Nậm Mu cũng "khát" cầu

Bao giờ Mường Khoa có cầu qua dòng Nậm Mu?

Đã bao đời nay, người dân ở Mường Khoa, tỉnh Lai Châu đang "khát" có một cây cầu bắc qua sông Nậm Mu giúp người dân đi lại dễ dàng.
Sau 12 trường hợp bị nước xoáy nhấn chìm cả tuần mới nổi xác lên và không thống kê xuể bao nhiêu người đã thoát chết trong gang tấc khi vượt sông Nậm Mu, đến nay hàng nghìn người dân ở chín bản của xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu tin là có “thuồng luồng” rình rập.

Họ nơm nớp lo bị con “quái vật” này nuốt chửng bất kỳ lúc nào mỗi lần qua sông. Nhưng vì mưu sinh, hàng ngày, họ vẫn phải trơ gan qua mặt con “quái vật” hiện hữu mà vô hình này... Bởi vậy, đã bao đời nay, nhân dân các dân tộc Mường Khoa mong ước có một cây cầu bắc qua sông Nậm Mu.

Ốc đảo cả mùa lũ lẫn mùa khô


Chín bản Phiêng Hào, Nà Nghè, Nà Cại, Phiêng Khon, Nà Còi, Nậm Cung 1, Nậm Cung 2, Nậm Pha và Hô Cha trong tổng số 17 bản của xã Mường Khoa gần như bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài bởi đoạn sông Nậm Mu dài chừng năm km ngăn cách đẩy về phía bờ hữu.

Nhất là khi mùa mưa về, bà con người Lào, người Mông, người Thái, người Dao nơi đây lại  chật vật mỗi lần qua sông bằng bè tre và thuyền độc mộc. Chính vì lẽ này, người dân đã  họp bàn, dồn sức làm chung một cây cầu tạm qua sông Nậm Mu.

Nhưng năm nào cũng vậy cái cầu do hàng chục trai tráng làm cật lực cả tháng trời cũng chỉ thọ được không quá ba tháng. Đến chớm mùa mưa, đầu tháng Tư hàng năm, cái cầu này lại bị nước lớn đầu nguồn đổ về xóa sổ.

Anh Lò Văn Inh, 30 tuổi, ở bản Nà Còi kể, mùa mưa năm 2009, anh bị lật bè, ngã cả chiếc xe máy xuống dòng sông. Anh thoát nạn nhờ biết bơi nhưng chiếc xe máy khi được mò, kéo lên đến bờ thì đã nát bét. Anh Inh bảo đã ngã thuyền, bè quá nhiều trên đoạn sông này nên bây giờ “quen rồi.”

Ông Lò Văn Phênh, Trưởng bản Nà Cại kể, năm 2005, em trai ông bị ngộ độc nấm, ông đã cõng em chạy bộ, khi vượt sông không có bè, ông đành dùng túi giấy nilon to thổi hơi vào làm phao, cho em trai nằm lên trên, rồi cùng ba đến bốn người họ hàng thay nhau bơi, kéo em qua sông. Sang được bờ bên kia, ông lại tiếp tục cõng em chạy bộ lên bệnh viện huyện nhưng đến giữa đường, em trai ông tắt thở. Lúc quay về, ông gói xác em vào trong túi nilon rồi kéo qua sông....

Ông Trưởng bản Nà Cại còn cho biết vào mùa mưa, nước lớn, đi bè không an toàn, nhiều trường hợp cấp cứu, người dân nơi đây đều chuyển người bệnh như vậy.

Cách đây nửa tháng, anh Lò Văn Phẩn và Lò Văn Để dùng bè để chở 11 bó cây keo giống về trồng rừng, ra đến giữa sông, nước xoáy đã hất tung cả hai anh và hơn chục bó cây xuống sông. May hai anh biết bơi, bám vào bè nên thoát nạn nhưng cây được phát cho để về trồng rừng thì bị “thuồng luồng” nuốt chửng...

Chị Lò Thị Xôm ở bản Phiêng Hào có con trai Lò Văn Kẻo học lớp 7 thoát chết khi lật thuyền hồi tháng Năm vừa rồi kể, Kẻo đã bị nước xoáy cuốn đi khoảng một km. Cũng may Kẻo dạt vào bờ và được bà con dân bản cứu vớt. Chị Xôm kể hôm ấy nước lên to, chị đã bảo con nghỉ học nhưng Kẻo nằng nặc “nếu nghỉ, cô giáo sẽ phạt.”

Cùng chung cảnh ngộ này lâu nau với bà con nơi đây còn có khoảng 40 thầy, cô giáo tiểu học và mầm non xã Mường Khoa. Nhiều thầy, cô giáo cũng đã bị “thuồng luồng” nuốt trượt, khi vượt Nậm Mu mang cái chữ đến với con em dân bản nơi đây.

Qua sông: Đánh bạc với mạng sống

Muốn giao lưu, tiếp cận với trung tâm xã, huyện Tân Uyên, hàng nghìn người dân của các bản này không còn cách nào khác là phải vượt sông Nậm Mu. Nhưng do trên đoạn sông này chưa có một cây cầu treo hay cầu bêtông kiên cố nào nối liền đôi bờ nên những người dân nơi đây phải tự thân vận động, sáng tạo ra nhiều kiểu qua sông đặc thù, mạo hiểm mà rùng mình, mà dựng tóc gáy và chứa đầy rủi ro, tai nạn thương tâm vì thế cũng tăng đột biến.

Thương tâm nhất là vụ việc xảy ra vào mùa mưa năm 2004, khi đó năm người phụ nữ của bản Nậm Be, xã Mường Khoa nắm tay nhau cùng vượt sông Nậm Mu sang khu vực bản Nà Cại đào sắn. Khi ra đến giữa dòng, bất ngờ nước lũ ở đầu nguồn ập về, cuốn phăng cả năm người phụ nữ này đi hàng chục cây số. Mãi sau một tuần người nhà mới thấy xác họ nổi lên ở mãi khu vực xã Nậm Cần và xã Tà Mít, huyện Tân Uyên. Trong số họ, có người đang chuẩn bị lấy chồng, có người mới lập gia đình được gần một năm...

Trường hợp thương tâm gần đây nhất là vào mùa mưa năm 2009. Lúc đó vào khoảng 12 giờ trưa, Lò Văn Phanh ở bản Nà Còi, đi học về, do chiếc thuyền độc mộc đã chở đầy người nên Phanh phải đợi chuyến sau.

Thời điểm đó đã quá trưa, muốn về nhà nhanh, em liền gói gọn đồ dùng học tập, quần áo rồi bơi qua sông. Ai ngờ, chưa ra được đến giữa sông nước xoáy đã đẩy và nhấn chìm Phanh. Mãi một tuần sau người thân mới thấy xác Phanh nổi lên ở khu vực bản Sài Lương xã Tà Mít. Anh Lò Văn Lanh - bố của Phanh - ngậm ngùi: “nhà có năm đứa con thì ba đứa bị tàn tật, chỉ có Phanh là đứa ngoan, chăm học, khỏe mạnh nhất nhà, vậy mà...”

Ông Lò Văn Chài, Bí thư Đảng ủy xã Mường Khoa, năm nay gần 50 tuổi, nhà ở bản Phiêng Hào, cạnh dòng Nậm Mu, nơi có bến đò, bè, cầu dựng tạm, đã từng chứng kiến 12 trường hợp cả người dân địa phương và người ngoài ra vào khu vực bản, bị nước to nhấn chìm, ngán ngẩm nhìn dòng Nậm Mu đục ngầu, chảy xiết....

Ông có bốn người con, trong đó hai đứa con trai đã không biết bao nhiêu lần qua sông bị ngã thuyền nhưng chúng thoát chết nhờ may mắn và biết bơi. Riêng cô con gái cả Lò Thị Phanh, sinh năm 1984, hồi học kỳ hai năm lớp 6, khi đi học qua sông bị đắm thuyền. Phanh bị uống no nước nhưng may mắn được cứu thoát. Phanh hú vía, không dám qua sông đi học nữa. Vợ chồng ông Chài động viên, nói thế nào cũng không thuyết phục được con gái sang bên kia bờ để học tiếp.

Ông Chài còn cho biết thêm, năm tháng đầu năm nay, không tính những lần lật thuyền chở người lớn, đã có hai chuyến thuyền độc mộc, mỗi chuyến khoảng chục học sinh trung học cơ sở đi học về bị lật thuyền, rất may không có chuyện đau lòng xảy ra. Đến nay, bà con nơi đây tâm niệm trên đoạn sông này có ba thác nguy hiểm trong đó thác Băng Nhăm có “thuồng luồng” rình rập.

Khát vọng cầu xa vời...

Để hiểu được phần nào nỗi khổ của bà con nơi đây, đầu tháng Bảy này, nhóm phóng viên TTXVN cũng thử vượt mặt "thuồng luồng" một lần... Trên con thuyền độc mộc đã gần hai năm tuổi, dùng chung cho cả cụm chín bản, không hề có cái phao cứu hộ nào. Mái chèo chỉ bằng những thanh tre, cành cây rừng. Và tiện ai người đó đứng đầu và cuối thuyền chèo lái.

Trước tiên, chiếc thuyền được kéo ngược dòng men theo mé bờ sông rồi bất ngờ lao ra giữa dòng nước xoáy. Con thuyền bị nước đẩy nghiêng ngả rồi bị đánh dạt sang bên kia bờ nhờ vào hai tay chèo ở đầu và cuối thuyền điều khiển.

Thắc mắc sao không ý kiến, kiến nghị với cấp trên về việc này với ông Bí thư Lò Văn Chài, ông chỉ thở dài và nói “ý kiến nhiều lắm rồi.” Đợt nào có đoàn tiếp xúc cử tri vào, xã cũng kiến nghị nhưng chỉ nhận được câu trả lời, đoàn sẽ tiếp thu và kiến nghị lên trên hoặc chưa có kinh phí.

Rời Mường Khoa rồi mà bên tai tôi vẫn văng vẳng lời ông Bí Thư Đảng ủy xã: Bây giờ cứ có cái ôtô nào vào xã, bà con lại hỏi “sắp có cầu rồi phải không?” Ông Chài cũng chỉ còn biết trả lời chung chung “chắc sẽ có thôi,” rồi lảng chuyện.

Cây cầu - ước mơ của Bí Thư Đảng ủy xã - ông Lò Văn Chài, cũng là khát vọng của nhân dân các dân tộc xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cứ treo lơ lửng thật xa vời.../.

Nguyễn Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục