Báo chí đồng hành chống suy giảm kinh tế

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã rất tích cực đồng hành cùng Chính phủ tuyên truyền chống suy giảm kinh tế. Thành công của báo chí đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Đó là khẳng định của Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Ủy viên ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã rất tích cực đồng hành cùng Chính phủ tuyên truyền chống suy giảm kinh tế. Thành công của báo chí đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Đó là khẳng định của Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Uỷ viên ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925–21/6/2009), phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ, xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, trong bối cảnh chống suy giảm kinh tế, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Khủng hoảng kinh tế đang tác động rất mạnh mẽ đến Việt Nam. Vì thế trong thời gian qua, cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân thì báo chí của chúng ta đã có những nỗ lực và đóng góp rất quan trọng.

Thành công đầu tiên của báo chí trong thời gian qua là đã bám sát hai thông báo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 30 của Chính phủ để từ đó đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi người dân và các doanh nghiệp, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội, sự gắn kết cùng nỗ lực vượt qua khó khăn.

Tiếp theo, báo chí đã đi vào các vấn đề quy luật kinh tế của thế giới và Việt Nam, từ đó phân tích các giải pháp mà Chính phủ đang triển khai để làm cho xã hội hiểu rằng các giải pháp này cần thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, bài bản để tạo ra hiệu quả kinh tế-xã hội của đất nước.

Vậy theo ông, khi tuyên truyền về kinh tế giai đoạn hiện nay, báo chí cần lưu ý điều gì?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Khi tuyên truyền về kinh tế, nhất là trong giai đoạn suy giảm kinh tế như hiện nay thì phải tuyên truyền làm sao cho chính xác, khách quan, công bằng, chọn đúng những vấn đề để tuyên truyền, có trọng tâm trọng điểm để đạt hiệu quả cao hơn.

Tính chính xác đòi hỏi sự khách quan rất cao mà không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được điều này do hạn chế về nhận thức hoặc các chi phối khác. Cho nên một số thông tin mà báo chí đưa ra không chính xác, làm cho dư luận băn khoăn, hoang mang.

Từ đó đặt ra yêu cầu là làm sao phải có những trao đổi giữa các doanh nghiệp với các cơ quan báo chí để chúng ta hiểu nhau, qua đó tạo được tiếng nói thống nhất, đồng thuận.

Cũng có một số thông tin đăng tải trên các báo được đánh giá là chưa sâu, thiếu chính xác, gây khó khăn cho công tác điều hành của cơ quan nhà nước, ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Trong công tác quản lý báo chí của chúng tôi thường hay gặp tình trạng báo chí thông tin về ngân hàng, tài chính, chứng khoán nhiều khi không chính xác. Ví dụ như một ngân hàng có một tiêu cực nào đó thì đương nhiên là chúng ta phải xử lý, kể cả xử lý về mặt hình sự nhưng mà nếu thông tin không khéo thì tự nhiên khách hàng đổ xô đến rút tiền, ngừng trệ giao dịch, tạo khó khăn cho ngân hàng, thậm chí có ngân hàng đã đứng bên bờ vực phá sản. Do đó, đối với trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính được coi là rất nhậy cảm và cần phải được cân nhắc kỹ trước khi đăng tải.

Nhưng nhiều khi cơ chế cung cấp thông tin đã làm khó cho phóng viên?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Hiện nay, đã có cơ chế người phát ngôn. Các cơ quan, đơn vị đều có người phát ngôn. Tuy nhiên, không phải lúc nào người phát ngôn cũng có thể hiểu tường tận được vấn đề cho nên đứng trước báo chí người ta rất lo ngại, e dè.

Báo chí nên tập trung tuyên truyền những vấn đề gì thời gian tới thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Trong giai đoạn tới, theo tôi, trước hết là các cơ quan báo chí cần gắn kết với nhau trong thông tin tuyên truyền, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sự tăng trưởng một cách hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là nội dung xuyên suốt của báo chí khi tuyên truyền về kinh tế hiện nay.

Chúng ta phải đảm bảo được thông tin 2 chiều, thậm chí nhiều chiều, có cả phản ứng của xã hội. Cần phải kiểm chứng thông tin. Còn việc triển khai thì tùy theo mỗi cơ quan báo chí có cách triển khai cụ thể hóa hơn, sinh động, đa dạng hơn, từ đó để tạo được hiệu quả thông tin cao hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục