Bao giờ dân hết khổ với tuyến đường... khổ ải?

Cát, bụi theo gió ập vào mặt người đi đường, thốc vào nhà dân là hình ảnh thường ngày trên đường cửa ngõ phía Bắc Hà Nội.
Đất, cát, sỏi, ximăng tươi rơi từ các xe ôtô chở vật liệu xây dựng xuống mặt đường rồi theo gió bay mù mịt, ập thẳng vào mặt người qua đường, là hình ảnh của "tuyến đường khổ ải" từ cuối đường An Dương Vương (quận Tây Hồ) đến khu vực gầm cầu Thăng Long, kéo ra đường Đông Ngạc, Tân Xuân (huyện Từ Liêm).

Mặc cho người dân kêu, nhiều năm qua, con đường này trở thành nỗi ám ảnh đến sức khỏe và sinh hoạt thường nhật của hàng vạn người dân địa phương.

Đóng cửa, bịt khẩu trang

Cách cửa khẩu Đông Ngạc khoảng 500m, bà Phạm Thị Thảo, một người dân cư trú tại đường Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, cặm cụi với quán nước nhỏ trước cửa nhà. Chiếc khẩu trang che kín gần nửa khuôn mặt bà. Bàn nước được che chắn bằng tấm nilông mỏng, mấy chiếc ghế nhựa nằm lăn lóc, bụi bám trắng.

Bà Thảo cho biết: "Bụi không chỉ thốc vào người đi đường mà còn vào cả nhà người dân hai bên đường. Để tránh bụi, người đi đường phải đi cách thật xa xe tải và chạy thật chậm, nép vào vỉa hè, còn các hộ gia đình chúng tôi phải đóng kín cửa cả ngày, ngăn không cho bụi vào nhà".

"Tức ngực và khó thở lắm. Ngày nào cũng thế, sáng quét dọn sạch, đến trưa lại thấy cát bám khắp nền nhà, quệt nhẹ tay vào đồ đạc trong nhà là thấy dính dính một lớp bụi. Sáu người trong gia đình tôi lau chùi, dọn dẹp vẫn không xuể", Bà Thảo than thở.

Bà Nguyễn Thị An, người hàng xóm của gia đình bà Thảo cũng chia sẻ: Ngày nắng thì bụi cát bay dày đặc, ngày mưa thì đường lầy lội, bẩn kinh khủng. Tôi đã cấm không cho mấy đứa nhỏ trong nhà ra ngoài đường chơi. Hàng cây xanh gia đình tôi trồng phía trước nhà vốn xanh tươi, um tùm nhưng giờ cũng trở nên còm cõi, khẳng khiu, lá bạc thếch vì sức tàn phá của bụi. Môi trường như thế, thử hỏi làm sao mà không viêm phổi với ho lao cho được. Ở đây, mỗi khi ra khỏi nhà, chúng tôi phải đối phó với bụi bằng khẩu trang.

Bốn năm gần đây, những người dân ở đường Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, Từ Liêm) cũng phải chịu sự "tra tấn" của tiếng ồn và khói bụi như những người dân đường Đông Ngạc.

Theo bà Lý Thị Lan, người dân đường Tân Xuân: Không chỉ có bụi, người dân chúng tôi hết sức khó chịu bởi tiếng ồn và độ rung của xe cơ giới. Mỗi khi có xe chở vật liệu xây dựng chạy qua đây là nước đọng trong các ổ trâu, ổ gà bắn tung tóe, không thận trọng là “tắm bùn”. Nhiều khi chúng tôi phải đóng cửa im ỉm, không dám mở. Sống cảnh này có khác nào chết mòn, khổ quá!

Kêu mãi chưa thấu

Trong tiếng ầm ì của đủ loại xe cơ giới đang quần thảo trên đường, bà Lý Thị Lan vừa trỏ tay chỉ ra cả con đường Tân Xuân dài hơn 200m bị xuống cấp nghiêm trọng với hàng chục vũng lầy, ổ trâu, ổ gà, vừa than thở: Do sự tàn phá của xe tải chở vật liệu xây dựng đấy. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên chính quyền song vẫn chưa thấy chuyển biến. Mà lạ một điều là càng kêu cứu, càng thấy xe ôtô chở vật liệu xây dựng qua lại nhiều hơn.

Không chỉ người dân cư trú tại Đông Ngạc, Tân Xuân - "tuyến đường khổ ải" chịu khổ, chính quyền sở tại cũng đau đầu trước thực trạng trên.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đỉnh Nguyễn Hữu Khiêm cho biết: Chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng xe cơ giới chở vật liệu xây dựng chạy qua địa bàn xã Xuân Đỉnh làm hư hại các tuyến đường và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân. Nhưng việc xử lý là vượt chức năng, quyền hạn của xã.

Chúng tôi đã kiến nghị với thành phố xem xét, giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Theo đó, ngoài việc phải nhanh chóng tiến hành duy tu, sửa chữa, làm hệ thống cống để thoát nước thải tại đường Tân Xuân, thì phải bố trí lực lượng vệ sinh môi trường có mặt thường xuyên để khắc phục vật liệu xây dựng rơi vãi. Song đã hơn một năm qua vẫn chưa thấy phản hồi của các cấp có thẩm quyền, ông Khiêm cho biết thêm.

Phó Chi cục trưởng Chi Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Thuận cũng bức xúc: Phần lớn các xe ôtô chở vật liệu xây dựng chạy qua lại tại cửa khẩu Đông Ngạc và đường An Dương Vương đều vượt quá tải trọng cho phép.

Theo quy định, khu vực này chỉ cho phép phương tiện cơ giới dưới 15 tấn lưu thông, nhưng thực tế là các xe này đều có tải trọng từ 25 đến trên 30 tấn. Do vậy, nhiều đoạn đường ra vào cửa khẩu luôn trong tình trạng bị vỡ nát, ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đê Hữu Hồng. Gần hai năm qua chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa chữa lại mặt đường và có biện pháp hạn chế các phương tiện cơ giới, song tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn.

Vậy là, trong khi chờ đợi sự vào cuộc, kiên quyết xử lý, làm sạch môi trường và mạnh tay với những trường hợp vi phạm của các ngành chức năng, thì cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của hàng vạn người dân ở Tân Xuân, Đông Ngạc vẫn chìm ngập trong ô nhiễm của khói bụi, tiếng ồn, trong nỗi ám ảnh về sức khỏe. Bao giờ cảnh "sống mòn" trên mới chấm dứt./.
Anh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục