trong ngày 23/11.
Một quan chức Bangladesh cho hay nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì cả hai bên sẽ ký MoU nêu trên trong ngày 23/11.
Cho đến nay, Myanmar và Bangladesh trên nguyên tắc đã nhất trí hồi hương một số người Rohingya song vẫn còn bất đồng về nhiều chi tiết.
[Myanmar-Bangladesh chấp nhận giải pháp cho vấn đề Rohingya]
Trước đó một ngày, hai nước này đã chấp nhận vai trò trung gian của Trung Quốc và đồng ý thực hiện một giải pháp 3 giai đoạn do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya tại bang Rakhine.
Giải pháp trên bao gồm giai đoạn 1 là đạt thỏa thuận ngừng bắn để người dân địa phương không phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn; trong giai đoạn 2, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Myanmar và Bangladesh duy trì đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi; và giai đoạn 3 là tìm kiếm một giải pháp lâu dài.
Làn sóng bạo lực nổ ra tại bang Rakhine của Myanmar từ ngày 25/8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang này buộc chính phủ phải triển khai các chiến dịch an ninh.
Xung đột và các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng.
Bạo lực khiến hàng chục nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách vượt biên sơ tán sang lãnh thổ Bangladesh.
Tình trạng này đang có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về lương thực, nước uống, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc y tế và chỗ ở./.