Báo chí truyền thống trở nên lỗi thời trước kỷ nguyên số

Báo chí truyền thống đang trở nên lỗi thời trước kỷ nguyên số

“Trong xu hướng truyền thông xã hội, người đọc thông tin cũng chính là người tạo ra thông tin. Sản xuất thông tin cho xã hội không còn là chức năng chủ yếu của các tòa soạn."
Báo chí truyền thống đang trở nên lỗi thời trước kỷ nguyên số ảnh 1Các diễn giả trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

“Trong xu hướng truyền thông xã hội, người đọc thông tin cũng chính là người tạo ra thông tin. Sản xuất thông tin cho xã hội không còn là chức năng chủ yếu của các tòa soạn mà thông tin được tạo ra bởi bất kỳ ai đang có kết nối internet.”  

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư (VIR) là một nhà quản lý kỳ cựu trong ngành báo chí, đã không khỏi sốt ruột khi đánh giá về các cách thức truyền tải thông tin cũng như các xu hướng làm báo hiện đại, tại Hội thảo  “Đăng tải thông tin kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số” do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam cùng Hãng tin Reuters phối hợp tổ chức, ngày 6/11.

Ông Tuấn nhấn mạnh, công nghệ số cùng với internet đã khiến các phương thức đưa tin truyền thống trở nên lỗi thời. Hậu quả của quá trình này là nhiều tờ báo in với tuổi đời cả trăm năm đã phải đóng cửa hoặc thay đổi mô thức hoạt động như tờ New York Times hay Tạp chí Newsweek. Hơn thế nữa, sự thay đổi phương thức tiếp cận thông tin của bạn đọc, không chỉ ảnh hưởng tới các quốc gia có nền tảng công nghệ thông tin phát triển cao ​mà còn cả ở Việt Nam ​và tạo ra những thách thức rất lớn với bất kỳ tòa soạn báo nào.

​Những thách thức trên đòi hỏi người làm báo nói chung cũng như các nhà báo trong lĩnh vực kinh tế nói riêng cần phải có những phương thức tác nghiệp mới để có đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao từ phía độc giả.

Ông Martin Petty, Phân xã trưởng của Hãng tin Reuters tại Việt Nam chia sẻ, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều thách thức khác nhau. Thêm vào đó, Việt Nam hiện tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để viết tin, bài đầy đủ, không bị sai lạc sự thực ​đồng thời phải đảm bảo tính kịp thời của bài viết. Bởi điểm mấu chốt, các nhà đầu tư luôn mong muốn thông tin của họ đi đến công chúng phải rất nhanh chóng song phải đảm bảo tính chính xác, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng.

“Nếu phóng viên đưa ra thông tin sai lệnh, rõ ràng sẽ gây phiền hà cho rất nhiều nhà đầu tư, cho thị trường và xã hội. Tôi nghĩ rằng, đây không phải chỉ là trách nhiệm riêng của phóng viên, mà cả những nhà hoạch định chính sách, giám đốc điều hành doanh nghiệp… phải có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất để phóng viên có thể đưa thông tin với bạn đọc nhanh chóng,” ông Martin Petty đưa ra ý kiến của mình.

Một đề tài khác được các diễn giả đặc biệt quan tâm, đó là làm thế nào để đưa thông tin kinh tế đến với giới trẻ.

Ông Trình Bá Dương, Giám đốc Kênh Lifetivi chỉ ra, hiện phần đông các bạn trẻ, những người khởi nghiệp chưa thỏa mãn với những kinh tế từ báo chí chính thống. Theo ông Dương, hiện nay báo chí trong nước chưa sản xuất được nhiều tin bài mang tính quốc tế và chủ yếu vẫn là bài dịch. Bên cạnh đó, tin kinh tế trong nước được khai thác khá thụ động, nguồn tin thường được cung cấp thay vì phóng viên tự tiếp cận, tìm hiểu và khai thác một cách độc lập.

Về cách truyền tải thông tin kinh tế, các đại biểu nhìn chung cho rằng, bên cạnh yêu cầu nhanh chóng thì mỗi bài viết ​giờ đây cần phải ngắn gọn, cô đọng… và được thể hiện theo nhiều định dạng khác nhau.

“Thêm vào đó, nhà báo cần cả kỹ năng viết và sử dụng các công cụ công nghệ để đến đúng độc giả, phạm vi tiếp cận và lôi cuốn người đọc,” ông Dương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục