Báo động ô nhiễm môi trường làng nghề Bắc Ninh

Theo khảo sát mới, tất cả các mẫu nước mặt, nước ngầm, môi trường không khí làng nghề đều có dấu hiệu ô nhiễm với mức độ khác nhau.
Kết quả khảo sát điều tra chất lượng môi trường mới nhất tại các làng nghề Bắc Ninh do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện cho thấy, tất cả các mẫu nước mặt, nước ngầm, môi trường không khí tại đây đều có dấu hiệu ô nhiễm với mức độ khác nhau.

Đất đai bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh.

Làng tái chế giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, hàng ngày thải ra môi trường khoảng 4.500-5.000m3 nước thải chứa lượng độc tố cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép như hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 4,5-11 lần, hàm lượng COD cao hơn từ 8-500 lần, hàm lượng Pb cao hơn 5,5 lần.

Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn cũng bị ô nhiễm nặng do nồng độ bụi, khí thải, tiếng ồn và nhiệt độ cao từ các xưởng sản xuất và các hoạt động vận tải. Theo khảo sát, hàm lượng bụi ở làng nghề này đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,5-3,6 lần, tiếng ồn cao hơn 10-20 dBA.

Con sông Ngũ Huyện Khê với 24km chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đang từng ngày từng giờ bị “bức tử” khi có tới năm làng nghề ven sông (sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, tái chế sắt Đa Hội, sản xuất thép Châu Khê, tái chế giấy Phú Lâm và tái chế giấy Phong Khê) thường xuyên đổ các chất thải rắn và nước thải độc hại trực tiếp xuống hai bên bờ sông.

Kết quả phân tích cho thấy hầu hết các chỉ tiêu kim loại nặng trong mẫu bùn ở đáy sông Ngũ Huyện Khê đoạn đi qua làng nghề đều cao hơn so với đoạn trước khu vực làng nghề từ 1-2 lần. Ở đoạn sông chảy qua làng nghề sản xuất thép Châu Khê, thị xã Từ Sơn, mức độ ô nhiễm kim loại nặng như sắt tăng 2,1 lần, đồng tăng 1.100 lần. Hàm lượng dầu mỡ vượt tiêu chuẩn cho phép từ 6,6-8 lần.

Diện tích nước mặt, đất canh tác trong các làng nghề đã hoặc đang bị lấp dần bởi chất thải. Một số ao nuôi cá đã có hiện tượng cá chết hàng loạt do ô nhiễm từ nguồn nước thải sản xuất.

Người lao động trong làng nghề thường xuyên phải làm việc mỗi ngày 10-12 giờ trong điều kiện diện tích làm việc chật hẹp, mức ô nhiễm cao, không có trang phục và thiết bị bảo hộ, không có biện pháp phòng chống cháy nổ, mặc dù ở khắp các làng nghề đều tiềm tàng những nguy cơ gây cháy nổ lò hơi, điện, hóa chất, xăng dầu… Tất cả các yếu tố trên tác động trực tiếp và thường xuyên tới môi trường sống của người lao động và dân cư trong làng nghề. Khoảng 60-70% số dân cư trong khu vực mắc các bệnh thần kinh, ngoài da, đường hô hấp, khô mắt, điếc và cả bệnh ung thư đe dọa tính mạng.

Theo ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của tình trạng này là do chính quyền địa phương có làng nghề thiếu các chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất. Đối với các cơ sở nằm trong các khu, cụm công nghiệp bên cạnh làng nghề, chính quyền địa phương không có thẩm quyền tự kiểm tra, xử phạt mà chỉ được phép phối hợp thanh kiểm tra cùng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh hoặc Ban quản lý cấp huyện.

Hiện nay, tại một số làng nghề đã thành lập Tổ vệ sinh môi trường nhưng hoạt động không có hiệu quả vì thiếu kinh phí hoạt động. Hệ thống thoát nước chung của hầu hết các làng nghề đầu tư không đồng bộ dẫn tới thường xuyên xảy ra hiện tượng ách tắc cục bộ, gây ô nhiễm môi trường làng nghề.

Thêm vào đó, ý thức các hộ sản xuất còn rất kém, hầu hết các hộ chỉ chú trọng sản xuất mà không quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt các chủ cơ sở sản xuất không quan tâm đến việc đầu tư cho việc xử lý chất thải, cải thiện môi trường của cơ sở sản xuất.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó bao gồm nhiều biện pháp “mạnh tay” như cắt điện, ngừng cấp vốn vay đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Riêng trong năm 2009 đã có 21 cơ sở tái chế nhựa thuộc xã Đông Phong, huyện Yên Phong bị cắt nguồn cung cấp điện do vi phạm các quy định của Luật bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Bắc Ninh cũng thực hiện một số biện pháp khác như triển khai quy hoạch bãi chôn lấp rác thải tập trung, áp dụng thử nghiệm một số giải pháp như sản xuất sạch, các biện pháp quản lý môi trường, các mô hình xử lý chất thải dạng khí, nước… Tại một số làng nghề, vấn đề bảo vệ môi trường đã được đề cập đến trong hương ước, quy ước làng nghề. Các biện pháp này bước đầu góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất ở làng nghề song khả năng nhân rộng các mô hình còn rất hạn chế.

Bắc Ninh cũng khuyến khích công tác xã hội hóa các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, tái sử dụng chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

Tỉnh Bắc Ninh tập trung nguồn lực đầu tư, xử lý dứt điểm một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tại các làng nghề Phong Khê, Phú Lâm, Châu Khê, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý các cơ sở cố tình vi phạm hay trốn tránh trách nhiệm xử lý nguồn thải gây hại.

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề trong đó có 30 làng nghề truyền thống, 32 làng nghề mới với những sản phẩm nổi tiếng như gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, sắt thép (Đa Hội, Châu Khê), giấy (Phong Khê, Phú Lâm), rượu (Tam Đa, Đại Lâm), tái chế nhôm (Văn Môn)./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục