Báo động hút thuốc lá ở các nước đang phát triển

Một nghiên cứu mới, được công bố tại Hội nghị thế giới lần thứ 14 về thuốc lá và sức khỏe ở Mumbai (Ấn Độ) ngày 9/3, đã nêu bật quan ngại về tình trạng gia tăng tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá cũng như hiện tượng phụ nữ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển.

Một nghiên cứu mới, được công bố tại Hội nghị thế giới lần thứ 14 về thuốc lá và sức khoẻ ở Mumbai (Ấn Độ) ngày 9/3, đã nêu bật quan ngại về tình trạng gia tăng tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá cũng như hiện tượng phụ nữ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển.
 
Theo số liệu do Hiệp hội nghiên cứu bệnh ung thư Mỹ và Quỹ bệnh phổi thế giới thống kê, hiện Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, trong đó khoảng 311 triệu nam giới ở Trung Quốc và 229 triệu nam giới ở Ấn Độ sử dụng thuốc lá ở những hình thức khác nhau. Ở phụ nữ, con số này lần lượt là 14 triệu và 12 triệu. Như vậy hai nước lớn châu Á này đã vượt xa các nước khác về số người hút thuốc lá.
 
Trên phạm vi toàn thế giới, mỗi ngày có gần 1 tỷ nam giới và 250 triệu phụ nữ sử dụng thuốc lá. Nghiên cứu trên ước đoán vào năm tới thế giới sẽ có khoảng 6 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, đến cuối thập kỷ sau con số này là 7 triệu và sẽ lên tới 8 triệu vào năm 2030.
 
Nghiên cứu nhấn mạnh tình trạng tỷ lệ tử vong tăng nhanh hơn ở các nước đang phát triển. Vào năm 2010 sẽ có gần 72% số ca tử vong liên quan đến thuốc lá xẩy ra ở những quốc gia mà các nhà nghiên cứu đánh giá là "các nước có mức thu nhập thấp và trung bình" . Đến năm 2030 con số này sẽ lên tới 83% - tương đương khoảng 135.1 triệu người.
 
Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan ngại hiện tượng gia tăng số phụ nữ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển - nơi phụ nữ hút thuốc bị xem là không thể chấp nhận được đối với xã hội. Các chuyên gia nhận định "nếu tỷ lệ phụ nữ và nam giới hút thuốc trên thế giới bằng nhau, đó sẽ là một thảm hoạ toàn cầu về vấn đề sức khoẻ".
 
Do đó, "ngăn chặn việc hút thuốc lá tràn lan ở phụ nữ, đặc biệt là tại các nước có mức thu nhập thấp và trung bình, sẽ có tác dụng trong nỗ lực bảo vệ sức khoẻ con người hơn bất cứ một biện pháp can thiệp đơn lẻ nào khác"./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục