Nguy cơ chiến tranh mạng

Bảo mật 2012: Bùng nổ nguy cơ chiến tranh mạng

Theo thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, năm 2012 an ninh mạng tiếp tục nóng và có nguy cơ bùng nổ chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử.
Tại hội thảo quốc gia về An ninh bảo mật 2012, Thiếu tướng, tiến sĩ Nguyễn Viết Thế (Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Công An) nhận định, tội phạm mạng ngày càng chuyên nghiệp và có kỹ thuật cao hơn. Do đó, an ninh mạng trong năm 2012 tiếp tục nóng, bùng nổ nguy cơ chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử. Dẫn giải cho nhận định này, tướng Thế cho hay, năm 2011, an ninh thông tin mạng trên thế giới đã có nhiều biến cố đáng báo động và diễn biến rất phức tạp, gia tăng mạnh về mặt số lượng, tinh vi và có tổ chức. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều  cuộc tấn công của hacker vào các tổ chức với tính chất trả đũa. Ông Thế đưa ra ví dụ về việc hacker tấn công hệ thống thông tin của Nasa (Mỹ). Tại Lầu năm góc, mỗi giờ, hệ thống máy tính phải nhận 250.000 vụ tấn công lớn nhỏ. Thậm chí, cơ quan điều tra liên bang của nước này còn thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, tin tặc còn nguy hiểm hơn… khủng bố. Tồi tệ hơn, các chuyên gia an toàn thông tin đã đánh giá, năm 2011, thế giới mạng bước vào “kỷ nguyên bất an.” Và Sony đã phải gánh chịu tổn thất nặng nề khi mạng chơi game của đơn vị này bị tin tặc đột nhập và lấy đi 77 triệu thông tin cá nhân. Đầu năm 2012, tin tặc tiếp tục tung ra những cuộc tấn công vào website Chính phủ Iran, Liên hợp quốc, cơ quan tình báo trung ương Mỹ, websie của Interpol… Tại Việt Nam, thực tế cho thấy năm 2011, an ninh mạng cũng được đặt ở mức báo động. Ông Thế nói, đã có hàng nghìn website bị tin tặc quốc tế “viếng thăm,” hình thức tấn công đa dạng, ít để lại dấu vết. Chỉ tính riêng trong tháng 5 và tháng 6, có 329 website tên miền .gov, .vn bị tấn công. Ngày 23/10/2011, có hơn 150 website bị tấn công trong một ngày, do nhóm hacker Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện. Còn con số của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam thì cho thấy, tấn công từ chối dịch vụ năm 2011 tăng 70% so với 2010, tấn công mạng tăng 3 lần. Hãng bảo mật Symantec cho biết, số lượng máy chủ, hosting độc hại của Việt Nam nhiều thứ 11 trên thế giới. Không gian mạng của Việt Nam đã trở thành nơi “ưa thích” của hacker thế giới và là “ổ máy tính ma” lớn. Như vậy, mạng máy tính ở Việt Nam đang bị hacker lợi dụng để phát động tấn công an ninh mạng. Ông Thế nói, nguyên nhân dẫn đến việc bị tấn công mạng là bởi sự yếu kém trong quản trị website và không thường xuyên phát hiện, khắc phục các lỗ hổng bảo mật. Nhiều đơn vị còn phớt lờ với các cảnh báo của cơ quan, tổ chức có chức năng đảm bảo an toàn an ninh thông tin quốc gia. Ngoài ra, tính mở và các tiện ích của mạng xã hội cũng được giới tội phạm mạng lợi dụng để tấn công người dùng, lừa đảo kiếm tiền. Về virus máy tính, theo ông Thế, năm 2011 cũng ghi nhận 64,2 triệu lượt máy tính ở Việt Nam bị nhiễm virus, 38.961 dòng virus xuất hiện mới. Bên cạnh việc tấn công máy tính, với sự bùng nổ của 3G, điện thoại thông minh, máy tính bảng… đã được dự báo là trong năm 2012, tin tặc sẽ tiếp tục nhắm vào các lỗ hổng của loại thiết bị này, lấy thông tin thẻ tín dụng. Virus đánh cắp tài khoản ngân hàng tiếp tục bùng nổ, mạng xã hội như Facebook, Twitter vẫn là mảnh đất màu mỡ cho tin tặc lừa đảo. Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT-thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, tuy an toàn thông tin ở Việt Nam có tiến bộ, song chưa cao. Trong khi đó, tin tặc luôn có những phương pháp tấn công mới, kỹ thuật hiện đại. Do đó, ông Khánh khuyến cáo đội ngũ quản trị cần nghiêm túc thực hiện đúng quy tắc bảo mật, khi nghi ngờ có mã độc, cần gửi về VNCERT để có những phân tích và hướng xử lý kịp thời. Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế cho rằng, ở cấp độ doanh nghiệp, cần xây dựng các văn bản pháp lý bảo vệ hệ thống thông tin; cơ chế kiểm soát, quản lý an toàn thông tin với quy trình quản trị hệ thống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo và có chính sách ưu đãi về chuyên gia về an toàn thông tin… Hiện nay, hàng tháng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn có những cuộc họp của hội đồng với các đơn vị chuyên môn, kịp thời xử lý những vấn đề gì nóng của an ninh mạng. Tuy nhiên, ông Thế cho rằng, do nguy cơ chiến tranh thông tin đang hiện hữu, nên ở cấp độ quốc gia cần có một tổ chức chuyên trách đủ mạnh để đối phó với chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin và bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam./.
Hội thảo-Triển lãm quốc gia Điện toán đám mây và an ninh bảo mật được tổ chức từ ngày 22-23/3, do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG, VNCERT (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục tin học nghiệp vụ (Tổng cục hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an), Ban cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) tổ chức.

Tại Hội thảo, các chuyên gia sẽ trình bày về nguy cơ mất an ninh tại Việt Nam, xu thế phát triển công nghệ bảo mật. Bên cạnh đó, sẽ có các chuyên đề về an toàn thông tin trong cơ quan khối chính phủ, giải pháp bảo mật và an toàn thông tin thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục