Báo quốc tế: Vì sao Việt Nam ‘đánh bại’ được đại dịch COVID-19?

Ba tờ tạp chí và trang mạng của Mỹ, Nga vừa có các bài viết phân tích những chiến lược thành công của Việt Nam trong việc khống chế đại dịch VOCID-19.
Báo quốc tế: Vì sao Việt Nam ‘đánh bại’ được đại dịch COVID-19? ảnh 1Triển khai tiêm vaccine cho nhân viên y tế, các cán bộ, nhân viên tham gia chống dịch, khu cách ly tập trung tại Ninh Bình ngày 27/4. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Tạp chí Vox của Mỹ vừa có bài viết phân tích “hiện tượng” Việt Nam - một quốc gia có thể khống chế thành công các làn sóng bùng phát đại dịch COVID-19 với số ca tử vong chỉ vài chục người và duy trì tăng trưởng kinh tế ngay cả trong những thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch.

Tờ báo liệt kê một loạt biện pháp mang đến hiệu quả lớn mà Việt Nam đã quyết liệt áp dụng ngay từ khi đại dịch xuất hiện.

Theo tạp chí này, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tận dụng thời gian một cách khôn ngoan khi đóng cửa biên giới quốc tế vào tháng 1/2020 và đặc biệt là các cơ quan chức năng Việt Nam không cho rằng virus SARS-CoV-2 giống như bệnh cúm mùa và Việt Nam cũng không xem xét khả năng miễn dịch cộng đồng.

Trong bất cứ trường hợp nào, bất kỳ ai muốn nhập cảnh đều cần có giấy phép đặc biệt của chính phủ và sau đó phải cách ly 21 ngày dưới sự kiểm soát của chính quyền. Những bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển thẳng đến bệnh viện, bất kể tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Thêm vào đó là các biện pháp khác như truy dấu vết, phong tỏa, xét nghiệm đúng đối tượng và kịp thời.

Báo quốc tế: Vì sao Việt Nam ‘đánh bại’ được đại dịch COVID-19? ảnh 2Từ ngày 18 đến 20/2, Thủ đô Hà Nội tiến hành xét nghiệm đối với người dân thành phố đã trở về từ vùng có dịch. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Việt Nam đã truyền tải thông điệp về sức khỏe tới công chúng bằng các chiến thuật sáng tạo, như nhắn tin tới điện thoại di động hoặc tuyên truyền bằng bài hát về rửa tay. Người dân chưa bao giờ bị mất phương hướng, phải chịu ảnh hưởng về kinh tế và sức khỏe tinh thần do các đợt phong tỏa trên toàn quốc.

Các biện pháp này đã cho phép Việt Nam ngăn chặn được dịch bệnh lây lan, thậm chí trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng. Tất cả các đợt bùng phát đều được nhanh chóng kiểm soát, qua đó giúp nền kinh tế tăng trưởng 2,9%.

Những thành công đó đã giúp củng cố sự ủng hộ của công chúng đối với các biện pháp chống dịch bệnh. Theo một cuộc khảo sát được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện nghiên cứu Phát triển Mekong công bố vào tháng 12/2020, 89% người Việt Nam được hỏi cho biết họ ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 67%.

Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Ban cố vấn kinh tế của Thủ tướng, cho hay: “Người dân Việt Nam ủng hộ việc chính phủ tiếp tục có những biện pháp nghiêm khắc.”

Cùng chung đánh giá với tạp chí Vox, trang mạng prudentpressagency.com của Mỹ đưa tin trong khi một nửa thế giới đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19 như Ấn Độ và Brazil, nơi ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục, thì có những nơi dường như đã thực sự đánh bại đại dịch COVID-19, đó là Việt Nam và Đài Loan.

Trang tin này cho hay từ tháng 3/2020, Việt Nam đã đóng cửa theo đúng nghĩa đen và đóng cửa biên giới ngay cả khi không có ca nhiễm COVID-19 mới nào do lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ các nước lân cận. Nhà dịch tễ học Mark Jett tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London cho rằng: “Càng ít ca nhiễm, các biện pháp đóng cửa biên giới càng có giá trị.”

Báo quốc tế: Vì sao Việt Nam ‘đánh bại’ được đại dịch COVID-19? ảnh 3 Các công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Cần Thơ ngày 14/3. Sau đó, họ được cách ly y tế tập trung tại Bạc Liêu (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Tại Việt Nam, mọi hoạt động đến nay đã gần như trở lại điều kiện bình thường: các trường học và nhà hàng mở cửa, mọi người đi xem hòa nhạc và tham gia câu lạc bộ, dù vẫn trong tình trạng cảnh giác cao.

Bài viết nhận định Việt Nam cùng với những nước/khu vực như New Zealand, Đài Loan, Rwanda, Iceland, Australia, Cyprus có ít hoặc không có gì chung về địa lý, văn hóa, kinh tế và về mặt xã hội, nhưng tất cả các nước này hiện đều có cuộc sống diễn ra bình thường nhờ giải pháp không sống chung với virus, mà là tìm virus và tiêu diệt. Đây là lựa chọn dũng cảm.

Trong khi đó, tờ Sputnik nhận định quan điểm “trước sau như một” của chuyên ngành y tế dự phòng Việt Nam là “tấm khiên vaccine” cho dù rất hữu hiệu, nhưng cũng vẫn chỉ là một trong những biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Việt Nam luôn có các biện pháp đối phó khác đi kèm để tăng hiệu quả phòng chống dịch.

Trước hết, vì hầu hết các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-COV-2 đều không có triệu chứng. Vì vậy, Việt Nam đã tăng cường sản xuất các bộ kit xét nghiệm, trang bị thêm nhiều máy xét nghiệm hiện đại, phần lớn là các thiết bị PCR có khả năng xét nghiệm ADN và ARN với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Trên cơ sở đó, ngành y tế Việt Nam mở chiến dịch “tìm diệt COVID-19” chứ không thụ động ngồi chờ có dịch rồi mới dập. Điều đó có nghĩa là mở những chiến dịch xét nghiệm diện rộng một cách ngẫu nhiên nhằm vào các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao để “tìm diệt” mầm bệnh trong cộng đồng ngay cả khi chưa có ca bệnh F0 hiện hữu để “điều trị ngăn chặn.” Nói cách khác là một chiến dịch kiểu “ra tay chặn trước.” Sau đó, diện xét nghiệm sẽ được mở rộng đại trà để kiểm soát chặt chẽ hơn những nguồn bệnh còn chưa được phát hiện trong xã hội.

Bên cạnh đó, vũ khí chống dịch thứ ba của Việt Nam hiện nay vẫn là khẩu trang, khử khuẩn và khai báo y tế. Cuối cùng, Việt Nam đang nghiên cứu nhằm hình thành một cơ chế sử dụng “hộ chiếu vaccine” để có thể mở lại các tuyến giao thông hàng không quốc tế và khôi phục ngành du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục