Báo điện tử VietnamPlus thành lập ngày 13 tháng 11 năm 2008 với nơi tọa lạc ban đầu là những căn phòng cơi nới ở hành lang trên tầng áp mái của tòa nhà 79 Lý Thường Kiệt – 1 trong những trụ sở của  Thông tấn xã Việt Nam.

Từ “cái tổ nho nhỏ nơi heo hút cheo leo” như những người sáng lập và lứa biên tập viên, phóng viên đầu tiên thường “âu yếm” gọi đó, đội ngũ sáng tạo của báo đã miệt mài cống hiến để rồi tờ báo điện tử dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ báo chí nước nhà và được vinh danh tại nhiều giải thưởng truyền thông quốc tế.

Không chỉ nỗ lực làm tốt vai trò chuyên môn của tờ báo đối ngoại quốc gia, Báo điện tử VietnamPlus còn tâm huyết với các dự án thiện nguyện, thể hiện trách nhiệm xã hội cao của một cơ quan báo chí chính thống.

Hàng năm, lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên Báo VietnamPlus đều tổ chức các hoạt động về nguồn kết hợp từ thiện đến những vùng sâu, vùng xa. Mỗi chuyến đi đều đọng lại thật nhiều cảm xúc, để rồi khi trở về, toàn báo lại thêm kiên tâm, vững chí, tiếp tục sáng tạo trên con đường riêng của mình.

Duyên nợ với địa đầu Hà Giang

Hà Giang chính là điểm đến xa nhất đầu tiên của VietnamPlus để rồi nơi đây đã trở thành điểm đến duyên nợ của báo trong những lần thiện nguyện, mà lần nào cũng vô cùng vất vả.

Phóng viên Nguyễn Mai Anh vẫn nhớ như in về chuyến đi cực nhọc mà đầy ấn tượng cùng với báo đến xã Sơn Vỹ, nơi xa xôi và khó khăn nhất của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, năm 2012 để trao quà cho các em học sinh nghèo. “Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được những kỷ niệm ở Sơn Vỹ, đó là chuyến đi vất vả nhất và cũng ý nghĩa nhất trong đời,” Mai Anh chia sẻ.

Xã có 17,75 km đường biên giới, giáp hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Địa hình dốc, rặt núi đá nên mùa đông cũng là mùa khô, người dân vừa đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt vừa phải chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt.

Rất nhiều đoạn dốc không thể đi xe máy, các biên tập viên, phóng viên VietnamPlus thành người hỗ trợ kéo, đẩy xe cùng vượt khó để lên bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus lúc đó, nhà báo Nguyễn Đỗ Cường cùng 6 phóng viên lên đường vào lúc chớm đông để kịp trao cho các em học sinh dân tộc thiểu số ở điểm trường xã những món quà thiết thực gồm: 140 suất học bổng; 2,2 tấn gạo; 200 chăn ấm; 255 chiếu Nga Sơn; 510 bát ăn inox; 510 thìa ăn cơm; 100 chiếc nồi cùng rất nhiều yêu thương…

“Năm 2012 đường vào các xã biên giới chưa được như bây giờ. Từ trung tâm thành phố Hà Giang lên đến bản làng Sơn Vỹ, chúng tôi trải qua những cung đường quanh co, khúc khuỷu như đi tới nơi cùng trời cuối đất. Đường nhỏ và hẹp, một bên là núi đá dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Chiếc xe ô tô 7 chỗ cứ bám vách núi mà đi, 7 người ngồi trên xe cũng nín thở mỗi khi qua một đoạn cua tay áo hay leo lên con dốc cao tưởng chừng muốn lật cả xe,” phóng viên Mai Anh nhớ lại.

Những địa danh như dốc Chín Thang (trước đây người dân bắc 9 cành cây thành thang để leo dốc), dốc Thẩm Mã (đo sức ngựa), dốc Há Mồm… nghe đã có thể hình dung được địa hình hiểm trở của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Từ trung tâm huyện Mèo Vạc lên xã Sơn Vỹ chỉ vài chục cây số mà đoàn phóng viên phải di chuyển bằng ô tô, xe máy và cả đi bộ. Tiết trời lúc ấy lạnh se sắt mà ai nấy ướt đẫm mồ hôi vì mệt, đói và say xe.

“Vài ngày sau chúng tôi vẫn còn thấy đầu óc váng vất, người đau ê ẩm. Đó là một chuyến đi khiến cả đoàn kiệt sức. Song chính vì vậy mà chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả của các em học sinh, các thầy cô giáo, các chiến sỹ và người dân ở nơi biên giới xa xôi,” Mai Anh chia sẻ.

Tiếng trẻ nhỏ đồng thanh đánh vần trong lớp học vách nứa đơn sơ khiến những phóng viên VietnamPlus cứ mãi vấn vương

Tiếng trẻ nhỏ đồng thanh đánh vần trong lớp học vách nứa đơn sơ khiến những phóng viên VietnamPlus cứ mãi vấn vương. Họ những mong có thể ở lại lâu hơn, trò chuyện nhiều hơn cùng các em nhỏ thơ ngây, có thể mang thêm nhiều quà hơn nữa bởi càng tìm hiểu thì càng thấy người dân nơi đây thiếu thốn biết chừng nào.

Năm 2017, Báo Điện tử VietnamPlus lại cùng với Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam và các Mạnh Thường Quân trở lại với Hà Giang trong Chương trình “Thêm hơi ấm đến Hà Giang.”

Trong hành trình thiện nguyện này, đoàn đã trao tặng 50 triệu đồng tiền mặt, cùng với các nhu yếu phẩm thiết thực, bao gồm 60 chiếc chăn, hơn 300 áo khoác-áo ấm Đông Xuân, 300 cuốn vở, máy tính, và gần 100 chiếc ghế cho Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tả Ván, huyện Quản Bạ.

Tả Ván là một xã vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, có địa hình phức tạp, kinh tế chậm phát triển, đường giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. Đây là những thách thức lớn trong công tác giáo dục của địa phương.

Đến nơi, cả đoàn xúc động và càng thấu hiểu hơn những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh. Mặc cho cái rét như ngấm vào da thịt, nhiều em học sinh vẫn khoác trên mình manh áo mỏng, với đôi chân trần tím tái. Khó khăn chất chồng nhưng các em vẫn cố gắng đến trường. Liên tiếp trong hai năm gần đây, 2020 và 2021, Hà Giang lại là nơi mà Báo Điện tử VietnamPlus chọn để trao tặng bồn trữ nước cho người dân Phố Cáo ở bản Lủng Sính (năm 2020) và Tráng Phúng A (năm 2021)

Ở hành trình vào cuối tháng 10 vừa qua, bên cạnh nối tiếp chương trình “Chung tay giải cơn khát cao nguyên đá,” Báo Điện tử VietnamPlus còn có những phần quà thiết thực tặng sách vở, bút, chăn ấm cho các cháu học sinh ở trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở xã Phố Cáo.

VietnamPlus trao tặng 100 bình inox trữ nước cho bà con xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trên tinh thần “quan tâm đến những vùng khó khăn thật sự, những thôn bản ‘nhiều không’: không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch…” những món quà của Báo Điện tử VietnamPlus đến với bà con Phố Cáo được đánh giá là đã “bắt” trúng cái khó của bà con vùng cao, hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho họ.

Ông Giàng Mí Say, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phố Cáo, cảm kích: “Nhiều hộ gia đình cư trú trên núi cao phải đi bộ từ 4-5km để đèo từng can nước về sử dụng hoặc cả xóm dùng chung một bể chứa nước mưa rất mất vệ sinh vì vậy, với bà con chiếc bồn chứa nước là một “gia tài’ quý giá mà họ vẫn thường ao ước nay đã được Báo điện tử VietnamPlus hiện thực.

Cũng trong chuyến đi lách qua một khe cửa hẹp nhưng an toàn để đến với người dân giữa lúc dịch bệnh tại Hà Nội và Hà Giang còn diễn biến khó lường này, Báo Điện tử VietnamPlus đã trao tặng 100 phần quà gồm những thực phẩm thiết yếu cho các khu cách ly của xã Phố Cáo.

Đồng thời, hỗ trợ cho điểm chốt bản Khó Trư của Đồn Biên phòng Phó Bảng nơi giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày như: bình nước, tủ lạnh, chăn ấm, chạn bát, đèn pin… góp phần làm vơi bớt những khó khăn, thiếu thốn để lực lượng dân quân tuyến đầu chống dịch ở thôn Khó Trư yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới địa đầu Tổ quốc.

Những chuyến thiện nguyện trên hành trình về nguồn

Trong hành trình 13 năm nỗ lực cho dòng tin không ngừng chảy, tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên VietnamPlus luôn chú tâm tới những hoạt động về nguồn tại những điểm di tích vô cùng ý nghĩa như nơi thành lập Thông tấn xã Việt Nam, nơi tác nghiệp của Thông tấn xã tại An toàn khu (Tân Trào, Tuyên Quang); Đài thu phát T6-Khu di tích cách mạng thời Kháng chiến chống Pháp, nơi sơ tán của Thông tấn xã Việt Nam thời chống chiến tranh phá hoại (Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Nội); quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An; nhà tưởng niệm nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến-người anh cả của Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Tĩnh; nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Báo Điện tử VietnamPlus trao những phần quà hết sức ý nghĩa dành cho những cán bộ đã gìn giữ khu di tích lịch sử T6. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong những chuyến đi khơi lên lòng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, của Thông tấn xã Việt Nam, Báo điện tử VietnamPlus thường kết hợp thực hiện các hoạt động thiện nguyện.

Một trong những chuyến đi “bão táp” đó chính là chuyến thiện nguyện vào miền Trung sau cơn bão số 10 và 11 năm 2013 và viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nơi an nghỉ của ông tại Vũng Chùa Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang 7km về phía nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Đoàn công tác của báo VietnamPlus do nhà báo-nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, Phó Tổng biên tập, dẫn đầu đã đến vùng tâm lũ xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) và xã Thượng Hóa, (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) để hỗ trợ những gia đình vừa lâm vào cảnh trắng tay do bão lũ.

Bà Đoàn Ngọc Thu còn nhớ như in những cung đường ngổn ngang gạch đá do mưa lũ gây sạt lở dẫn vào bản Rục (Quảng Bình). Khi đoàn đến, nước lũ đã rút nhưng đường còn lầy lội khiến các phóng viên Báo điện tử VietnamPlus phải đẩy xe mới vượt qua được.

“Chúng tôi đã vượt chặng đường 1.500km trong 3 ngày để đến với bà con vùng rốn lũ. Nhiều đoạn đường xóc nảy đom đóm mắt, đôi ba mái nhà xiêu vẹo xơ xác, những vạt cây ngả nghiêng sau bão… Chúng tôi đã đi không biết mệt để đến với đồng bào Rục, giúp họ vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất,” nhà báo Đoàn Ngọc Thu chia sẻ.

“Nhưng quan trọng hơn, đó là Báo Điện tử VietnamPlus đã trở thành một địa chỉ uy tín, tin cậy để kết nối những tấm lòng của đồng bào Việt Nam xa xứ về quê hương. Chuyến thiện nguyện của chúng tôi đã được Hội Người Việt ở Stockholm (Thụy Điển) trao gửi một số tiền lớn để trao tặng đến tận tay những bà con bị ảnh hưởng của bão lũ. Những phần quà đó là 105 triệu đồng tiền mặt; 1,25 tấn gạo; 418kg đường; 418kg muối; 200 cuốn vở; 100 chiếc bút cùng áo quần và thuốc men cho 209 hộ dân.

“Chúng tôi đã vượt chặng đường 1.500km trong 3 ngày để đến với bà con vùng rốn lũ. Nhiều đoạn đường xóc nảy đom đóm mắt, đôi ba mái nhà xiêu vẹo xơ xác, những vạt cây ngả nghiêng sau bão.”

Nhà báo Đoàn Ngọc Thu

Có thể, những món quà mà Báo đem đến cho đồng báo vùng khó chỉ như ‘muối bỏ bể’ song triệu triệu hạt muối sẽ góp thành vị mặn đại dương. Thêm nữa, sự hỗ trợ về vật chất và động viên về tinh thần có thể là một ‘liều thuốc’ cho tâm hồn, giúp họ có thêm động lực để chống chọi với cái đói, cái nghèo, sự thiệt thòi do thiên nhiên tàn phá để thêm động lực vươn lên trong cuộc sống,” bà Đoàn Ngọc Thu chia sẻ.

Năm 2015, kết hợp cùng Đoàn thanh niên Ban Biên tập tin Kinh tế và Ban Biên tập Ảnh, Báo điện tử VietnamPlus đã tặng quà cho 20 gia đình chính sách gặp khó khăn trên địa bàn xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây được gọi là cơ sở T6, mật danh của Việt Nam Thông tấn xã trong những năm kháng chiến chống Pháp​.

Năm 2020, trong chuyến dâng hương tại nhà tưởng niệm nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến, Báo điện tử VietnamPlus đã trao 40 suất quà cho các gia đình khó khăn có con em là học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó ở xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Tập thể ban lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo điện tử VietnamPlus chụp ảnh lưu niệm trước Nhà tưởng niệm nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Những chuyến về nguồn và hoạt động thiện nguyện đã được nhà báo Lê Quốc Minh, Nguyên Tổng biên tập, người sáng lập Báo VietnamPlus, khởi xướng từ những ngày đầu thành lập báo.

“VietnamPlus sẽ tiếp nối truyền thống ‘lá lành đùm lá rách’ nhiều năm nay của Thông tấn xã Việt Nam và luôn ý thức rất rõ về trách nhiệm xã hội của mình,” ông nói.

Một trong những chuyến đi để lại ấn tượng đối với nhà báo Lê Quốc Minh là chuyến đi đến “xã mồ côi” Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) để tặng áo ấm cho các em học sinh trong những ngày đầu năm 2016.

Gọi là “xã mồ côi” bởi Lượng Minh là điểm nóng của tệ nạn ma túy. Cái chết trắng đã khiến nhiều em học sinh trở nên không cha, không mẹ. Trên hành trình tìm “con chữ,” nhiều em đã phải bỏ dở giữa chừng bởi cái nghèo khó đeo đẳng, theo bám các em từ khi mới lọt lòng.

Trường Trung học Cơ sở Lượng Minh gồm 298 học sinh, chủ yếu từ hai dân tộc Thái và Khơ Mú. Số học sinh thuộc hộ nghèo chiếm tỷ lệ tới 90%. Trong số 10 bản của xã Lượng Minh, học sinh bản Cà Mong, Xốp Cháo thường phải qua xuồng men theo sông Lam để tới nơi học. Với học sinh các bản còn lại, phải đi qua khe suối giữa cái lạnh buốt giá của mùa đông nơi rừng núi ngút ngàn. Thậm chí, có những em phải vượt qua quãng đường xuyên rừng tới 3km để tới trường.

“Khi trao những chiếc áo ấm, chúng tôi mong rằng các em học sinh Lượng Minh ấm áp hơn trong những ngày đông giá rét. Qua món quà nhỏ, chúng tôi gửi gắm tình cảm, sự sẻ chia để các em có thêm động lực tới trường, tích lũy kiến thức, đưa xã nghèo vượt khó,” ông Lê Quốc Minh xúc động nhớ lại.

Sau mỗi chuyến đi như vậy, người VietnamPlus đều thấy trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trách nhiệm hơn với những số phận còn bất hạnh trong xã hội, có thêm động lực để hoàn thành tốt vai trò của mình ở tòa soạn và mỗi năm lại cố gắng lên đường đến với đồng bào khó khăn…

 “Giá trị đọng lại sau những chuyến đi là sự trao gửi, gắn kết, sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu, khơi dậy sự đùm bọc, yêu thương. Công tác thiện nguyện là một cách để phát huy truyền thống nhân ái, nhân văn của mỗi cá nhân trong tòa soạn , đồng thời đây cũng là một động lực thúc đẩy ngọn lửa đam mê dấn thân, cống hiến cho nghề, cháy hết mình cho tòa soạn,” Tổng biên tập VietnamPlus Trần Tiến Duẩn khẳng định.

“Công tác thiện nguyện là một cách để phát huy truyền thống nhân ái, nhân văn của mỗi cá nhân trong tòa soạn, đồng thời đây cũng là một động lực thúc đẩy ngọn lửa đam mê dấn thân, cống hiến cho nghề, cháy hết mình cho tòa soạn.”

Tổng biên tập VietnamPlus Trần Tiến Duẩn

Cảm xúc tự hào sau mỗi chuyến về nguồn, những trải nghiệm thực tế sau những lần trèo đèo, lội suối làm thiện nguyện đều rất giá trị đối với mỗi phóng viên. Không chỉ hun đúc lòng nhân ái và đạo đức nghề nghiệp, đội ngũ VietnamPlus còn có thêm chất liệu, đề tài, những “người thật, việc thật” để phản ánh đời sống tại những nơi mà mình đi qua.

Cụ thể, sau các chuyến đi, phóng viên VietnamPlus đã có loạt bài về nạn buôn bán ma túy ở vùng biên Tương Dương (Nghệ An); khát vọng được học hành tử tế của trẻ em ở vùng cao; thực trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân cao nguyên đá Hà Giang và đời sống những chiến sỹ biên phòng làm công tác chống dịch COVID-19…

Đến đây, tôi nhớ tới những câu thơ của Tố Hữu:

Ta sẽ đi
Đi tới những ngày mai
Như một đoàn quân
Bước thẳng, bước dai
Như một khúc ca xuân
Của một mùa xuân lớn.

Chúng tôi nguyện góp một khúc ca để bản nhạc cuộc sống có thêm những thanh âm tươi sáng, nguyện làm cầu nối, giúp những doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân tiếp cận với những số phận khó khăn, để nhân lên những “khúc ca vui” trên đất nước này./.

Đỗ Minh Thu
Đỗ Minh Thu