Báo Đức: Việt Nam đạt thành công lớn về xóa đói giảm nghèo

Bài viết trên báo DW của Đức đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế và thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo.
Báo Đức: Việt Nam đạt thành công lớn về xóa đói giảm nghèo ảnh 1Hộ nông dân ở Thanh Hóa thu lãi 200 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lợn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Đức đưa tin báo điện tử hãng truyền thông Deutsche Welle (DW) ngày 27/5 có bài viết "Thành quả cuộc chiến chống đói nghèo của Việt Nam" đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế và thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo.

Theo bài viết, Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đạt được những thành tích về xóa đói giảm nghèo tốt hơn với bất kỳ nước nào khác trên thế giới, trên cơ sở báo cáo công bố cùng ngày 27/5 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO).

Theo báo cáo của FAO, nếu như năm 1990, 1/3 dân số Việt Nam ở tình trạng nghèo đói thì hiện này con số này chỉ là 1/10.

Báo DW đánh giá đây là một trong thành công lớn của Việt Nam.

Bài báo đã điểm lại một số nét về tình hình kinh tế đầy khó khăn của Việt Nam trước và sau năm 1975 như năng lực sản xuất công-nông nghiệp thấp, các mặt hàng khan hiếm và chế độ tem phiếu theo kinh tế tập thể dẫn đến khẩu phần lương thực mỗi người được nhận rất hạn chế.

Theo tác giả, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ suốt 35 năm đã để lại những hệ quả lớn khi tàn phá nghiêm trọng hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin đã hủy hoại một diện tích lớn đất canh tác nông nghiệp.

Trong nhiều năm sau chiến tranh, kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ là dưới 100 USD/năm, 1/4 dân số trong tình trạng thiếu ăn.

Bài viết dẫn nhận định của tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học & Chính trị Đức, đánh giá Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một quyết định đúng đắn khi thực hiện đường lối Đổi mới vào năm 1986.

Theo tiến sỹ Will, một số năm đầu của quá trình đổi mới này cũng gặp nhiều thách thức trước khi chứng tỏ sự đúng đắn và hiệu quả thực sự từ đầu những năm 1990.

Về những kết quả trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, bài viết tiếp tục dẫn nhận định của tiến sỹ Will, cho rằng Việt Nam hiện đã đạt được những thành tựu lớn về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo song cần tiếp tục có thêm chính sách để những thành quả này đến được nhiều hơn nữa tới người dân ở các dân tộc thiểu số và các vùng xa xôi, nơi cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng theo tiến sỹ Will, Việt Nam cần phải nỗ lực để sớm đạt được trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7% vì chỉ mức tăng trưởng này mới bảo đảm đẩy nhanh công cuộc phát triển, hiện đại hóa của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục