Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa ở khu vực Nam Bộ

Giai đoạn 2005-2014, trên địa bàn miền Tây Nam Bộ đã xảy ra 1.150 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết và mất tích 644 người.
Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa ở khu vực Nam Bộ ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Hào/TTXVN)

Ngày 15/12, tại Tiền Giang, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa” ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, lực lượng cảnh sát đường thủy, Ban an toàn giao thông các tỉnh đã tham dự hội thảo.

16 tham luận tại hội thảo đã tập trung vào các nội dung như đánh giá tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; thực trạng an toàn giao thông tại bến khách ngang sông; xây dựng hệ thống thông tin đường sông Việt Nam góp phần làm giảm tai nạn giao thông; việc triển khai phong trào văn hóa giao thông bình yên sông nước; những bất cập trong quy định về quy tắc giao thông, tín hiệu phương tiện và kinh nghiệm tham gia giao thông trong mùa mưa lũ...

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ cần đánh giá đúng tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa để từ đó có những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân ở các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy trong khu vực còn diễn biến phức tạp và nhiều bất cập, như tình trạng lấn chiếm luồng chạy tàu thuyền và hành lang bảo vệ luồng giao thông, gây cản trở hoạt động giao thông vận tải; bến thủy nội địa hoạt động không phép, không đủ điều kiện an toàn để hoạt động còn chiếm tỷ lệ cao; phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn...

Ngoài ra, tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong khu vực các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ luôn ở mức cao. Giai đoạn 2005-2014, trên địa bàn các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ đã xảy ra 1.150 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết và mất tích 644 người.

Theo Ban tổ chức hội thảo, trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 39 người, bị thương 8 người và thiệt hại tài sản ước tính hơn 20,8 tỷ đồng.

Để lập lại trật tự, an toàn giao thông đường thủy, thời gian tới, các địa phương tập trung thực hiện đồng Bộ các giải pháp như rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường thủy nội địa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, nâng cao ý thực tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục