"Báo chí phát triển nhanh về số lượng và chất lượng"

Tại phiên chất vấn của QH, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, báo chí Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp là vị bộ trưởng thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn.

Các câu hỏi tập trung vào 3 nhóm vấn đề về công tác quản lý báo chí, trong đó có kiểm tra, xử lý các cơ quan báo chí vi phạm quy định; kiểm soát và ngăn chặn tác hại của các website, trò chơi trực tuyến có yếu tố không lành mạnh; quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống hạ tầng viễn thông nói chung, việc xây dựng trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS) tại khu đông dân cư nói riêng.

Trạm BTS không ảnh hưởng đối với sức khỏe

Về việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông xây lắp các trạm thu phát sóng điện thoại di động gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện cả nước đã có 42.000 trạm BTS, so với các nước trên thế giới số lượng này là không nhiều.

Trong thời gian tới, các trạm BTS sẽ tiếp tục tăng do các nhà cung cấp triển khai dịch vụ 3G, sắp tới là 4G để đảm bảo chất lượng sóng. Mỗi trạm chỉ phục vụ được từ 250 đến 2.500 số điện thoại thuê bao, vì thế khi số thuê bao trên từng địa bàn tăng thì số lượng các trạm BTS cũng tăng theo.

Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là Cục Quản lý chất lượng thông tin và truyền thông kiểm tra được 25.000 trạm BTS, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn. Bộ đã chỉ đạo khắc phục hết trước khi các trạm đi vào hoạt động.

Bộ quyết tâm trong năm 2010 đẩy nhanh tiến độ kiểm tra tất cả các trạm BTS. “Tất các trạm đã được kiểm tra đều được đảm bảo về chất lượng. Nếu lắp đặt đúng thiết bị tại các nơi Bộ đã kiểm tra thì bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết các tiêu chí trên đều được căn cứ vào công bố của thế giới liên quan đến sản xuất, lắp đặt thiết bị theo chuẩn hóa và tiêu chuẩn về chất lượng của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các quy định của Bộ.

Làm rõ thêm phần trả lời của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Hoàng Văn Phong cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng Bộ tiêu chuẩn quốc gia, trong đó có tiêu chuẩn quốc gia về an toàn bức xạ điện từ phổ sóng vô tuyến.

Bộ cũng đã giao cho các đơn vị chức năng phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu, Học viện kỹ thuật Quân sự, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Quân y tiến hành nghiên cứu về kỹ thuật, thông số thiết bị thu phát liên quan đến sóng điện thoại di động; các ảnh hưởng của sóng điện từ đến sức khỏe con người, động vật và môi trường.

Hiện nay, các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục tiến hành, nhưng cơ bản cho thấy giải tần sóng vô tuyến, công suất các trạm thu phát, công suất điện thoại đang được sử dụng hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể, nghiêm túc để khẳng định sóng do các trạm BTS, hoặc điện thoại cá nhân gây ảnh hưởng xấu, có hại cho sức khỏe con người.

Theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, sở dĩ có sự lo lắng trong cộng đồng là do công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật còn yếu và các nhà đầu tư không công bố rõ tiêu chuẩn kỹ thuật, khiến người dân có cảm giác trạm BTS trên địa bàn hơi nhiều, dẫn đến bức xúc trong dư luận.

Xung quanh vấn đề chống cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, nếu có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thị trường viễn thông thì dẫn đến lãng phí và cạnh tranh không lành mạnh, nhưng nếu ít thì sẽ dẫn đến độc quyền.

Các nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường có 3-4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Hiện nay, có khoảng 7-8 doanh nghiệp kinh doanh viễn thông đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, nhưng chắc chắn cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh, điều tiết số lượng các doanh nghiệp cho phù hợp.

Trước kia Bộ chỉ kiểm soát giá cước viễn thông theo hướng khuyến khích giá rẻ để làm lợi cho người sử dụng, nhưng gần đây xuất hiện hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, mang tính thủ đoạn kinh doanh nên sắp tới Bộ sẽ nghiên cứu kiểm soát giá sàn dịch vụ để đảm bảo sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường viễn thông trong nước.

Không còn hình ảnh Hà Nội nhằng nhịt "rác trời"

Về hình ảnh một Hà Nội “nhằng nhịt” rác trời, trong khi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang cận kề, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc ngầm hóa các thiết bị viễn thông. Vì vậy, khi xây dựng Luật Đô thị, Bộ đã đề nghị có một điều quy định khi quy hoạch đô thị phải ngầm hóa các công trình kỹ thuật.

Nhờ đó, một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế và một số đô thị mới như Bắc Ninh, Hà Nam… đã triển khai nhiều hoạt động ngầm hóa các mạng cáp, tuy nhiên nhìn chung kết quả chưa theo kịp tốc độ phát triển, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở Hà Nội, để chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã chủ động có các đề án với mức đầu tư lớn để xây dựng các hệ thống thoát nước và ngầm hóa các tuyến cáp.

Các dự án tại Hà Nội được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2007-2010, giai đoạn 2 từ năm 2010-2015. Hiện nay Hà Nội đã làm được 11 tuyến đường, đặc biệt đã hoàn thành 5 tuyến đường xung quanh Hồ Hoàn Kiếm; giai đoạn 2 tiếp tục làm 23 đường nữa với quyết tâm xong trước 30/6/2010 để phục vụ Lễ kỷ niệm 1.000 năm.

Đối với các đô thị cũ cải tạo và làm dần theo hướng cuốn chiếu, tất cả các doanh nghiệp của Bộ được động viên cùng vào cuộc với Hà Nội. Hà Nội cũng có chủ trương cắt đường theo quy hoạch để các đơn vị đào đường ngầm hóa. Tuy nhiên, do chi phí lớn nên các bước đi phải thích hợp.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng thông tin, trên thực tế có tới 35% số dây đang đan chéo trên đường là không có chủ và không còn sử dụng nữa, do rất nhiều đơn vị không chịu thu gom vì tốn kém hơn kéo thiết bị mới. Bộ cũng đang chỉ đạo để khắc phục triệt để vấn đề này.

Quản lý cung cấp dịch vụ internet

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm và phương hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý internet, ngăn chặn hậu quả xấu từ game online, web có nội dung không lành mạnh, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết đây là vấn đề lớn Bộ luôn quan tâm. Đích thân bộ trưởng đã bàn thảo với các chuyên gia kỹ thuật của ngành, tìm hiểu cách quản lý của quốc tế...

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã ban hành đầy đủ các công cụ quản lý, các văn bản hướng dẫn; tăng cường công tác quản lý hành chính, tăng cường công tác giáo dục để nâng cao trách nhiệm cá nhân, gia đình và toàn xã hội...

Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng, để công tác quản lý có hiệu quả, vai trò của chính quyền cơ sở cùng vào cuộc với bộ là rất quan trọng và đề nghị quan tâm đầu tư hơn nữa cho cấp cơ sở bởi đây là cấp có 3 nhất, đó là việc nhiều nhất, lương thấp nhất, đào tạo ít nhất.

Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường hoạt động quản lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet, các nhà cung cấp game online.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hoạt động sản xuất các loại game online có nội dung lành mạnh, có ý nghĩa giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.

Tăng mức xử phạt hành chính vi phạm trong quảng cáo

Về tình trạng "quảng cáo rác" có ở mọi nơi mà chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, Bộ thống nhất quản lý nhà nước chung về quảng cáo.

Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý quảng cáo trên các ấn phẩm báo chí, in ấn, internet. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo tới các địa phương, chỉ đạo các địa phương tiến hành các đợt kiểm tra, giải quyết xử lý các vi phạm liên quan đến quảng cáo.

Hoạt động quảng cáo ngoài trời cần được lập lại trật tự, mọi quảng cáo sau khi thẩm định phát hiện thấy không đúng về nội dung, kích cỡ thì không cấp giấy phép. Việc quảng cáo bằng cách dán tờ rơi, in quảng cáo trên tường thì giải quyết bằng cách đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cắt các số điện thoại này và sử dụng các chương trình xã hội tự nguyện để làm sạch.

Bộ trưởng thừa nhận, hiện nay hoạt động quảng cáo đang sử dụng tiếng Anh nhiều hơn, to hơn tiếng Việt, gây quan ngại trong dự luận về ý thức bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ tăng thêm mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, để đảm bảo hoạt động quảng cáo ngày càng đi vào khuôn khổ.

Không can thiệp vào kiểm duyệt các ấn phẩm báo chí, xuất bản

Liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm duyệt các ấn phẩm xuất bản, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông không can thiệp vào công tác kiểm duyệt các ấn phẩm xuất bản. Trách nhiệm này thuộc về Tổng biên tập các đơn vị báo chí, nhà xuất bản.

Về việc xử lý các hành vi thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, trong thời gian qua, báo chí Việt Nam phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng, cũng như tính chuyên nghiệp của các nhà báo.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Bộ đã và đang đẩy mạnh hoạt động quản lý báo chí để đảm bảo tính trung thực của thông tin, đảm bảo yêu cầu văn hóa truyền thống dân tộc.

Trong hai năm 2008-2009, Bộ đã kiểm tra, xử lý 96 trường hợp vi phạm ở hoạt động lĩnh vực báo chí, truyền thông, trong đó có 40 trường hợp do cung cấp thông tin sai sự thật; thu hồi 19 thẻ nhà báo.

Bộ trưởng cho biết, nguồn nhân lực làm công tác xử lý vi phạm còn rất thiếu với 35 người quản lý hơn 700 cơ quan báo chí, vì thế chỉ có thể đảm bảo xử lý các trường hợp sai phạm đơn giản, còn các trường hợp phức tạp, nghiêm trọng thì Bộ có trách nhiệm cung cấp hồ sơ cho các cơ quan tư pháp tiến hành giải quyết theo luật định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục