Phê phán hay tiếp tay?

Báo chí phê phán hay tiếp tay cho việc "lộ hàng"?

Dường như ngày càng nhiều vụ để lộ cơ thể, lộ nội y bị đưa lên báo. Sự kiện là có thật, nhưng vấn đề là những tấm hình kèm theo.
Dường như ngày càng có nhiều vụ các nghệ sĩ, người mẫu bị đưa lên mạng, trên mặt báo trong các vụ để lộ cơ thể, lộ nội y, phô bày những phần cần che kín.

Sự kiện là có thật, nhưng vấn đề ở đây là những tấm hình đăng tải kèm theo. Có một số hình ảnh được làm mờ khi phần cơ thể lộ ra quá nhạy cảm, nhưng nhiều trường hợp khác thì "thật 100%."

Có thể kể từ vụ diễn viên D.M, ca sĩ Đ.T, người mẫu nhí 12 tuổi, cho đến vụ mới nhất của người đẹp Top 10 hoa hậu thế giới N.T mà bức ảnh "diện váy ngắn lộ hàng" không thể lộ hơn… Vietnam+ đã gặp các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, luật gia để tìm hiểu nhận định của họ về vấn đề rất “hot” này.

"Ai cũng có những lúc sơ ý"


PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu ý kiến về việc này: “Tôi nghĩ chuyện đưa những hình ảnh lúc sơ suất về trang phục của bất cứ ai lên mặt báo cũng là vi phạm luật pháp. Đưa hình ảnh cá nhân của người ta lên mà không được sự đồng ý là trái pháp luật. Đã là hình ảnh do sơ ý thì không ai muốn đưa ra cho 'bàn dân thiên hạ' cùng thấy.

"Ai cũng có những lúc sơ ý. Ai cũng có khi do bận bịu hay do sự cố mà để lộ phần không muốn và càng không muốn để những người khác thấy. Việc này càng dễ gặp với các bạn gái trẻ. Do các em ở tuổi còn vô tư, thiếu sự cẩn trọng. Về mặt giáo dục ý thức thì tôi nghĩ cũng rất nên có cảnh báo.

"Theo tôi, các tờ báo thật sự nghiêm túc sẽ không đưa các hình ảnh được gọi là 'lộ hàng' đó lên mặt báo của mình. Bởi cùng với việc kích thích được sự tò mò của một bộ phận công chúng nào đó thì tờ báo cũng đang tự đẩy mình vào nhóm mà công chúng gọi là 'báo lá cải.'

"Đối với các hình ảnh đưa lên báo nếu không chủ đích nhằm kích thích tò mò và lôi kéo người đọc thì lẽ ra cơ quan báo cần có xử lý kỹ thuật làm mờ hoặc che đi phần bị phô bày trái ý muốn của chủ thể.

"Tôi cũng được biết rằng không loại trừ một số bạn trẻ muốn nổi tiếng bằng mọi cách, họ tạo ra scandal để gây ấn tượng về tên của mình. Nếu họ là nghệ sĩ trẻ thì họ rất cần được nhắc nhở bởi cơ quan quản lý, hoặc bởi những khán giả chân tình. Còn với những nghệ sĩ đã ít nhiều nổi tiếng thì cần tránh xa kiểu thu hút rất thấp kém này. Nếu đã có chỗ đứng mà sa đà vào trò 'lộ hàng' thì chắc chắn chỗ đứng đó sẽ lung lay.

"Thực tế, còn có các những em nhỏ mới hơn 10 tuổi, hoặc những trường hợp hoàn toàn do sơ suất thì càng không nên đưa lên những hình ảnh phản cảm. Vì vậy, báo nào lôi kéo kiểu này dần sẽ mất các độc giả nghiêm túc và ngay cả người đọc có thị hiếu tầm thường cũng thấy chán.”
                                        
Cũng có thể là “chân dài dệt thi phi”

Với tư cách là một nhà quản lý biểu diễn, ông Chu Thơm - Phó trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có những trao đổi rất cởi mở:

“Tôi thấy chuyện các nghệ sĩ khi biểu diễn mà bị sự cố rơi, tuột… trang phục cũng thường gặp. Thay vì các phóng viên có mặt chụp ảnh tung lên báo thì đề nghị các bạn nên tế nhị, thông cảm với kiểu ‘tai nạn’ này của nghệ sĩ biểu diễn hơn.

"Chúng tôi có quy định về việc nghệ sĩ xuất hiện trước công chúng cần có trang phục đẹp, gợi cảm nhưng không trái với thuần phong mỹ tục. Và còn áp dụng quy định cụ thể như với nghệ sĩ biểu diễn xiếc, múa có thể mặc loại trang phục mà ca sĩ thì không nên. Hay nghệ sĩ tuồng, cải lương thì thường khá kín đáo, quần chùng áo dài.

"Trong các cuộc thi Hoa hậu có màn thi trang phục áo tắm song đến khi xuất hiện ở bất cứ phần nào khác thì người đẹp lại cần có chọn lựa phù hợp. Nếu cô nào lại mặc như khi thi danh hiệu ‘người đẹp biển’ thì thế nào dư luận cũng lên tiếng.

"Song ai cũng biết một kinh nghiệm chung là nghệ sĩ đừng mặc những thứ đồ siêu ngắn, siêu mỏng, siêu… gợi cảm thì sẽ an toàn hơn, vì những cách ăn mặc tự nó đã ẩn chứa những rủi ro thì nên tránh trước. Khi biểu diễn, nghệ sĩ hơi ‘bốc’ một chút là thành có chuyện rồi.

"Tôi nghĩ các tờ báo cũng không nên đưa việc ‘lộ hàng’ như một chiêu hấp dẫn bạn đọc. Làm thế thì khác nào tiếp tay cho giới trẻ học theo những hớ hênh, vô ý thức. Mặt khác, tạo ra một thái độ phi nghệ thuật, thiếu văn minh khi mong chờ sự xuất hiện của nghệ sĩ. Thật chán nếu đi xem biểu diễn chỉ rình xem nghệ sĩ ‘lộ hàng,’ mở trang báo chỉ tò mò muốn biết có người nổi tiếng nào mới sơ suất.

"Cũng cần phân biệt tai nạn và cố tình. Ngay cả khi sản xuất mà bị tai nạn thì cũng có lỗi một phần ở người đó. Tôi không phủ nhận hiện nay có nhiều chương trình, nhiều người biểu diễn mang nặng tính thị trường. Có những người đàn bà đẹp hát mà thôi. Cũng có thể là ‘Chân dài dệt thi phi,’ không có thực tài nên ‘mượn thi phi’ để công chúng nhớ đến mình. Họ cần biết rằng có những nghệ sĩ ăn mặc rất giản dị mà khán giả không thể quên.

"Việc được gọi là ‘lộ hàng’ này ngay ở nước ngoài còn phản cảm nữa là ở một đất nước truyền thống văn hóa còn nét Nho giáo như ở ta. Các nhà tổ chức biểu diễn cần lưu ý, trước khi ra sân khấu cần kiểm tra trang phục của diễn viên. Phát hiện sớm nguy cơ, nếu sau đó người biểu diễn cố tình thì có thể xử lý. Nói vui nhưng cũng không sai khi liên hệ, ngày trước bộ đội ta hành quân, người chỉ huy cho đeo quân trang, quân dụng chạy thử 100m xem có rơi không.”
               
“Tăng người đọc kiểu đó sẽ tụt vị trí văn hóa”

Khi được hỏi, Luật gia Nguyễn Minh Phượng - Hội Luật gia Việt Nam khẳng định: “Cần phân biệt cố tình hay vô ý. Có một ranh giới cần làm rõ trong nhận thức của một số người cầm bút về mục đích cảnh báo cho nghệ sĩ về giới hạn của sự gợi cảm và phản cảm chứ không thể là cổ vũ, tiếp tay cho những kẻ ‘cố tình gây sốc’.

"Xâm phạm đời tư của người khác trong đó có tự ý đưa hình ảnh cá nhân mà không được người đó đồng ý là vi phạm pháp luật. Có một số tờ báo chọn tăng số lượng người đọc kiểu đó thì thực chất là đang làm tụt vị trí văn hóa của chính người viết và của cả người đọc”./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục