Bạo lực đang bị lạm dụng như công cụ của “giáo dục”và “kỷ luật”

Một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc vừa công bố cho thấy, các định kiến xã hội đang góp phần bào chữa cho việc sử dụng bạo lực như là một công cụ của “giáo dục” và “kỷ luật” đối với trẻ em.
Bạo lực đang bị lạm dụng như công cụ của “giáo dục”và “kỷ luật” ảnh 1Học sinh tìm hiểu cách phòng chống bạo lực gia đình qua tranh ảnh. (Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Mặc dù trẻ em công nhận rằng bố mẹ có trách nhiệm giáo dục các em nhưng một một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em không bằng lòng với việc bị bạo hành. Bạo lực tại gia đình có tác hại lâu dài về thể chất, tâm lý, tình cảm và kết quả học tập của trẻ em.

Đây là một trong những kết luận của nghiên cứu “Hiểu về những trải nghiệm của trẻ em bị bạo lực ở Việt Nam: Bằng chứng từ chương trình nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện.

Nghiên cứu dài 44 trang đã tìm hiểu những hình thức bạo lực mà trẻ em phải hứng chịu tại gia đình ở Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố như nghèo khổ, những áp lực do khó khăn về tài chính đã làm căng thẳng các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và là nhân tố góp phần gây ra bạo lực tại gia đình.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên khoảng 2.000 thanh thiếu niên và phỏng vấn các em trong suốt 4 năm (2011-2014) để tìm hiểu xem các em biết gì về bạo lực, đã trải nghiệm bạo lực như thế nào, nguyên nhân gì dẫn tới bạo lực tại gia đình, các em quan niệm thế nào vệ hậu quả xảy ra, những hỗ trợ nào mà các em thấy là có hiệu quả để giải quyết bạo lực.

Bà Vũ Thị Thanh Hương, Nghiên cứu viên cao cấp của Viên Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và cũng là tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Bố mẹ sử dụng bạo lực đối với con cái để giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và điều đó được xã hội chấp nhận.”

Thêm vào đó, các định kiến cố hữu về giới cũng thường được sử dụng để bào chữa cho việc nam giới sử dụng bạo lực để chứng tỏ quyền lực của mình đối với các thành viên khác trong gia đình. Các định kiến xã hội cũng góp phần bào chữa cho việc sử dụng bạo lực như là một công cụ của “giáo dục” và “kỷ luật” đối với trẻ em.

Bà Vũ Thị Thanh Hương cho biết: “Khi phỏng vấn thanh thiếu niên, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện về các gia đình có hai con, một trai, một gái và thực tế là cha mẹ thường chú trọng đến con trai hơn con gái. Không có gì lạ khi bố mẹ thường bắt con gái làm việc nhiều hơn và phải ở nhà trong khi họ đưa con trai ra ngoài đi chơi. Họ cũng ưu tiên mua quần áo cho con trai hơn và khi con trai bị sốt nhẹ thôi thì họ cũng ngay lập tức đưa con đi khám trong khi con gái sẽ không được đưa đi viện ngay cả khi em thực sự bị ốm.”

Theo ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF Việt Nam thì các chính sách và các can thiệp thực tế nhằm giải quyết bạo lực cần tính đến các yếu tố nghèo khó và định kiến giới, những yếu tố đã tạo nên môi trường cho trẻ em. Các biện pháp ngăn chặn và giải quyết nên tập trung vào các vấn đề như truyền thông trực tiếp, tạo ra những dịch vụ bảo vệ để những em đang phải đối mặt với bạo lực tại gia đình có thể tìm kiếm sự hỗ trợ dễ dàng.

Tại cộng đồng, hàng xóm, họ hàng, thầy cô giáo và bạn bè tại trường cần trở thành những người đi đầu trong việc báo cáo bạo lực đối với trẻ em. Xây dựng các can thiệp có thể hỗ trợ hệ thống báo cáo tự nhiên này nên được coi là ưu tiên hàng đầu./.

Các kết quả nghiên cứu được công bố trong bộ nghiên cứu “Hiểu về những trải nghiệm của trẻ em bị bạo lực” do Viện Nghiên cứu Innocenti của UNICEF tiến thành cùng hợp tác với Chương trình nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ” của Đại học Oxford.

“Những cuộc đời trẻ thơ” là một nghiên cứu quốc tế về nghèo khổ ở trẻ em, bắt đầu từ năm 2000, đang tiến hành nghiên cứu trên 12.000 trẻ em ở Ethiopia, Ấn Độ (ở các bang Andhra Pradesh and Telangana), Peru và Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục