Báo Hong Kong đánh giá ổn định chính trị giúp Việt Nam thu hút FDI

Việt Nam trở thành trung tâm thu hút FDI với tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở mức 10,4% trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019. Riêng năm 2019, con số thu hút FDI đạt 16,12 tỷ USD, tăng 81%.
Báo Hong Kong đánh giá ổn định chính trị giúp Việt Nam thu hút FDI ảnh 1Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam sản xuất điện thoại thông minh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Việt Nam đã trở thành trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua. Lý giải câu chuyện thành công này, báo "South China Morning Post" (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) ngày 19/10 cho rằng không thể đánh giá thấp sức hấp dẫn của môi trường chính trị ổn định của Việt Nam.

Bài báo cho rằng mỗi cuộc khủng hoảng đều để lại những bài học và chắc chắn,cuộc khủng hoàng toàn cầu mang tên “đại dịch COVID-19” cũng vậy.

Từ góc độ kinh tế, có thể thấy những nước có nền tảng kinh tế mạnh nhất có nhiều cơ hội nhất để thoát khỏi khủng hoảng một cách nguyên vẹn. Ở Đông Nam Á, hiếm có quốc gia nào có thể “dõng dạc” tuyên bố có nền tảng kinh tế mạnh mẽ như Singapore.

Tuy nhiên, có một quốc gia đã âm thầm tiết kiệm nguồn lực và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển- đó là Việt Nam.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam trở thành trung tâm thu hút FDI với tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở mức 10,4% trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019 (đạt 16,12 tỷ USD trong năm 2019 - tăng 81%).

Cũng trong 6 năm qua, Singapore ghi nhận mức tăng 63%, trong khi dòng vốn FDI của Thái Lan và Malaysia thực sự suy giảm.

Trong khu vực ASEAN, chỉ có Philippines là có tỷ lệ tăng vốn FDI nhiều hơn Việt Nam là 104%, mặc dù xuất phát điểm thấp hơn, ở mức 3,7 tỷ USD vào năm 2013.

[Đẩy mạnh thu hút vốn FDI và dự án có chất lượng vào Việt Nam]

FDI là nguồn vốn đầu tư nước ngoài quan trọng cho các nước đang phát triển và đóng góp đáng kể vào sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Có thể nói, thành tựu kinh tế của Singapore và sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua một phần nhờ FDI.

Kể từ năm 2013, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Một công ty có đóng góp lớn là Samsung, được cho là đã đầu tư khoảng 17 tỷ USD vào Việt Nam kể từ năm 2008.

Việc Việt Nam chủ động thực hiện các chính sách đầu tư thân thiện với doanh nghiệp và các khu công nghiệp, cũng như có nguồn cung lao động trẻ dồi dào, đã giúp thu hút FDI từ các quốc gia khác.

Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư mới vào ngành năng lượng nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu hút FDI không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam ban đầu cũng theo đuổi cách tiếp cận tương tự được một số nước láng giềng áp dụng và khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước thử cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, hàng loạt cuộc tấn công vào các nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài vào năm 2014 khiến các nhà đầu tư lo sợ, dẫn đến việc chính phủ cấm các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh với các dự án FDI.

Cạnh tranh về FDI trong ASEAN sẽ tiếp tục. Dù có một số quan điểm cho rằng vị trí địa lý gần Trung Quốc và lực lượng lao động trẻ 95 triệu người là những yếu tố giúp Việt Nam có lợi thế, không thể đánh giá thấp sức hấp dẫn của nền chính trị ổn định ở Việt Nam.

Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đều trải qua những biến động và bất ổn chính trị trong những năm gần đây và sẽ rất hữu ích nếu nhìn vào Việt Nam để nhận thức được tầm quan trọng của sự ổn định.

Những công sức mà Việt Nam bỏ ra để thu hút dòng vốn FDI là không thể phủ nhận. Các biện pháp táo bạo như thiết lập sự minh bạch trong quy trình kinh doanh-quản trị, và bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực không cạnh tranh, đòi hỏi ý chí và cam kết chính trị thực sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục