Báo Nhật: Triều Tiên tăng sức ép để buộc Hàn Quốc tách khỏi Mỹ

Tranh cãi mới nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra đúng lúc sắp kỷ niệm 20 năm cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai miền Triều Tiên.
Báo Nhật: Triều Tiên tăng sức ép để buộc Hàn Quốc tách khỏi Mỹ ảnh 1Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ đưa các đơn vị trở lại thành phố Kaesong và Núi Kumgang gần biên giới, tái bố trí các điểm chốt gác từng được dỡ bỏ ở khu vực phi quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai miền Triều Tiên. Trong ảnh: Binh sỹ Triều Tiên tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 9/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng japantimes.co.jp, cả Triều Tiên và những người thiên tả ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều muốn ông khôi phục các mối quan hệ kinh tế vốn đã bị phá vỡ vì những căng thẳng an ninh.

Tuy nhiên, việc làm hài lòng họ cũng đồng nghĩa với việc khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận.

Ngày 9/6, Triều Tiên tuyên bố sẽ chấm dứt các đường dây liên lạc được thành lập 2 năm trước giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un, khiến cam kết tranh cử năm 2017 của nhà lãnh đạo Hàn Quốc về việc đưa những đối thủ được trang bị vũ khí hạng nặng tiến tới một nền hòa bình vĩnh viễn có khả năng sẽ không thể thực hiện được.

[Truyền đơn, nguyên nhân khiến Bán đảo Triều Tiên đột ngột căng thẳng]

Đối với ông Moon, động thái này diễn ra rất không đúng lúc: đảng cầm quyền của ông đã chiếm đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4/2020, và trong Đảng Dân chủ của ông ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi cải thiện quan hệ với Triều Tiên.

Vấn đề đối với ông Moon là ông không có gì nhiều để có thể đề xuất với Triều Tiên mà không chọc giận chính quyền Tổng thống Trump, vốn đã nhiều lần bác bỏ những lời kêu gọi của Hàn Quốc về việc nới lỏng trừng phạt cho Triều Tiên.

Mỹ cũng từ chối nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp khác chống lại Triều Tiên nếu ông Kim Jong-un không có những cam kết lớn hơn về việc giải trừ vũ khí.

Woo Won-shik, một nghỹ sỹ cấp cao từng lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Quốc hội Hàn Quốc, ngày 9/6 phát biểu rằng "nhu cầu cấp bách" hiện nay là khôi phục hợp tác liên Triều.

Ông Woo Won-shik lập luận rằng nếu không hành động ngay thì Triều Tiên sẽ bị cô lập hơn nữa và dẫn tới khả năng quay lại tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" như cách đây 3 năm.

Báo Nhật: Triều Tiên tăng sức ép để buộc Hàn Quốc tách khỏi Mỹ ảnh 2Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong tháng 5/2020 (ảnh trên) và sau khi bị phá hủy ngày 16/6 (ảnh dưới). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng ông sẽ sớm giới thiệu một "vũ khí chiến lược mới." Đây được cho là một phần trong nỗ lực nhằm gây sức ép để buộc Tổng thống Trump - người sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới - quay trở lại bàn đàm phán.

Nghị sỹ Woo nói: "Có rất nhiều dự án liên Triều có thể tiếp tục thực hiện mà không vi phạm cơ chế trừng phạt hiện hành của Liên hợp quốc."

Tranh cãi mới nhất giữa hai nước - bắt nguồn từ việc các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc dùng bóng bay để gửi những thông điệp chống Triều Tiên sang phía bên kia biên giới - diễn ra đúng lúc sắp kỷ niệm 20 năm cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai miền Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh này diễn ra ngày 13/6, đây được coi là thành tựu lớn nhất trong nỗ lực hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung, qua đó đã thúc đẩy thương mại và các dự án chung giữa hai bên và giúp nhà lãnh đạo Hàn Quốc giành giải Nobel Hòa bình.

Mặc dù "Chính sách Ánh dương" này giúp xoa dịu căng thẳng, song nó cũng bị chỉ trích vì giúp các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng có thêm nguồn tài chính cần thiết để tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân.

Các biện pháp ở quy mô nhỏ hơn, vốn chỉ tạo ra một dòng chảy nhỏ giọt ngoại hối cho Triều Tiên, cũng có nguy cơ làm ông Kim Jong-un và các đồng minh của ông Moon Jae-in thất vọng.

Các đồng minh của ông Moon cho rằng sức mạnh hiện nay của họ tại Quốc hội là cơ hội tốt nhất để họ tạo ra một sự thay đổi vĩnh viễn.

Quan hệ của Triều Tiên với ông Moon đã không còn giống như trước, kể từ khi ông Trump bước ra khỏi bàn đàm phán với ông Kim hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thúc đẩy một kế hoạch được Hàn Quốc ủng hộ là từ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon đã lỗi thời để đổi lấy việc được nới lỏng trừng phạt - một đề nghị còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu của chính quyền Trump về việc Triều Tiên phải "phi hạt nhân hóa được xác minh đầu đủ."

Rachel Minyoung Lee, từng là nhà phân tích về Triều Tiên của chính quyền Mỹ, nói: "Đó là cảm giác bị phản bội và thất vọng. Ông Kim Jong-un cảm thấy Hàn Quốc đã khiến ông tin tưởng sai lầm rằng cơ sở hạt nhân Yongbyon sẽ đủ để thỏa thuận với Trump ở Hà Nội."

Sau đó, Triều Tiên đã phớt lờ hoàn toàn các yêu cầu đàm phán của ông Moon, lảng tránh các đề nghị viện trợ của Hàn Quốc và tiến hành thử nghiệm các tên lửa đạn đạo mới có khả năng tấn công bất kỳ khu vực nào của Hàn Quốc, nơi hiện có khoảng 28.500 nhân viên quân sự Mỹ đang đồn trú.

Phát biểu trong một buổi họp báo tại Seoul, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết ngày 9/6, lần đầu tiên kể từ khi các đường dây liên lạc liên Triều được khôi phục năm 2018, Triều Tiên đã không trả lời các cuộc gọi của Hàn Quốc thông qua đường dây liên lạc quân sự.

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc trong một văn bản gửi đến các phóng viên đã viết: "Các đường dây liên lạc liên triều là phương tiện cơ bản để liên lạc và cần được duy trì với sự thống nhất của hai miền Triều Tiên."

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ thúc giục Triều Tiên quay trở lại con đường ngoại giao và hợp tác.

Người phát ngôn này nói: "Mỹ luông ủng hộ tiến bộ trong quan hệ liên Triều, và chúng tôi thất vọng trước những hành động gần đây của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên."

Sau động thái cắt đứt đường dây liên lạc vừa qua, ông Kim Jong-un có thể tiếp tục thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm tên lửa, nhưng chắc chắn sẽ tìm cách tránh làm ông Trump giận dữ.

Báo Nhật: Triều Tiên tăng sức ép để buộc Hàn Quốc tách khỏi Mỹ ảnh 3Vụ phóng thử một tên lửa đạn đạo chiến lược từ tàu ngầm tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tổng thống Mỹ đã xem nhẹ các vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và cho rằng các hoạt động ngoại giao của ông đã giúp ngăn chặn ông Kim thực hiện các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới nước Mỹ.

Cho Han-bum, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Thống nhất Quốc gia (Hàn Quốc) - một cơ quan tham mưu của nhà nước - nói: "Tiếp theo sẽ là các hành động khiêu khích như phóng tên lửa, nhưng sẽ không nghiêm trọng, Triều Tiên sẽ không thử nghiệm ICBM."

Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng Triều Tiên cũng không muốn đẩy ông Moon đi quá xa: "Hàn Quốc hiểu rõ ràng việc chấm dứt quan hệ liên Triều không phải là điều phía Triều Tiên mong muốn."

Chính phủ của ông Moon hồi cuối tháng 5 vừa qua tuyên bố rằng họ muốn thử lại việc nới lỏng các hạn chế đi lại và trao đổi liên Triều.

Một nỗ lực tương tự năm 2018 đã khiến Tổng thống Trump thẳng thừng nói với Seoul rằng Hàn Quốc không thể làm điều gì liên quan tới các lệnh trừng phạt "mà không có sự đồng ý của chúng tôi."

Theo bà Soo Kim - một nhà phân tích chính trị chuyên về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên của Rand Corp, các thành viên trong nội các của ông Moon đã úp mở rằng Seoul có thể đơn phương hành động để hồi sinh hợp tác liên Triều, nhưng điều này sẽ đi kèm với rủi ro rất lớn là đẩy Seoul ra khỏi liên minh với Washington.

Bà Soo Kim nói: "Tổng thống Moon có thể hứa hẹn hão huyền với Triều Tiên, nhưng trên thực tế các biện pháp trên mà Hàn Quốc có thể áp dụng đều bị hạn chế, nếu Seoul có ý thức và quan tâm tới quan hệ của mình với Mỹ."

Những đề xuất của Hàn Quốc bị chinh quyền Trump bác bỏ bao gồm việc nối lại các hoạt động ở khu công nghiệp chung tại thành phố biên giới của Triều Tiên là Kaesong và một khu nghỉ dưỡng riêng trên núi Kumgang cũng của Triền Tiên.

Cả hai cơ sở này đều được xây dựng dựa trên tinh thần của Chính sách Ánh dương và sau đó đã bị đóng cửa do xảy ra bất ổn chính trị.

Mặc dù Hàn Quốc từng được Liên hợp quốc chấp nhận miễn trừng phạt, dẫn tới việc nước này điều các đoàn tàu đi qua biên giới tới Triều Tiên cách đây 2 năm, song viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho Triều Tiên đang dần cạn kiệt dưới chiến dịch "sức ép tối đa" của Tổng thống Trump.

Hàn Quốc đã gửi viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Triều Tiên kể từ năm 1995, tuy nhiên phần lớn viện trợ này không phải là dưới thời chính quyền của ông Moon - vốn chỉ mới gửi viện trợ 12 triệu USD trong năm 2017 và 2018, theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc.

Thương mại giữa hai bên cũng giảm từ 2,7 tỷ USD năm 2015 - chiếm khoảng 10% nền kinh tế Triều Tiên - xuống gần như bằng 0.

Triều Tiên còn bị thiệt hại nặng nề hơn nữa trong năm 2020 vì đóng cửa biên giới vào tháng 1 khi đại dịch viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bắt đầu bùng phát, khiến trao đổi thương mại với các quốc gia khác như Trung Quốc cũng bị đình trệ.

Theo Duyeon Kim, một cố vấn cấp cao về Đông Nam Á và Chính sách Hạt nhân của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, ông Kim Jong-un tin rằng mình không có gì nhiều để mất khi gia tăng sức ép đối với ông Moon.

Ông Duyeon Kim nói: "Triều Tiên đang gia tăng đặt cược, nỗ lực trừng phạt, đe dọa hơn nữa và buộc Seoul phải làm việc chăm chỉ hơn để đáp ứng những đòi hỏi của Bình Nhưỡng. Kim Jong-un cảm thấy ông đã gắng hết sức để vừa lòng ông Moon, nhưng Seoul lại không đền đáp, đã phản bội Triều Tiên và người Triều Tiên nói chung, không gây ảnh hưởng được với Washington để buộc Washington thực hiện những hứa hẹn của mình"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục