Báo cáo nhân quyền Mỹ: Bao giờ mới khách quan?

Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức gây làn sóng phản đối trong dư luận các nước từ nhỏ đến lớn khi vẫn những nhận định rất chung như “dân chủ đã có tiến bộ nhưng quá ít ỏi” hay “tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ”.

Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức gây làn sóng phản đối trong dư luận các nước từ nhỏ đến lớn khi vẫn những nhận định rất chung như “dân chủ đã có tiến bộ nhưng quá ít ỏi” hay “tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ”.
 
Về tình hình Việt Nam, bản báo cáo này vẫn bám theo lối mòn của tư duy cũ cùng cách nhìn sai lệch như “thành tích nhân quyền ở Việt Nam nghèo nàn”, “các quyền dân sự cơ bản bị kiểm soát”, hay “chính quyền kiểm soát chặt chẽ tự do, đức tin”, những đánh giá phiến diện từng nhiều lần bắt gặp trong các báo cáo thường niên trước đây của Bộ Ngoại giao Mỹ.
 
Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam đã chứng minh hoàn toàn khác. Nhận định “năm 2008, Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tự do lập hội và tự do đức tin” đã cố tình bỏ qua một sự kiện trọng đại diễn ra vào tháng 5/2008, khi hàng trăm đoàn đại biểu của hơn 70 nước, hàng vạn tăng ni, phật tử và những nhà nghiên cứu về Phật giáo trên thế giới đổ về Hà Nội, nơi đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak).
 
Sự có mặt của đông đảo các phái đoàn quốc tế tại Việt Nam trong một lễ hội tôn giáo lớn và uy tín như vậy là sự khẳng định rằng Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là bằng chứng thể hiện sự tin cậy của thế giới ở chính sách tôn giáo của Chính phủ Việt Nam, khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp mà các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội.
 
Trong năm 2008, Việt Nam cũng đã công nhận thêm nhiều tổ chức tôn giáo, và mới đây nhất là Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam và Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam.
 
Tại Việt Nam, nơi 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người. Nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo được thể hiện trên mọi lĩnh vực như quyền bầu cử và ứng cử, trong các quan hệ dân sự. Các chức sắc tôn giáo có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử như mọi công dân nên không thể nói rằng ở Việt Nam “bầu cử không công bằng” hay “tự do tín ngưỡng bị ngăn cản”.
 
Từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược - sự vi phạm lớn nhất quyền con người, hơn ai hết, Việt Nam hiểu rất rõ ý nghĩa của việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Thực tế nhiều năm qua cho thấy Nhà nước Việt Nam luôn làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người, phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển chung của quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.
 
Cần khẳng định lại rằng những gì nêu trong Báo cáo nhân quyền 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ không đúng với thực tế ở Việt Nam cũng như không đại diện cho suy nghĩ và nhận định chung của đông đảo người dân Mỹ.
 
Chính phủ Việt Nam cho rằng việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Vấn đề dân chủ, tôn giáo, quyền con người ở Việt Nam cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan trong bối cảnh lịch sử, tôn trọng các đặc thù kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam.
 
Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cấp thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
 
Mỗi nước, mỗi chế độ xã hội khác nhau có thể có quan điểm không tương đồng về giá trị của quyền con người. Chính vì vậy, Mỹ và Việt Nam cần tiếp tục đối thoại trên tinh thần bình đẳng và khách quan để hiểu nhau hơn và cùng tìm ra những nhận thức chung của quyền con người. Điều này mới thực sự cần thiết khi nhiều cơ hội đang mở ra cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục