Báo động suất ăn công nghiệp giá rẻ không an toàn

Phần lớn suất ăn cho công nhân đều có giá cực rẻ. Đây chính là nguy cơ gây ra những vụ ngộ độ tập thể tại các doanh nghiệp hay KCN lớn.
Theo nhận xét của bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tỉnh hợp đồng với nhà thầu cung cấp suất ăn sẵn cho người lao động không đạt yêu cầu đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc tập thể.

Ông Hữu nhấn mạnh, các suất ăn này không đảm bảo các điều kiện vệ sinh về cơ sở vật chất, dụng cụ trang thiết bị, quy trình chế biến bảo quản thực phẩm cộng vào đó giá thành của mỗi suất ăn quá thấp.

Chính do doanh nghiệp không có nhà bếp, nhà thầu nấu ăn không đạt chuẩn vệ sinh, thực phẩm chưa rõ nguồn gốc... là nguyên nhân khiến hơn 170 công nhân bị ngộ độc do thực phẩm nhiễm vi sinh tại Công ty Pousung ở huyện Trảng Bom và Công ty Johnson Wood ở huyện Long Thành kể từ đầu năm đến nay.

Thông tin từ một số doanh nghiệp cho thấy, phần lớn suất ăn cho công nhân đều có giá cực rẻ, chỉ từ 5.500 - 7.500 đồng/suất, sau khi trừ các khoản thuế, chi phí khấu hao, hộp cơm chỉ còn khoảng 4.000 - 5.000 đồng. Với giá trên đã khiến các nhà bếp phải chọn mua thức ăn rẻ trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng để chế biến là điều không tránh khỏi.

Cũng theo bác sĩ Hữu, trong số 410 bếp ăn tập thể hiện có tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, chỉ có hơn 100 bếp ăn lớn (500 - 22.000 người ăn) chi phí cho suất ăn cao, thực phẩm nhập về thường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; còn lại các bếp ăn quy mô vừa và nhỏ (phục vụ từ 100 - 500 người ăn) thường có suất ăn giá trị thấp, nguồn thực phẩm đầu vào đáng lo ngại.

Trong đợt kiểm tra định kỳ 105 bếp ăn tập thể vừa qua về suất ăn công nghiệp, thanh tra Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế Đồng Nai đã phát hiện tới 35 bếp không đạt; kiểm tra 20 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp có 8 cơ sở không đạt và lực lượng thanh tra đã lập biên bản 14 cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Từ thực tế trên cho thấy, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm tại đa số bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp không được tốt do chưa có sự quan tâm đúng mức của chủ doanh nghiệp về đầu tư cơ sở vật chất cũng như tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với bếp ăn tập thể của Bộ Y tế quy định.

Bác sĩ Hữu cũng cho biết, việc tập huấn và tuyên truyền kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm được Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên thực hiện. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của các bếp ăn chưa cao, lãnh đạo các doanh nghiệp còn né tránh, lơ là, chưa hợp tác chặt chẽ với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Để khắc phục tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đảm bảo vệ sinh cho suất ăn của công nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Hữu cho rằng, các doanh nghiệp nên tăng giá thành bữa ăn để nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn an toàn cho công nhân.

Bên cạnh đó, bếp ăn phải được kiểm tra hàng ngày bởi những người có trách nhiệm như ban giám đốc, công đoàn công ty, xí nghiệp hoặc cán bộ chuyên môn, y tế phải tuân thủ 10 quy tắc vàng của Tổ chức Y tế Thế giới về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm từ chọn lựa, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm.

Mặt khác, lãnh đạo các doanh nghiệp phải hợp tác với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm để nắm bắt thêm về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục