Bảo hiểm thất nghiệp - Chiếc phao còn xa vời

Từng được kỳ vọng là "phao cứu sinh" nhưng bảo hiểm thất nghiệp đang trở nên xa vời với người mất việc, do thủ tục đăng ký đầy khó khăn.
Đầu năm 2009, khi số người thất nghiệp tăng cao do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, bảo hiểm thất nghiệp được kỳ vọng là “chiếc phao cứu sinh” của người mất việc.

Nhưng đến thời điểm nhận hồ sơ để nhận hỗ trợ này - ngày 1/1/2010, chiếc phao này trở nên khó nắm bắt với người thất nghiệp.

Thủ tục đăng ký - khó thực hiện

Tính đến nay, tại các điểm đăng ký thất nghiệp rải khắp địa bàn Hà Nội chỉ vẻn vẹn 61 người đến đăng ký; trong số đó, duy nhất 1 người đủ giấy tờ để nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp Số còn lại chung nỗi khổ thiếu sổ bảo hiểm xã hội do chủ sử dụng lao động trước đó lần khất.

Theo quy định, 15 ngày sau khi đăng ký thất nghiệp, người lao động phải nộp sổ bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tìm cách kéo dài thời gian chốt sổ bảo hiểm xã hội vì trước đó doanh nghiệp thường trốn, muộn nộp cả bảo hiểm thất nghiệp lẫn bảo hiểm xã hội.

Cũng theo quy định, sau 15 ngày đăng ký, người lao động không nộp sổ thì không hợp lệ và không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, hiện đang xảy ra trường hợp các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chậm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động nên phát sinh vấn đề như vậy.

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội - một trong những điểm đăng ký thất nghiệp cho biết trước tình hình người lao động đến đăng ký thất nghiệp không có sổ bảo hiểm xã hội, Trung tâm đang đề nghị Bảo hiểm xã hội Hà Nội đối chiếu với sổ sách xem người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp đã đủ thời gian hưởng chưa. Nếu đủ, cơ quan bảo hiểm có thể chứng nhận cho người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho họ.

Trong lúc đó, tỉnh Bình Dương đã “cải cách hành chính” trong vấn đề này. Ông Kiều Văn Minh, Trưởng ban Thu bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tỉnh đã chấp nhận bản tờ rời bảo hiểm xã hội của người lao động thay vì phải nộp sổ bảo hiểm xã hội gốc.

Do đó, tại Bình Dương, trong 655 người đến đăng ký thất nghiệp có dần 310 người nộp hồ sơ hưởng và hơn 240 trường hợp đang được xem xét giải quyết. Phía cơ quan bảo hiểm của tỉnh cũng cam kết chỉ trong vòng 1 ngày có thể chốt sổ bảo hiểm xã hội để người lao động có thể sớm hưởng chế độ khi thất nghiệp.

Ông Minh cũng khẳng định việc làm của tỉnh Bình Dương là hoàn toàn đúng luật.

Theo ông Trung, Cục Việc làm sẽ yêu cầu các Sở làm việc với bên bảo hiểm xã hội đẩy nhanh việc chốt sổ và quy định các doanh nghiệp phải nhanh chóng trả sổ bảo hiểm cho người lao động.

Một vấn đề nổi cộm khác về bảo hiểm thất nghiệp hiện nay nằm ở khâu thủ tục là Cơ quan bảo hiểm xã hội thu lại thẻ bảo hiểm y tế của người lao động trong thời gian chờ chốt sổ, làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động có thể gặp khó khăn nếu ốm đau trong thời gian này.

“Sau khi nhận được quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội tuyến cơ sở sẽ nhanh chóng cấp lại thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động ngay trong ngày. Chúng tôi đang cố gắng để áp dụng bước tiến này sớm nhất”, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng ban Chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.

Bảo hiểm thất nghiệp là chia sẻ rủi ro

Có dư luận cho rằng, theo quy định hiện hành, sẽ xảy ra khả năng người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp càng lâu thì khoản tiền trợ cấp khi mất việc càng ít. Thậm chí còn có những người sẽ phải đóng mà chắc chắn không được nhận trợ cấp mất việc như những người vào thời điểm tháng 1/2009 còn dưới 12 tháng thì về hưu.

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định: người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12-dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 6 tháng nếu có từ đủ 36-dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 9 tháng nếu có đủ từ 72-dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.

Với những người lao động chưa đóng đủ 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội nêu rõ: trong năm qua, có nhiều người đã đặt vấn đề “đóng nhiều hưởng ít” này.

Ông nhấn mạnh, nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp chính là nhiều người đóng cho ít người hưởng. Thêm vào đó, cũng không ai mong thất nghiệp để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cả. Chính vì vậy, với mục đích chia sẻ rủi ro, không nên đặt vấn đề đóng ít hưởng nhiều hay không được hưởng.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội cho biết ngay sau khi thất nghiệp, người lao động đến các điểm đăng ký, kê khai tình trạng việc làm của mình vào mẫu giấy đã được in sẵn, kèm theo số chứng minh nhân dân.

Sau đó, trong vòng 7 ngày, họ hoàn thành hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm đơn đề nghị hưởng, quyết định cho nghỉ việc của doanh nghiệp, bản photocopy hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm xã hội.

Trong vòng 15 ngày nhận hồ sơ, họ sẽ được đồng ý cấp trợ cấp thất nghiệp. Việc hưởng trợ cấp bắt đầu từ ngày thứ 16 trở đi.

Ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định.

Thời gian học nghề cho lao động không quá 6 tháng, tính từ ngày lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.



Kiều Trinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục