Báo Anh: Tiến trình hòa bình tại Myanmar có nguy cơ đổ vỡ

Tiến trình hòa bình tại Myanmar có nguy cơ đổ vỡ sau hàng loạt vụ bạo lực, giao tranh đẫm máu bùng phát giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Báo Anh: Tiến trình hòa bình tại Myanmar có nguy cơ đổ vỡ ảnh 1Người dân Myanmar xếp hàng tại khu vực biên giới ở Muse ngày 22/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nhận định ngày 7/3 của tờ Thời báo Tài chính (Anh), tiến trình hòa bình tại Myanmar có nguy cơ đổ vỡ sau hàng loạt vụ bạo lực, giao tranh đẫm máu bùng phát giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc.

Mọi nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 70 năm qua đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng khi sức ép gia tăng nhằm vào chính phủ Myanmar và cá nhân bà Aung San Suu Kyi.

Trong một động thái mới nhất, lực lượng nổi dậy hôm 6/3 đã triển khai cuộc tấn công vào thị xã Laukkai - thủ phủ vùng tự trị Kokang ở phía Đông Bắc Myanmar, làm ít nhất 30 người thiệt mạng.

Mục tiêu tấn công của lực lượng nổi dậy là các công sở, đồn cảnh sát và căn cứ quân sự.

Ông Richard Horsey, một chuyên gia phân tích ở Yangon, cho rằng vụ việc này đã khiến niềm tin của người dân Kokang nói riêng và cả xã hội Myanmar nói chung đối với tiến trình hòa bình bị lung lay mạnh do tiến trình hòa bình ở Myanmar không chỉ trực tiếp đối mặt với thách thức chính trị mà cả vấn đề an ninh.

Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của chính phủ dân sự hiện nay tại Myanmar, đã ra tuyên bố kêu gọi các bên chấm dứt hành động vũ trang và ngồi vào bàn đàm phán.

Nhà sử học Thant Myint-U - người từng cố vấn cho chính phủ trước về tiến trình hòa bình - cảnh báo rằng tình trạng bạo lực ở Myanmar trong vòng 5 năm qua đã gia tăng bằng hàng thập kỷ.

Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, chính quyền Myanmar cần tập trung vào những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực, giao tranh trên thực địa. Đây được coi là điều kiện tiên quyết thúc đẩy việc giải quyết nhiều vấn đề chính trị khác.

Ông Thant Myint-U nói: "Việc tổ chức hội nghị hòa giải và ký kết thỏa thuận có thể hữu ích. Nhưng đó chỉ là một phần của chiến lược kiến tạo hòa bình."

Trước đó, Reuters/AFP đưa tin Trung Quốc đã kêu gọi tiến hành một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa các phiến quân dân tộc thiểu số và lực lượng an ninh Myanmar tại một khu vực biên giới, đồng thời kêu gọi hai phía giải quyết những bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Tình hình ở miền Bắc Myanmar có liên quan đến hòa bình và sự yên bình của biên giới Trung Quốc-Myanmar.

Các bên liên quan nên tiến hành ngay một lệnh ngừng bắn nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ leo thang và đưa trật tự trở lại khu vực càng sớm càng tốt.

Kể từ khi xung đột diễn ra, một số cư dân Myanmar ở khu vực biên giới đã chạy sang Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự an toàn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục