Bảo hiểm nông nghiệp: Vượt khó khăn để “về đích”

Sau 2 năm triển khai, đã có trên 234.230 hộ dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, với tổng giá trị bảo hiểm trên 5.437 tỷ đồng.
Bảo hiểm nông nghiệp - một chủ trương lớn của Chính phủ được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu giúp người sản xuất nông nghiệp quản lý rủi ro, bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Trải qua 2 năm triển khai thực hiện thí điểm, công tác bảo hiểm nông nghiệp đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân và đạt được những kết quả nhất định.

Thành công từ những bước đầu

Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo và 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Các đối tượng được bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 30/4/2013, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với 234.235 hộ dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm; trong đó 80,8% là hộ nghèo, với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là trên 5.437 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là hơn 303 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm thực sự đi vào cuộc sống của người dân, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất trước những rủi ro do thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh gây ra, cũng như góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định bày tỏ năm 2013, số hộ nông dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm cây lúa tăng lên 19.300 hộ so với năm 2012 chỉ có 6.400 hộ tham gia, trong đó chủ yếu là các hộ cận nghèo. Số hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp tăng lên đã phản ánh sự thay đổi kịp thời của chính sách, khiến cho người nông dân ngày càng quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm này.

Tại tỉnh Trà Vinh, đến nay, bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã thực hiện ký kết tổng cộng hơn 113 hợp đồng gồm bảo hiểm cá tra, tôm thẻ chân trắng, tôm sú; với tổng phí bảo hiểm gần 10,2 tỷ đồng.

Đại diện Ban chỉ đạo triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cho biết, đối với bảo hiểm cá tra, số nông hộ và diện tích bảo hiểm tham gia đạt khá. Đồng thời cũng khẳng định đây là chương trình phù hợp với ý Đảng, lòng dân; là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết triệt để xóa đói, giảm nghèo cho nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Khó khăn trong quá trình triển khai

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì quá trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp cũng đã từng gặp phải một số khó khăn vướng mắc. Đơn cử như việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa gặp rất nhiều khó khăn; số hộ tham gia không nhiều, chủ yếu theo phong trào.

Tại buổi sơ kết hai năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức tại Hà Nội, nhiều địa phương cho rằng, đối tượng bảo hiểm nông nghiệp còn hẹp, chưa mở rộng, chưa thu hút các chủ trang trại, chủ sản xuất quy mô lớn; mức phí còn cao; cần bổ sung một số bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi…

Điều đáng nói, hiện tượng trục lợi bảo hiểm, việc thẩm định thiệt hại, bồi thường vẫn còn hạn chế do lực lượng tham gia còn mỏng.

Bộ Tài chính chỉ ra rằng bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới, rất phức tạp, lần đầu làm thí điểm nên chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như cơ chế chính sách thường xuyên được rà soát, đánh giá và sửa đổi bổ sung kịp thời để đáp ứng được thực tế.

Bên cạnh đó, phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm nông nghiệp là khá rộng, mặt khác do tính chất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là sản xuất nhỏ, manh mún, lại bị thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều. Mỗi địa phương mỗi khác trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế.

Trong khi đó, lực lượng cán bộ còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới (chủ yếu tuyển mới và từ các bộ phận nghiệp vụ khác chuyển sang).

Vì vậy các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát, hạn chế rủi ro và giám định tổn thất từ khâu kiểm tra, xác định, đánh giá đối tượng được bảo hiểm, rủi ro bảo hiểm, giám sát đối tượng được bảo hiểm, giám sát việc tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, canh tác, nuôi trồng...

Điều kiện để nhân rộng

Tuy chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thời gian qua gặp phải những khó khăn nhưng với quyết tâm cao của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, cùng các bộ ban ngành liên quan và các tỉnh thành phố thì những vướng mắc trên đang dần được gỡ bỏ để “về đích”.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện công tác quản lý, giám sát, ngăn chặn, phòng chống trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm.

Cùng với đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức khai thác, ký kết hợp đồng bảo hiểm chặt chẽ. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo tại địa phương rà soát, giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm đã phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm, quy định lại quy tắc, điều khoản bảo hiểm nông nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng các cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đưa các cơ chế chính sách đi vào cuộc sống cho phù hợp; trong đó rà soát ban hành các quy trình, trồng lúa, chăn nuôi và nuôi thủy sản phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới nhằm mang lại kết quả tốt hơn nữa để có thể nhân rộng chương trình thí điểm này sau khi kết thúc.

Nhân chuyến đi thực tế vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo những việc cần làm ngay trong thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Phó Thủ tưởng khẳng định Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Chính phủ sẽ tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm và địa phương để tiếp tục thực hiện thành công thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và chuẩn bị điều kiện để triển khai nhân rộng chương trình này./.

Thùy Dương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục