Báo động xu hướng về già hóa dân số tại Canada

Cơ quan Thống kê Canada cảnh báo năm 2016 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử quốc gia Bắc Mỹ này, số người cao tuổi sẽ vượt số trẻ em.
Cơ quan Thống kê Canada ngày 29/5 cảnh báo xu hướng già hóa dân số tại quốc gia thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này (G-8) đang ở mức đáng báo động, đặc biệt khi chỉ ít năm nữa những người được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào tuổi nghỉ hưu.

Theo các số liệu chính thức của cơ quan trên, số người trên 65 tuổi tại Canada đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2011 - khoảng 5 triệu người (chiếm 14,8% dân số cả nước) và tăng 1,1% trong năm năm qua.

Trong khi đó, nhóm dân số trong độ tuổi nghỉ hưu từ 60 - 64 tuổi đã tăng 29,1% trong giai đoạn 2006 - 2011, nhanh gần gấp 5 lần so với tốc độ tăng dân số toàn quốc (5,9%).

Cơ quan trên cảnh báo năm 2016 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử quốc gia Bắc Mỹ này số người cao tuổi sẽ vượt số trẻ em.

Tuy nhiên, Canada vẫn được đánh giá là một trong những nước có dân số trẻ và có lực lượng lao động ổn định (chiếm khoảng 68% dân số) hơn so với các nước công nghiệp G-8 do có nhiều trẻ em được sinh ra trong thời kỳ hậu Đại chiến thế giới lần thứ hai (1946-1965).

Người già tại Nhật Bản hiện chiếm 23,4% dân số nước này và đây cũng là tỷ lệ cao nhất trên thế giới, trong khi tỷ lệ này ở Anh, Mỹ và Nga lần lượt là 16,5%, 13% và 12,9%.

Cơ quan Thống kê Canada cũng đồng thời cảnh báo tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ kéo theo sự sụt giảm số công dân đóng thuế, ảnh hưởng tới các chương trình phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế cộng đồng và đầu tư công của chính phủ.

Bên cạnh đó, nhóm người trong độ tuổi lao động sẽ sụt giảm tỷ lệ nghịch với số người nghỉ hưu.

Trước xu hướng dân số già tăng lên nhanh chóng, mới đây ngày 29/3, Chính phủ Canada đã đề xuất tăng tuổi quy định từ 65 lên 67 đối với những đối tượng nghỉ hưu có thu nhập thấp được tham gia Old Age Security - một trong những chương trình quan trọng trong chế độ lương hưu của Canada.

Các chuyên gia đánh giá việc Canada buộc phải cân nhắc đến biện pháp này là nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, lâu dài trong bối cảnh kinh tế châu Âu nói riêng đang sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ công và thế giới nói chung tiếp tục phục hồi mong manh sau "bão" tài chính./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục