Bạo lực tràn lan

Bạo lực tràn lan tại các khu lân cận của Chicago

Tỉ lệ giết người ở vùng lân cận Chicago (Mỹ) cao đến mức trẻ em có thể chết vì đạn lạc khi đi học về, người già không dám ra đường.
Chỉ cách ngôi nhà sang trọng của Tổng thống Barack Obama vài dặm là những khu vực nơi hy vọng đã bị tước đi, nơi những đứa trẻ có thể bị bắn chết bởi đạn lạc khi đang trên đường từ trường về nhà, còn người già thì quá sợ hãi không dám ra đường.

Tỉ lệ giết người ở các khu vực lân cận của Chicago Mỹ cao hơn từ 10-40 lần mức trung bình của cả nước này.

Cảnh sát Chicago đã ghi nhận hơn 9.400 vụ bạo lực công cộng trong năm 2011 gồm những vụ giết người, hiếp dâm, cướp của, tấn công có súng, đã xảy ra ở những nơi công cộng như trên phố, trong công viên, và không được xem là bạo lực gia đình.

Khoảng 10 trong số 77 khu vực lân cận của Chicago có ít nhất một vụ như vậy mỗi ngày và chúng chiếm một nửa tổng số vụ bạo lực đã diễn ra trong năm 2011.

Mọi người đổ lỗi cho đói nghèo, ma túy, các băng đảng, các gia đình không hạnh phúc, trường lớp không tốt, các giá trị xấu lan tràn, sự thiếu cơ hội, thiếu nguồn vốn và việc dễ tiếp cận với súng đạn.

Nhưng tại một số thời điểm, bạo lực trở thành gốc rễ của vấn đề, theo nhà nghiên cứu bệnh dịch Gary Slutkin, người với chương trình Ceasefire đã mở rộng từ Chicago tới 15 thành phố Mỹ, London, Iraq, Nam Phi và Kenya.

Việc bắn giết phải chấm dứt trước khi người ta chưa cảm thấy an toàn để đi ra phố, mua sắm và các hoạt động kinh doanh có thể mở cửa trở lại và trẻ em có thể tập trung tới trường bởi chúng không còn bị tổn thương bởi những rối loạn do nhiều sức ép mang tới, Slutkin nói.

Khi bạo lực là thứ trở thành tiêu chuẩn xã hội, ngay cả những bậc phụ huynh giỏi nhất cũng không thể chống lại sức ép của cuộc sống trong một chiếc lồng.

"Thay vì nhìn nhận đây là vấn đề của những người xấu, chúng ta phải nhìn nhận chúng như các hành vi đã trở thành kiểu mẫu và được sao chép" - Slutkin nói với AFP.

"Trẻ con muốn được làm điều những đứa trẻ khác đang làm, chúng nhập đàn. Đó là cách mà sự tiến hóa đã đưa chúng ta vào tròng."

Carlton, đứa con trai 17 tuổi của nhà King-Hopkins bị bắn chết trong một con hẻm tối tăm, lạnh lẽo của Chicago, là một trường hợp điển hình.

King-Hopkins và chồng chị là những người thường xuyên đi nhà thờ, luôn giữ ngôi nhà họ không có một hạt bụi và giúp đỡ cộng đồng bằng cách điều hành một trung tâm cai nghiện ma túy.

Họ vẫn chưa thể hiểu được vì sao đứa trẻ mà mọi người dường như đều yêu mến, đứa trẻ đã có 1.000 người tới dự lễ tang, lại kết thúc cuộc đời trong con hẻm đó.

Carlton quan tâm quá nhiều tới việc được người khác ưa thích, cha cậu kể. Cậu không ngừng việc đi chơi với những đứa trẻ hư, mẹ cậu kể. Và nguyên nhân chủ yếu là cậu đã sống trong một khu vực có nhiều cái xấu.

Linh mục Corey Brooks đã quyết định phải làm điều gì đó sau khi những gã lưu manh nổ súng vào một số người bước vào nhà thờ hồi tháng trước để dự lễ tang của Carlton.

Đó đã là lễ tang thứ 10 của một thanh niên da màu trẻ tuổi mà ông phải đứng ra làm chủ tang tại vùng South Side của Chicago, trong vòng chưa đầy một năm.

Brooks cầu nguyện với đầy cảm xúc trong lễ tang, khiến cho bốn thanh niên trẻ đã giao nộp khẩu súng mà họ đã mang vào thánh đường của Nhà thờ New Beginnings, nằm trên đường Martin Luther King Drive.

Kế đó, ông tuyên bố sẽ tuyệt thực trong vòng 21 ngày để phản đối bạo lực và dựng trại trên mái của một khách sạn rẻ tiền nằm bên kia đường để thu hút sự chú ý của dư luận.

Hai tuần sau khi tuyệt thực, ông đã phải đi xuống trong vài giờ, khi đó một thanh niên trẻ khác - nhân vật hóa ra là một trong những người bạn thân của Carlton - bị bắn chết và linh mục Brooks được gọi tới bệnh viện để động viên gia đình cậu.

"Tôi không bao giờ quên được cái cảnh một cậu trai 16 tuổi còn trẻ, với mồm há to, mắt mở trừng trừng và thi thể thì được đặt trong một chiếc túi trắng với khóa kéo tới tận cổ," Brooks nói.

Brooks quyết định sẽ "cố thủ" trên mái khách sạn và sẽ không rời đi chừng nào ông chưa quyên đủ tiền mua khách sạn và biến nó thành một trung tâm cộng đồng, điều mà khu Woodland của ông vẫn thiếu một cách nghiêm trọng.

Khi ông tuyệt thực được 31 ngày, một người hảo tâm giấu tên đã đề nghị sẽ hiến tặng số tiền lên tới tối đa 50.000 USD, nếu như những người khác có thể đưa ra số tiền tương tự trong dịp Giáng sinh.

Tiền hiến tặng lập tức đổ về. Tới nay, Brooks đã quyên được 193.261 USD và ông còn thiếu 250.000 USD nữa./.

(AFP/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục