Bao năm vẫn "loay hoay" thu hút kiều bào trí thức về nước

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết 36/NQ-TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã cho thấy hiệu quả bước đầu nhưng cũng bộc lộ không ít "lỗ hổng."
Bao năm vẫn "loay hoay" thu hút kiều bào trí thức về nước ảnh 1Nhờ nhiều đổi mới mà những năm gần đây, bà con kiều bào đã có cơ hội ra với Trường Sa. (Ảnh: Thuận Đức/Vietnam+)

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết 36/NQ-TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Chính trị đã cho thấy hiệu quả bước đầu nhưng cũng bộc lộ những “lỗ hổng.”

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn đã có những trao đổi với báo giới sáng nay, tại Hà Nội.

- Thưa Thứ trưởng, chúng ta có cần thay thế một Nghị quyết mới để bổ sung cho Nghị quyết 36/NQ-TƯ đang còn nhiều “lỗ hổng” sau 10 năm triển khai như hiện tại không?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Chúng tôi cho rằng, Nghị quyết 36/NQ-TƯ đã đưa ra những đường hướng rất cơ bản, rất chiến lược, đó là nhận định, đánh giá vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng trong nội dung Nghị quyết có đánh giá khả năng của bà con, ví dụ như: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.” Ở đây Nghị quyết mới nêu là “nguồn lực” thì chưa đủ, thực tế chúng tôi đánh giá kiều bào là nguồn lực rất quan trọng.

Chúng ta đánh giá người Việt Nam ở nước ngoài không phân biệt định cư hay ở dài hạn, ở có thời hạn, quan trọng là họ vẫn có nguồn lực để đóng góp về cho gia đình, cho đất nước thông qua thuế. Cần đánh giá tổng hợp nguồn lực của kiều bào.

Trong quá trình thực hiện 10 năm qua, chúng tôi luôn cố gắng luật hóa tối đa những định hướng của Nghị quyết. Tới đây, chúng tôi cho rằng cần kiến nghị có một Nghị quyết mới sau 10 năm thực hiện. Nghị quyết mới này phải đánh giá đúng thực chất và tiềm năng của kiều bào, với những đường hướng rõ ràng và cụ thể hơn, phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

- Một vấn đề gây nhiều trăn trở bao năm qua, là lượng kiều bào trí thức về làm việc trong nước mỗi năm quá ít so với hàng trăm nghìn kiều bào của chúng ta ở nước ngoài, là do khúc mắc ở đâu trong chính sách, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Cái mà chúng ta đang rất cần là chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài. Theo con số ước tính, ta có hơn 400 nghìn kiều bào. Số lượng trí thức, các nhà khoa học về Việt Nam về nước làm việc rất ít. Bởi lẽ, thứ nhất chúng ta chưa có chế độ chính sách phù hợp để thu hút họ trở về.

Riêng đề án chính sách thu hút kiều bào về trong nước, ba năm nay chúng tôi loay hoay với các đóng góp ý kiến của các bộ, ngành vẫn chưa xong. Các cơ chế trao đổi văn bản, quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau còn quá rườm rà.

Thứ hai, do bản thân kiều bào còn đang quá bận rộn với những công việc ở các quốc gia sở tại. Những người giỏi, có trình độ, năng lực hầu như đều đang có những công việc rất tốt. Ví dụ, tôi đã gặp khoảng 30 anh chị em chuyên gia công tác ở Trung tâm vũ trụ Nasa của Mỹ. Hầu hết họ là những người đã gắn bó với quá trình phát triển tàu con thoi của Mỹ từ lúc phác thảo sơ đồ cho đến lúc tàu được sử dụng và đã “nghỉ hưu” như hiện nay... Đấy là tôi còn chưa nói đến các lĩnh vực khác chế tạo máy bay, y khoa...

Thứ ba, giữa trí thức trong nước và trí thức ngoài nước vẫn còn có những cái chưa thống nhất với nhau. Ví dụ như, với đề án nhà máy điện hạt nhân, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia kiều bào trong lĩnh vực này, rồi chuyển cho các cơ quan chức năng những đóng góp đó để họ nghiên cứu, đánh giá xem đúng hay không đúng ở mức độ nào nhưng hầu như không có trả lời.

Như vậy, việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài của các cơ quan chức năng trong nước cũng chưa có sự công tâm. Đôi khi, chúng ta hoặc còn coi thường hoặc còn còn đố kỵ.

- Theo dòng sự kiện nóng thời điểm này, ông có nói, rất mong muốn bà con kiều bào sẽ có nhiều thông tin và hiểu hơn về tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có kế hoạch gì để phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở các nước nhằm tuyên truyền cho bà con vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Bà con cô bác của chúng ta ở nước ngoài đều đang rất phẫn nộ và rất mong muốn có những hình thức phản ứng, làm sao vừa thể hiện được lòng yêu nước vừa đồng hành được với nhân dân trong nước. Họ đã có những cuộc xuống đường để bày tỏ những quan ngại cũng như sự phẫn nộ đối với những hành động của Trung Quốc vừa rồi.

Chúng tôi đã phải chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta ở bên ngoài không để bà con tổ chức thành những hành động mang tính bột phát như một số nơi trong nước vừa qua, mà có tập hợp, có hướng dẫn, có định hướng, để làm sao bà con thể hiện được quan điểm kiên quyết phản đối nhưng vẫn giữ được không khí với nhân dân sở tại, vận động được cả nhân dân sở tại tham gia... Tránh để xảy ra tình trạng bạo động.

Bà con ta ở Lào, Campuchia, Thái Lan... đã tập trung ở các hội trường, lên án bằng các bài tham luận, biểu tình bằng thái độ trong cuộc họp, phát biểu quan điểm của mình chứ không xuống đường bạo động như một số nơi.

Chúng tôi cũng đã có chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao bên ngoài phát động tinh thần yêu nước của bà con thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhìn nhận, đánh giá tình hình khách quan và có những phản ứng phù hợp với yêu cầu của đất nước. Việc làm này để cho bạn bè quốc tế biết và nhân dân địa phương thấy sự sai trái, vi phạm quyền chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc...

- Vâng, xin cảm ơn ông.

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 20-21/5, tại Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Mỹ Đình, Hà Nội.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục