Báo nước ngoài viết về doanh nhân nuôi cá tầm ở Việt Nam

Lê Anh Đức sở hữu 40 con cá tầm bạch tạng với khả năng đẻ ra những quả trứng vô cùng có giá trị. Trứng cá tầm bạch tạng có thể có giá lên đến 100.000 USD/kg.
Báo nước ngoài viết về doanh nhân nuôi cá tầm ở Việt Nam ảnh 1Một cơ sở nuôi cá tầm tại Việt Nam (Nguồn: AFP)
Hãng AFP vừa có phóng sự về tiềm năng nuôi và xuất khẩu trứng cá tầm tại Việt Nam, coi đây là một điểm sáng làm hồi sinh món đặc sản đắt tiền này. Bài viết đã được nhiều tờ báo nước ngoài đăng tải lại, trong đó ca ngợi ông Lê Anh Đức như là "ông vua trứng cá." Vietnam+ xin trích dịch bài viết này, như một sự cổ vũ cho các doanh nhân trong nước trong nỗ lực hội nhập với thế giới.

Tại một trại nuôi cá tầm ở vùng hồ nước nguyên sơ phía nam Đà Lạt, một công nhân kéo một con cá trắng lớn lên khỏi mặt nước. "Là một con cá bạch tạng," 'vua trứng cá tầm' Lê Anh Đức reo lên mừng rỡ.

Lê Anh Đức sở hữu 40 con cá tầm bạch tạng với khả năng đẻ ra những quả trứng vô cùng có giá trị. Trứng cá tầm bạch tạng có thể có giá lên đến 100.000 USD/kg, trong khi trứng cá tầm đen Beluga chỉ có giá từ 5.000-10.000 USD/kg.

Lê Anh Đức là một doanh nhân từng du học ở Nga và có tình yêu với những thương vụ mạo hiểm. Ông tự đặt ra nhiệm vụ cho mình, đó là đưa sản phẩm trứng cá tầm muối sản xuất tại Việt Nam lên bàn ăn thế giới với một mức giá hợp lý, bắt đầu từ quốc gia nổi tiếng với món ăn vương giả này.

"Nếu chúng ta có thể bán trứng cá muối sang Nga, nơi họ hiểu rất rõ về món ăn này, vậy thì những người khác sẽ đều biết sản phẩm của chúng ta có chất lượng cao như thế nào," doanh nhân 36 tuổi chia sẻ. 

Công ty Caviar de Duc của ông đã ký một thỏa thuận với một nhà nhập khẩu ở Nga, theo đó sẽ cho xuất khẩu sang thị trường này 2-4 tấn trứng cá muối trong năm 2015, bất chấp việc một số công ty thủy hải sản ở Việt Nam đang lo ngại sự sụt giá của đồng ruble sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu.

Là món ăn được giới thượng lưu yêu thích, trứng cá tầm muối vốn rất đắt đỏ và cao cấp. Tuy nhiên thị trường trứng cá muối hiện nay đang gặp phải một cuộc khủng hoảng, khi sản lượng trứng cá khai thác tự nhiên sụt giảm mạnh từ 3.000 tấn/năm hồi năm 1970 xuống tới gần như bằng 0 tính tới nay. Việc khai thác quá mức cá tầm tại biển Caspian cũng như sự ô nhiễm ở đây cũng đang khiến lượng cá tầm beluga hoang dã bị đe dọa.

Năm 1998, việc sản xuất trứng cá tầm bằng phương pháp đánh bắt truyền thống đã bị giới hạn chặt chẽ bằng một hệ thống quota do Hiệp định về Động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) của Liên Hợp Quốc áp đặt. Việc đầu tư vào nuôi cá tầm theo đó càng thu hút nhiều sự quan tâm. Italy, quốc gia đã nuôi cá tầm trong nhiều thập kỷ qua hiện đang là nhà sản xuất trứng cá tầm muối từ cá tầm nuôi lớn nhất thế giới. Những quốc gia khác như Việt Nam cũng đang nung nấu ý định giành lấy thị phần.

Hiện doanh nhân Lê Anh Đức có khoảng 500.000 con cá tầm được nuôi tại 6 trang trại ở Việt Nam, đặt tại các hồ chứa nước ở các đập thủy điện. Năm nay, sản lượng trứng cá tầm thu được đạt khoảng 5 tấn. Lê Anh Đức hy vọng đến năm 2017, con số này sẽ tăng lên gấp 3, cũng như nuôi giấc mơ sản xuất 100 tấn trứng cá tầm mỗi năm.

"Bây giờ trứng cá tầm vẫn còn là món ăn cao cấp, nhưng chúng quả thực rất ngon và tốt cho sức khỏe. Nên có nhiều người có thể tiếp cận với món ăn này hơn," ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với AFP.

Theo Hiệp hội Bảo tồn cá tầm Thế giới (WSCS), lượng trứng cá tầm muối được bày bán trên thị trường toàn cầu mỗi năm đạt khoảng 250-400 tấn, trong đó hầu hết được sản xuất từ cá tầm nuôi. Phó chủ tịch WSCS, Paolo Bronzi cho biết, hiện số lượng cá tầm còn sống ngoài tự nhiên ở Nga, nơi từng là một trong những nhà cung cấp trứng cá tầm lớn nhất thế giới là rất ít.

Tuy nhiên, nhu cầu cho mặt hàng này lại đang tăng lên bất chấp nguồn cung sụt giảm, do làn sóng những người giàu mới nổi tại châu Á và Trung Đông gia tăng. Áp lực để duy trì ngành công nghiệp sản xuất trứng cá tầm muối do đó lại càng tăng lên.

Cá tầm, cũng như cá hồi, tương đối dễ nuôi. WSCS ước tính nguồn cung trứng từ cá tầm nuôi có thể tăng lên đến 500-750 tấn/năm trong vài năm tới. Việt Nam là một trong những nơi có tiềm năng phục vụ được nhu cầu trứng cá tầm của thế giới, nhờ sự phát triển của công nghiệp thủy hải sản với nhiều công ty xuất khẩu cá da trơn và tôm.

Báo nước ngoài viết về doanh nhân nuôi cá tầm ở Việt Nam ảnh 2Doanh nhân Lê Anh Đức. (Nguồn: AFP)

Doanh nhân Lê Anh Đức cực kỳ coi trọng việc bảo đảm chất lượng cho sản phẩm của mình. Ông không dùng hormone hay chất kháng sinh với đàn cá mình nuôi, và xây những bể nuôi lớn nhưng thả ít cá để giảm mức độ căng thẳng của chúng và tăng chất lượng trứng nhằm tạo dựng tên tuổi cho sản phẩm trứng cá tầm Việt Nam. 

Ông cũng từ chối sử dụng borex, một loại thuốc bảo quản tiêu chuẩn nhưng có độc thường được dùng trong hầu hết các sản phẩm trứng cá tầm mà chỉ dùng muối. Những hộp trứng cá muối của ông chỉ có hạn sử dụng trong vòng hai tháng, nhưng anh hy vọng có thể sử dụng công nghệ làm lạnh nhanh của Nhật Bản để hỗ trợ việc bảo quản.

Lê Anh Đức cũng đã từ chối những đề nghị cung cấp trứng cá tầm theo dạng sỉ tới các thương hiệu lớn hiện đang thống trị ngành công nghiệp này và kiên quyết tìm cách xây dựng thương hiệu cho trứng cá tầm Việt Nam.

Theo WSCS, nhiều nhà sản xuất trứng cá tầm mới như Trung Quốc đang gặp phải những vấn đề về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, nhưng điều đó không có nghĩa là trứng cá tầm Việt Nam không có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

"Tôi không nghĩ trứng cá tầm từ các quốc gia mới tham gia vào ngành sẽ luôn bị kỳ thị vì nguồn gốc của chúng... điều này phụ thuộc vào tầng lớp người tiêu dùng mới, những nhà buôn mới và tất nhiên là giá của chúng," Paolo Bronzi nhận định.

Doanh nhân Lê Anh Đức bắt đầu thử nghiệm nuôi cá tầm từ năm 2007, với 50.000 con cá giống, bất chấp nhiều chuyên gia đã khuyến cáo cá tầm sẽ không sống được ở vùng có khí hậu ấm áp như Việt Nam. Sau một thời gian dài nuôi lớn, anh đã có đợt thu hoạch trứng đầu tiên vào năm 2013.

"Các nhà khoa học lúc đó nói tôi điên rồi," Lê Anh Đức kể lại. Khi đó, các chuyên gia người Nga ông thuê tới đều tức giận bỏ về nước khi anh khăng khăng rằng cá tầm sẽ sống được trong các hồ chứa nước của đập thủy điện, nơi có nhiệt độ cao hơn tới 10 độ C so với nhiệt độ nước ưa thích của chúng. Hiện nay, Lê Anh Đức đã có được một lượng khách hàng lớn ở Việt Nam, khi người dân bắt đầu có nhu cầu thưởng thức những món ăn hảo hạng của nước ngoài.

Ở Việt Nam, ông đã là nhà cung cấp trứng cá tầm cho nhiều khách sạn 5 sao, cũng như cho các bữa tiệc cao cấp, từ những buổi dạ hội tại Đại sứ quán Pháp tới tiệc sinh nhật của nhiều nhân vật tiếng tăm.

"Chất lượng trứng cá rất tốt. Những quả trứng tất nhiên là nhỏ hơn so với trứng cá của Nga hay Iran, nhưng xét về chất lượng và hương vị thì cũng không thua kém gì", Sakal Phoeung, bếp trưởng tại khách sạn Sofitel Saigon Plaza nhận xét về sản phẩm trứng cá muối của công ty Caviar de Duc./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục