Báo cáo phát triển Việt Nam được đánh giá cao

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010 được đánh giá cao vì những phân tích sâu sắc của nó về đổi mới nhà nước và thể chế, cung ứng dịch vụ công.
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010 (VDR) với tiêu đề “Các thể chế hiện đại” do Ngân hàng Thế giới và 8 nhà tài trợ khác thực hiện được đại diện các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, giới nghiên cứu và khu vực tư nhân Việt Nam đánh giá cao.

Tại khu vực phía Nam, đại diện của 9 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương trong khu vực, giới luật sư, nhà quản lý và các chuyên gia nghiên cứu tham dự hội thảo công bố Báo cáo này do Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức ngày 20/1 đã đưa ra nhiều đánh giá và đề nghị bổ sung khác nhau.

Vấn đề thu hồi đất và đền bù, sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và người dân vào quá trình xây dựng chính sách công và pháp luật, các công cụ minh bạch và phòng chống tham nhũng… là những khuyến nghị được rất nhiều ý kiến đề nghị nhóm soạn thảo nhấn mạnh hơn trong báo cáo.

“Báo cáo rất thành công với vai trò của một tư liệu bổ trợ cho các cuộc thảo luận giữa cộng đồng các nhà tài trợ và giới chức có trách nhiệm tại Việt Nam, nhất là chính quyền, các tổ chức dân cử và tổ chức chính trị-xã hội”, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (Khoa Luật, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá.

Ông Nghĩa tán thành với quan điểm của báo cáo về nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quyền lực nhà nước trước xã hội, cách nhìn nhận về quản trị nhà nước, coi nhà nước như một thành tố trong tương tác với người dân, báo chí, xã hội dân sự và các thế lực khác trong xã hội, trong đó cần dùng pháp luật để tổ chức nhà nước mạnh hơn, hiệu quả hơn, chịu trách nhiệm tốt hơn trước nhân dân.

Tuy nhiên, đại diện các tổ chức đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương lại nhấn mạnh nhiều hơn tới vai trò của người dân trong xây dựng luật và chính sách công.

“Một khi nói về sự phát triển chung của Việt Nam, báo cáo này cần có những đánh giá về tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với dân chúng, sự tham gia của họ vào quá trình soạn thảo chính sách”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lương Bạch Vân đề nghị.

Giới nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các yêu cầu và tiêu chuẩn của nhiều loại hình dịch vụ, nhất là các loại dịch vụ có tác động lớn đến quản lý kinh tế vĩ mô như tài chính, ngân hàng, thuế và hải quan… chưa được báo cáo đề cập.

Khá nhiều số liệu trong báo cáo không mang tính thời sự (lấy thời điểm 2006, 2007), trong khi tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào Việt Nam chủ yếu diễn ra trong 2 năm 2008-2009, do vậy, không có những nhận định của các nhà tài trợ về vấn đề này cùng đánh giá về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của nó, hướng khắc phục và gợi mở tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.

Chủ nhiệm nhóm soạn thảo James H. Anderson nhấn mạnh báo cáo này tập trung vào việc phân cấp giao quyền cho các chủ thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trách nhiệm giải trình sau khi giao quyền - hai khía cạnh quan trọng của thể chế hiện đại, đồng thời cũng là hai khía cạnh đổi mới quan trọng nhất của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua.

“Quá trình này diễn ra khá rõ ràng, mức độ phân quyền là tương đối lớn cả về phương diện địa lý và chức năng, mang lại nhiều kết quả tích cực ở Việt Nam. Tuy nhiên, các hệ thống giải trình trách nhiệm mới chậm được xây dựng, trong hệ thống phân cấp và trao quyền ngày càng có nhiều xung đột lợi ích và đòi hỏi của người dân về quản trị nhà nước ngày càng cao”, ông J. Anderson nói về những kết luận của báo cáo./.

Thi Cầm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục